Báo Đồng Nai điện tử
En

Người kể chuyện muôn loài qua ống kính

04:01, 21/01/2022

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu đã có hơn chục năm lặn lội qua bao cánh rừng dọc mọi miền đất nước để chụp ảnh về thiên nhiên, muôn loài. Đặc biệt, ông đã gắn bó với Vườn quốc gia Cát Tiên nhiều năm qua để "săn" những bức ảnh quý về các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, các loài chim quý, loài động vật đặc hữu ở đây.

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu đã có hơn chục năm lặn lội qua bao cánh rừng dọc mọi miền đất nước để chụp ảnh về thiên nhiên, muôn loài. Đặc biệt, ông đã gắn bó với Vườn quốc gia Cát Tiên nhiều năm qua để “săn” những bức ảnh quý về các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, các loài chim quý, loài động vật đặc hữu ở đây.

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu. Ảnh: NVCC
Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu. Ảnh: NVCC

Ông là người hiểu rõ về đa dạng sinh học và kể nhiều câu chuyện liên quan tới các loài chim, thú, thực vật… tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, các loài chim, động vật quý hiếm ở Việt Nam.

* “Với nhiếp ảnh, tôi đi từ “cái duyên” này đến “cái duyên” khác”

* Thưa ông, được biết ông đã có hơn chục năm lặn lội qua bao cánh rừng từ Nam chí Bắc, chụp được khoảng 500 loài trong tổng số 900 loài chim trên lãnh thổ Việt Nam. Vậy cơ duyên từ đâu mà ông lại gắn bó với rừng, gắn bó với các loài chim như vậy?

- Có thể nói đến ngưỡng tuổi ngoài 60 - bước vào độ tuổi “xuống dốc” cuộc đời nhưng tôi mới bắt đầu leo lên những con dốc khác của núi, rừng tự nhiên chỉ để “săn” được những bức ảnh độc về chim muông, hoa cỏ. Học chuyên ngành Lâm nghiệp nhưng cuộc đời lại rẽ ngang làm những công việc khác, không liên quan đến rừng. Mãi tới khi trải qua một biến cố về sức khỏe, cận kề với “cửa tử”, tôi mới nhận ra một ý nghĩa khác của cuộc đời. Đó là hãy tận dụng khoảng thời gian còn lại của cuộc đời để sống một cách thong dong, vui vẻ, nhưng hơn hết là phải có giá trị. Vậy là tôi đã vác máy ảnh lên và đi.

Tôi tìm về những cánh rừng trải dài từ Nam chí Bắc, tôi theo đuổi những sinh vật trong tự nhiên. Trung bình cứ 1 tuần thì đã có hết 3-4 ngày ở trong rừng. Chụp ảnh về rừng, về chim muông, thiên nhiên chính là cách để tôi giữ lại cho bản thân những ký ức đẹp về cuộc đời cũng như góp những tiếng gọi kêu cứu rừng, giúp mọi người yêu thiên nhiên hơn, sống chan hòa và biết gìn giữ thiên nhiên.

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu chia sẻ: “Điều đặc biệt nhất là vào năm vừa qua, trong vai trò “nhân viên bất đắc dĩ” của vườn, tôi được mời tham gia, giám tuyển ảnh cho cuốn Sách Atlas giới thiệu về Vườn quốc gia Cát Tiên dày 200 trang, ra mắt vào tháng 12-2021.

Ảnh bìa của cuốn sách này là bức ảnh tôi chụp trong đợt “cách ly” trốn dịch hơn 5 tháng qua, đó là hình một chú nai có cặp sừng tuyệt đẹp ở phía trước, phía sau là một đàn bò tót. Tuy cả hai loài này không xung đột với nhau nhưng để bắt trọn được khoảnh khắc chúng cùng lọt vào khung hình là điều vô cùng hiếm”.

* Trong giới nhiếp ảnh, ông được biết đến như là “người con của rừng” hay là “vua của các loài chim”. Ông nghĩ sao về cách ví von này?

- Các mỹ từ đó, đặc biệt cách ví von “vua của các loài chim” có lẽ là do mọi người ưu ái tôi mà gọi thôi. Bởi lẽ đến với cuộc chơi này, tôi không xem đây là một loại nghề nghiệp nhằm mục đích kiếm sống, tạo thu nhập. Thú vui trong rừng của tôi là được gần gũi, hít thở không khí trong lành, tự do hòa mình với thiên nhiên. Từ những cuộc dạo chơi ban đầu, tôi dần say mê tìm và săn những bức ảnh độc về chim rừng tự nhiên. Tuy đến với nhiếp ảnh khá trễ nhưng thành quả mà tôi đạt được là đã chụp được hơn 500 loài chim, thú độc lạ, quý hiếm ở trên thuần lãnh thổ Việt Nam.

Đối với tôi, chụp ảnh về các loài chim chính là niềm vui và đã trở thành đam mê lúc nào không hay. Điều này không đơn thuần là chụp nghệ thuật hay chụp một cách công nghiệp được bày biện, dọn sẵn. Bước vào cuộc chơi này mới thấy nó còn đòi hỏi người chụp phải tốn nhiều công sức, tiền của để lặn lội băng rừng vượt suối tìm các loài chim, sau đó còn phải trang bị thêm nhiều máy móc, thiết bị đặc dụng như: xe máy, máy tạo tiếng chim, ống kính khủng… để chụp từ xa cho ảnh đẹp và rõ nét.

Do vậy, dù là các loài động vật, chim chóc quý hiếm hay thông thường đi nữa thì mỗi loài, mỗi bức ảnh đều có một câu chuyện và mang lại cho tôi những cảm xúc khác nhau. Bởi có khi ròng rã 3 ngày trên đỉnh Fansipan (Lào Cai) nhưng tôi chỉ chụp được 3 chú chim bay lẫn trong màn sương dày đặc, hay leo lên vùng rừng núi Ngọc Linh khó nhằn cũng chỉ săn được ảnh của 2 con khướu thuộc loại đặc hữu Đông Dương.

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu trong một lần tác nghiệp ở Vườn quốc gia Cát Tiên
Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu trong một lần tác nghiệp ở Vườn quốc gia Cát Tiên

Gần nhất là tôi phải mất đúng 3 tháng trời mới “gặp” được loài voọc bạc Trường Sơn (hay còn gọi là voọc bạc Việt Nam - Annamese silvered langur) ở Vườn quốc gia Cát Tiên, loài này rất nhạy cảm với môi trường và đang ở ngưỡng tuyệt chủng. Vậy mới thấy, cuộc chơi này khó ở chỗ không phải chỉ cần cất công đi tìm kiếm mà gặp, đôi khi còn phải… đủ duyên.

* “Đến với Cát Tiên, tôi vừa là người nhà, vừa là lữ khách đường xa”

* Vào thời điểm giãn cách xã hội do dịch bùng phát lần thứ 4, được biết ông đã chọn Cát Tiên làm nơi “trốn dịch” hơn 5 tháng, cảm nhận của ông trong khoảng thời gian này ra sao?

- Có thể nói, lần “trốn dịch” này hoàn toàn bất đắc dĩ. Bởi lẽ vào cuối tháng 5-2021, tôi chỉ định đến đây chụp ảnh mùa hoa rừng chừng 3-4 ngày nhưng tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp, cứ ngỡ chỉ giãn cách 2 tuần rồi 2 tuần, ai ngờ thời gian kéo dài hàng tháng. Tính ra trong năm nay, tôi đã ở rừng hẳn nửa năm. Nhiều người nghĩ ở rừng lâu như vậy chắc nhàm chán lắm nhưng với tôi đó là 5 tháng của một chuyến đi rừng vô cùng đáng giá trong đời.

Ở đó, ngày thì tôi tìm con này, đêm tôi lại “săn” ảnh con khác, nào là cú, nhím, heo rừng, nai, voọc bạc, bò tót… Cứ thế tôi lần mò từ tờ mờ sáng đến chạng vạng đêm, bận rộn vậy nên quay qua quay lại hết 5 tháng lúc nào không hay, làm sao nhàm chán được.

Tấm ảnh con nai giữa đàn bò tót được nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu chụp ở Vườn quốc gia Cát Tiên được chọn làm bìa cho cuốn sách Atlas giới thiệu về Vườn quốc gia Cát Tiên
Tấm ảnh con nai giữa đàn bò tót được nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu chụp ở Vườn quốc gia Cát Tiên được chọn làm bìa cho cuốn sách Atlas giới thiệu về Vườn quốc gia Cát Tiên

Như tôi đã nói, kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong thời gian này là khi nghe tin các anh ở Vườn quốc gia Cát Tiên bảo họ vừa phát hiện loài voọc bạc Trường Sơn, tôi đã quyết tâm săn ảnh cho bằng được. Được chỉ dẫn đến một vạt rừng mấy km2, tuy nhiên phải sau 3 tháng trời kiên trì đi tìm tôi mới thấy nó 6 lần, trong đó có 4 lần bấm máy, và tạm gọi thành công được… 1 lần! Đôi khi gặp chúng rồi nhưng chưa chắc có ảnh, để bắt được khoảnh khắc đó chỉ tính bằng giây. Chụp ảnh động vật hoang dã ngoài am tường đặc tính, vị trí, còn phải có duyên là vậy.

Dù đã gắn bó với Vườn quốc gia Cát Tiên gần 15 năm nhưng chưa bao giờ tôi có những trải nghiệm khó quên như khoảng thời gian “trốn dịch” vừa qua. Vì những chuyến đi ngắn ngủi vài ngày không thể nào nắm bắt, thông suốt được hết quy luật của tự nhiên, muông thú. Do đó, 5 tháng “cách ly” tại rừng đã giúp tôi thêm hiểu rừng hơn, đồng thời có thêm nhiều kinh nghiệm sống quý giá, chụp được nhiều bộ sưu tập ảnh độc đáo…

* Được biết, ông đã chụp ảnh ở nhiều cánh rừng đặc hữu ở Việt Nam, trong đó Vườn quốc gia Cát Tiên là nơi ông gắn bó lâu nhất để “săn” được những bức ảnh quý, đặc biệt là các loại có nguy cơ bị tuyệt chủng, các loài chim độc, lạ. Vì sao ông lại gắn bó với Cát Tiên như vậy?

- Ngoài vị trí địa lý gần nơi tôi sinh sống (TP.HCM), Vườn quốc gia Cát Tiên còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý báu. Với khu rừng trải dài trên 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, Vườn quốc gia Cát Tiên là khu vực có khí hậu ôn hòa cùng hệ sinh thái phong phú, địa hình đa dạng với cánh rừng nguyên sinh rộng lớn.

Các loài chim, thú qua ống kính của nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu
Các loài chim, thú qua ống kính của nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu

Đến Cát Tiên đủ lâu, tôi vừa là người nhà nhưng cũng vừa là vị khách của nơi đây. Người nhà để cảm nhận tình cảm, sự gắn bó của anh em kiểm lâm, hướng dẫn viên cho đến cán bộ vườn. Còn nói như  khách, là đặt mình vào vị trí của một vị khách lạ để đề xuất những ý tưởng có ích, đưa ra những khiếm khuyết, hạn chế cũng như tham vấn phát triển du lịch sinh thái cho vườn.

* Ông là người hiểu rất rõ về sự đa dạng sinh học và có nhiều trải nghiệm, nhiều câu chuyện liên quan đến muôn loài. Là một nhiếp ảnh gia nhưng có nhiều hoạt động về bảo vệ thiên nhiên, ông có thông điệp gì muốn nhắn gửi đến các độc giả, nhất là các bạn trẻ?

- Những năm qua, tôi đã gắn bó với rừng vừa đủ để thấu hiểu và trân trọng thiên nhiên. Tôi thấy rất mừng vì gần đây trong xu hướng du lịch, mọi người đã chuộng tìm về thiên nhiên, yêu thiên nhiên hơn và dần có ý thức bảo vệ nó. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại gây nhức nhối như: nạn khai thác triệt để, thương mại hóa thiên nhiên; săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán động thực vât quý hiếm; hủy hoại tài nguyên, hệ sinh thái, công trình bảo vệ và phát triển rừng…

Hiện nay, bảo vệ môi trường là vấn đề “nóng” của toàn nhân loại. Bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta và thế hệ mai sau. Do đó, bằng khả năng của mình, tôi muốn giới thiệu đến cộng đồng những vẻ đẹp của tự nhiên, những điều thú vị của muôn loài. Hiện tôi là quản trị viên của 7 fanpage về môi trường, rừng, chim muông… trên mạng xã hội, tôi tự bỏ công sức, tiền của ra để phát triển, đẩy mạnh hoạt động của các trang này nhằm đưa những hình ảnh, câu chuyện, thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng, giúp mọi người cảm nhận và hiểu rõ hơn về giá trị của rừng, của thiên nhiên.

Các loài chim, thú qua ống kính của nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu
Các loài chim, thú qua ống kính của nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu

Hơn hết, thông qua những bức ảnh về thiên nhiên mà tôi chụp được, tôi muốn truyền nguồn cảm hứng tích cực đến với giới trẻ, rằng hãy đối xử tốt với các loài động thực vật hoang dã, sống thân thiện với môi trường, có như vậy chúng ta mới bảo vệ được thiên nhiên, tận hưởng những phút giây thư giãn, thoải mái trong bầu không khí trong lành và ngắm nhìn những vẻ đẹp từ mẹ thiên nhiên một cách lâu dài, bền vững…

* Xin cảm ơn ông!

Ông TRẦN VĂN BÌNH, Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) chia sẻ: “Anh Tăng A Pẩu vừa là người bạn, vừa là nhà bảo tồn tâm huyết, tích cực của rừng nói chung và của Vườn quốc gia Cát Tiên nói riêng. Thông qua ống kính của mình, anh Pẩu luôn ghi được những thước phim, bức ảnh vô cùng đẹp và xúc động về rừng, từ đó dấy lên cảm xúc thương yêu muôn loài, truyền cảm hứng khám phá và bảo vệ thiên nhiên đến với cộng đồng.

Trong suốt những năm qua, anh Pẩu đã miệt mài bảo tồn sự đa dạng sinh học bằng cách quảng bá hình ảnh, chia sẻ những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ thiên nhiên; ra sức kêu gọi những cá nhân, đơn vị chấm dứt buôn bán các loài động vật hoang dã, vận động cứu hộ, giao nộp, thả chúng về rừng…

Vừa qua, Vườn quốc gia Cát Tiên vô cùng tự hào vì đã trao tặng anh Pẩu danh hiệu Hiệp sĩ Cát Tiên xanh để ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của anh đối với vườn trong nhiều năm qua”.

Hải Hà (thực hiện)

Tin xem nhiều