Báo Đồng Nai điện tử
En

Chúng ta đang mắc nợ

04:01, 21/01/2022

Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều đổi thay trong cuộc sống, sinh hoạt trước tác động của internet, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư qua các thiết bị thông minh, phần mềm điều khiển... Thanh toán online, dạy và học online, đặt xe online…

Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều đổi thay trong cuộc sống, sinh hoạt trước tác động của internet, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư qua các thiết bị thông minh, phần mềm điều khiển... Thanh toán online, dạy và học online, đặt xe online… Mọi thứ đang “internet hóa”, không gian và thời gian dường như bị thu hẹp lại. Và đặc biệt, giao tiếp xã hội cũng bị “internet hóa”.

Sinh viên nước ngoài học tiếng Việt tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
Sinh viên nước ngoài học tiếng Việt tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

* Thời của giao tiếp bàn phím

Internet đã biến cả thế giới thành một ngôi làng. Quá trình hội nhập đã diễn ra, càng lúc càng nhanh. Thế hệ trẻ hôm nay tiếp nhận xu thế toàn cầu hóa trong tất cả hoạt động của họ từng ngày. Và chúng ta đang chứng kiến những đổi thay của một thời đại tốc độ: thông tin tràn ngập, giao tiếp dễ dàng. Các bạn trẻ hiện nay đua nhau rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, truyền thông hiện đại. Và không chỉ có các bạn trẻ, nhiều người tuổi trung niên, tuổi già cũng tham gia vào những cuộc chơi truyền thông như hình thức livestream trên các mạng xã hội, để lại những dấu ấn cả tích cực lẫn tiêu cực trong thời gian qua.

Năng lực ngoại ngữ, thói quen khai thác các công cụ giao tiếp trực tuyến, khả năng thể hiện thông điệp nghe nhìn… là những đặc điểm dễ nhận ra của thế hệ trẻ hôm nay. Và trong môi trường số hóa ấy, thế hệ trẻ lại kéo cả đám đông chúng ta vào không gian của tốc độ, không gian của ký hiệu. Có cảm giác như hiện nay ai trong chúng ta cũng đều thấy mình biết nhiều hơn nhờ đọc - nghe - xem nhiều hơn nhưng lại không kịp nghĩ, không đủ sâu sắc. Chúng ta cũng dễ bị lôi kéo vào cảm xúc của số đông. Chúng ta yêu và ghét, vui mừng và phẫn nộ… cùng với đám đông. Chúng ta cuốn theo cách giao tiếp của thời mạng xã hội: gõ nhanh, dùng biểu tượng, viết tắt, và thậm chí, chấp nhận chệch chuẩn mực.

* Nghịch lý tiếng mẹ đẻ

Tiếng Việt vẫn đến với chúng ta mỗi ngày trong lời ăn tiếng nói, trong văn chương, âm nhạc như bao thế kỷ qua, nhưng giờ đây, có một thứ tiếng Việt lai tạp, biến dạng xuất hiện. Tiếng mẹ đẻ đang bị tấn công trong không gian số lan ra cả đời thật, trong giao tiếp trực tuyến đến văn chương âm nhạc nghệ thuật.

Bà chị bán hàng nước của tôi giờ đây sau những tháng giãn cách vì Covid và làm quen với mạng xã hội đã rành những dạng “teen code” như: cute, chill, hang out, BAE, LOL… Thôi thì những từ tiếng Anh giao tiếp thời hội nhập trên môi trường tán gẫu trực tuyến, trong chừng mực nào đó, có thể chấp nhận được. Nhưng điều lạ lùng là báo chí chính thống và trong các hoạt động hành chính nhiều năm qua, tình trạng lạm dụng tiếng Anh, tiếng nước ngoài càng ngày càng nặng nề hơn dù đã có nhiều ý kiến phản ứng gay gắt. Báo chí - truyền hình thích dùng “start-up” trong khi tiếng Việt đã có từ “khởi nghiệp”, thích dùng “kit test” trong khi tiếng Việt đã có “bộ xét nghiệm”, thích dùng “smartphone” trong khi tiếng Việt đã có “điện thoại thông minh”, thích dùng “diva” trong khi tiếng Việt đã có “nữ danh ca”… Hàng trăm, hàng ngàn từ như thế đang xen vào tiếng Việt như scandal, check, show, hot boy, hot girl, thank you, sorry, OK, perfect, order, combo, free, sale v.v… Có nhiều cái tít bài báo, tác giả không ngần ngại sử dụng tiếng Anh chen vào theo kiểu khẩu ngữ. Nhiều từ Hán Việt bị dùng sai, mà sai quá nhiều trên các cơ quan báo chí lớn, sai từ các cá nhân uy tín… riết thành ra đúng! Nhiều kiểu “sáng tạo” từ mới rất bất thường như: cẩu lương, soái ca, sửu nhi, sugar baby, tụt mood, đu trend, thả thính, toang, quẩy, cạ cứng, biến căng, dìm hàng, sến súa, rau sạch… hoặc những thành ngữ mới cố tình bẩn bựa kiểu: Bực như con mực, Chán như con gián, Ăn chơi sợ gì mưa rơi, Chuẩn không cần chỉnh, Đẹp trai có gì sai, Được voi đòi Hai Bà Trưng, Không phải dốt, vì mẹ quên cho i-ốt vào canh…

Tiếng Việt đang bị biến dạng vì tình trạng thiếu ý thức của chính những người có trách nhiệm, trong đó có giới báo chí, văn nghệ sĩ. Hàng loạt những kiểu lỗi về chính tả, từ vựng, ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ mà chỉ cần mở mạng là thấy, không khó khăn gì để tìm ra. Thật chạnh lòng khi chứng kiến thứ tiếng Việt lai căng, dị hợm đi vào ca từ nhạc rap, hoặc đi vào lời bàn luận của những khách mời, giám khảo ở các trò chơi, các tọa đàm trên sóng truyền hình. Thật đau lòng khi hằng ngày phải đọc những kiểu viết sai cấu trúc tiếng Việt, những hình thức “tìm tòi” cẩu thả trên báo in, báo.

Công nghệ giao tiếp hiện đại đã góp phần làm biến dạng tiếng Việt hiện nay
Công nghệ giao tiếp hiện đại đã góp phần làm biến dạng tiếng Việt hiện nay

Có một nghịch lý là, trong khi bị chính người Việt xâm hại trong đời sống truyền thông thì vị thế tiếng Việt trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Nam - Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - thì “vị trí và vai trò của tiếng Việt ngày càng được đánh giá cao hơn và là một cầu nối quan trọng có tính quyết định trong giao lưu giữa Việt Nam với thế giới”. Tiếng Việt được đưa vào giảng dạy ở những đại học nổi tiếng nhất của thế giới và khu vực, được công nhận là môn thi đại học ở Hàn Quốc, được coi là một “chuyên ngữ” trong một số trường phổ thông chuyên ngữ ở Nhật Bản, được coi là ngoại ngữ tự chọn trong trường phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 ở Đài Loan... Hiện nay, việc giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong các trường đại học trên thế giới đang phát triển rộng khắp, có thể nói ở những mức độ khác nhau, không có châu lục nào không có việc giảng dạy tiếng Việt. Riêng 2 trường đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và TP.HCM nhiều năm qua đã đào tạo tiếng Việt cho gần 15 ngàn người nước ngoài. Trong số đó, có nhiều người trở thành những nhà Việt Nam học nổi tiếng thế giới, hoặc trở thành nhà ngoại giao, chính khách cao cấp, đại sứ các nước tại Việt Nam...

* Của để dành

Trải qua bao cuộc chiến tranh chống xâm lược trong nhiều giai đoạn lịch sử, trải qua quá trình chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để phát triển, cha ông ta đã bảo vệ và phát triển tiếng Việt như một gia tài lớn. Tiếng Việt đã trở thành hồn cốt của dân tộc. Tiếng Việt là sức sống, là tâm hồn, lối sống, tư duy người Việt.

“Nằm trong tiếng nói yêu thương

Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời”.

                                                                                                                   (Huy Cận)

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

                                                                                                                   (Lưu Quang Vũ)

Người Việt sống xa quê hương cũng luôn đau đáu với việc giữ gìn lời ăn tiếng nói cha ông cho thế hệ trẻ. Sức sống của tiếng Việt khởi đi từ tình yêu tha thiết ấy. Trải qua thời gian, người Việt không ngừng giữ gìn, cải tiến để gia tài tiếng Việt ngày càng giàu và đẹp. Chúng ta cũng không ngừng sáng tạo để tạo ra những yếu tố mới trong tiếng Việt nhằm làm cho vốn từ, vốn câu và cách nói tiếng Việt được phong phú, đa dạng, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, tất cả những sáng tạo ấy đều phải dựa trên những hệ thống quy tắc nói và viết chuẩn mực, ở các phương diện phát âm, chính tả, ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ... Hệ thống quy tắc trong nói và viết tiếng Việt đã được chuẩn hóa thành quy định mang tính pháp lý, và được đưa vào sách giáo khoa.

Và chính vì thế, hiện nay, nhân danh sự tiện lợi, nhân danh tốc độ của thời tự động hóa, nhân danh hội nhập, người ta đang làm lai tạp, biến dạng Tiếng Việt. Đứng trước thách thức, chúng ta phải làm gì?

Câu hỏi đó không chỉ là chuyện của các nhà hoạch định chính sách về ngôn ngữ, hay những nhà làm công tác giáo dục (phổ thông/ đại học/ đào tạo về báo chí - truyền thông), hay những người làm báo, làm văn chương nghệ thuật… mà là từng người Việt hôm nay. Vâng, mỗi người dân cần nêu cao trách nhiệm giữ gìn và làm giàu tiếng Việt, bởi đây là “thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” (Hồ Chí Minh).

Trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật đang chiếm lĩnh đời sống hôm nay, nhưng thời chuyển đổi số không đồng nghĩa với việc đánh mất bản sắc văn hóa, phá hỏng “của để dành” của cha ông. Chúng ta không chỉ mắc nợ tiếng Việt, giờ đây chúng ta còn có tội với tiếng Việt nếu không giữ gìn sự trong sáng và vẻ đẹp lung linh cũng như vị thế của nó. Xin mượn lời thơ Lưu Quang Vũ trong bài Tiếng Việt để kết thúc bài viết này:

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?

Ai ở phía bên kia cầm súng khác

Cùng tôi trong tiếng Việt quay về

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”

Phan Văn Tú

Tin xem nhiều