Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa Xuân đầu tiên Bác Hồ trở về Tổ quốc Thanh Hoàng

09:02, 06/02/2021

Bác Hồ trở về nước vào đầu năm 1941 là sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước và dân tộc Việt Nam. Đây là mốc lịch sử quan trọng dẫn tới cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ngày 2-9-1945, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bác Hồ trở về nước vào đầu năm 1941 là sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước và dân tộc Việt Nam. Đây là mốc lịch sử quan trọng dẫn tới cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ngày 2-9-1945, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tranh vẽ Bác Hồ về nước  ngày 28-1-1941. Ảnh: hochiminh.vn
Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28-1-1941. Ảnh: hochiminh.vn

Mùa Xuân năm 1941 thực sự là một mùa xuân kỳ diệu, đó là mùa xuân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Ngày 28-1-1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), Bác Hồ trở về nước qua mốc 108 (cũ), tại thôn Pác Bó, xã Trường Hà, H.Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ngay từ khi trở về Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay vào việc xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Theo biên niên sử Hồ Chí Minh, năm 1924, Bác Hồ từ Moskva (Nga) về Quảng Châu (Trung Quốc). Trong những năm 1925-1927, Người mở lớp huấn luyện chính trị cho các thanh niên yêu nước từ trong nước đến đây với giáo trình là sách Đường kách mệnh và thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Do bị mật thám Anh tại Hong Kong truy bắt, Bác phải trở lại Nga. Ngày 25-4-1928, Người được Quốc tế Cộng sản cho trở về Đông Dương theo nguyện vọng. Người tới Thái Lan ở một thời gian rồi về lại Hong Kong tiến hành thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930.

Sau khi thoát khỏi nhà tù ở Hong Kong vào cuối năm 1932 và có thời gian hoạt động tại Trung Quốc, đầu năm 1934, Bác Hồ trở lại Moskva và năm 1938 về lại Quảng Châu. Đầu năm 1940, Người gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ở Côn Minh vừa từ Việt Nam sang. Sau ngày 20-6-1940, được tin Paris bị quân phát xít Đức chiếm, Bác liền triệu tập một cuộc họp Ban Hải ngoại của Đảng, phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”(1). Sau một thời gian khảo sát, tìm hiểu của các cộng sự, với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội đủ cả “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng, nơi “đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc” từ đó mở rộng ra toàn quốc.

Tháng 10-1940, khi chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Tầm nhìn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chọn Cao Bằng có ý nghĩa chiến lược lớn, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa một địa phương với toàn quốc, giữa phong trào cách mạng một vùng với phong trào cách mạng cả nước, nhận thức, đoán định được hiện tại và triển vọng tương lai. Trong thời gian chuẩn bị về nước, Người còn tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho 40 thanh niên Việt Nam yêu nước tại Nặm Quang, Ngàm Tảy (Trung Quốc), trong đó chủ yếu là người Cao Bằng làm hạt nhân cho việc xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương sau này. Chương trình huấn luyện gồm 3 phần chính: tình hình thế giới và trong nước; tổ chức đoàn thể quần chúng; cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng. Lớp huấn luyện cấp tốc này để chuẩn bị nhân lực cho cách mạng trong tình hình mới.

Mùa Xuân năm 1941, đối với Bác Hồ là “Mùa xuân sung sướng nhất của cuộc đời”, riêng với dân tộc ta còn là một mùa xuân kỳ diệu, vì là ngày Người trở về Tổ quốc mang theo sắc xuân bất diệt cho đất nước Việt Nam. Mùng 2 Tết Tân Tỵ (ngày 28-1-1941), sau 30 năm đón xuân nơi đất khách, quê người, trong khí trời trong lành của một buổi sáng mùa xuân và hương thơm của hoa rừng biên cương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc đã trở về đất nước, vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc, về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng), một nơi “bí mật” có “hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui”. Người quyết định chọn Pác Bó làm điểm “đứng chân” xây dựng căn cứ địa trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đến cột mốc biên giới 108, Bác dừng lại hồi lâu, lòng bồi hồi, xúc động khi đặt bước chân đầu tiên lên dải đất quê hương, Bác lặng đi trong phút giây thiêng liêng được về với Tổ quốc, với đồng bào sau gần 30 năm xa cách. Người cúi đọc những chữ Hán và chữ Pháp được khắc ở cả hai mặt cột mốc. Người đứng lặng nhìn về phía dải đất Tổ quốc trùng điệp, thấp thoáng xa những cụm nhà nhỏ trong lũng ngô, hoa mai, hoa cà trắng thơm. Phút giây đó, sau này được Người kể lại: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”(2)

Đất trời đang vào xuân, hoa nở thắm núi rừng tạo vẻ đẹp một cách kỳ lạ, vẫn hồng hào sức sống bất diệt của hàng ngàn năm lịch sử.

Bác về nước đúng vào mùa Xuân, mùa tươi đẹp nhất của đất trời, mùa của trăm hoa đua nở. Bước chân đầu tiên về đất mẹ cũng là giây phút Người lắng nghe sự sống của sinh thể đất nước đang phôi thai. Nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả lại hình ảnh ấy bằng những câu thơ đầy xúc động: “... Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai...”.

Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cả thiên nhiên đất trời như reo vui: “...Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về… Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...” (Thơ Tố Hữu).

Để giữ bí mật, những ngày đầu về nước, Người tạm nghỉ ở nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ), dân tộc Nùng, ở thôn Pác Bó. Sau đó, để tiện cho công tác, Người chuyển đến ở và làm việc tại hang Cốc Bó, một hang núi kín đáo ở Pác Bó, Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng, nằm ở lưng chừng sườn núi Các Mác. Dưới chân núi có chiếc bàn đá làm việc của Bác nằm bên cạnh đầu nguồn của suối Lênin. Chiếc bàn đá và cửa hang trên sườn núi nhìn xuống hồ nước trong xanh, thấy cá lội và bóng cây rừng, núi đá.

Bác Hồ về thăm lại đồng bào ở Pác Bó - Cao Bằng, năm 1961. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bác Hồ về thăm lại đồng bào ở Pác Bó - Cao Bằng, năm 1961. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tại đây, Người mang bí danh “Già Thu”, “Cụ Thu Sơn”, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các đoàn thể Cứu quốc ở Cao Bằng. Người mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, lược dịch cuốn sách Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô, biên soạn Cách đánh du kích, Cách huấn luyện cán bộ quân sự, để làm tài liệu học tập. Tại lán Khuổi Nậm, thôn Pác Bó, tháng 5-1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng hoàn chỉnh chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, thành lập Mặt trận Việt Minh, sáng lập Báo Việt Nam độc lập, tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Để thu hút các tầng lớp nhân dân ủng hộ lực lượng Việt Minh non trẻ, Người đã diễn giải Chương trình Việt Minh bằng thể thơ lục bát, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ truyền tụng trong nhân dân. Trong diễn ca “Mười chính sách của Việt Minh” hướng tới mục tiêu “Một là ích nước, hai là lợi dân”, Bác khuyên: “Khuyên ai xin nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

Sống trong hang lạnh và ẩm thấp, đời sống vật chất gian khổ, song Người luôn thể hiện tinh thần lạc quan tin tưởng vào tiền đồ cách mạng: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Ngay trong tiết Xuân ấm áp của ngày đầu trở về Tổ quốc, từ nơi đầu nguồn thiêng liêng, Bác đã có cảm hứng với cảnh vật nên làm bài thơ đầu tiên tựa đề Pác Bó hùng vĩ: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lênin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà”.

Tại Pác Bó, Người đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng và đã bùng cháy, lan tỏa ra khắp cả nước, soi sáng, dẫn đường cho toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Và mùa Xuân Bính Tuất năm 1946 là mùa xuân độc lập đầu tiên của dân tộc. Tiếp đó, nhân dân ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 1954 và kết thúc trọn vẹn bằng Đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế… Tất cả những thắng lợi ấy đều gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đã 80 mùa xuân trôi qua nhưng hình ảnh khi lần đầu tiên Bác trở về với Tổ quốc sau 30 năm xa cách ấy vẫn mãi không phai nhòa trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Xuân Tân Sửu 2021, cả nước kỷ niệm tròn 80 mùa xuân Ngày Bác Hồ về nước (28-1-1941 - 28-1-2021). Càng nhớ Bác Hồ - vị Cha già kính yêu, Người hy sinh cả cuộc đời của mình cho dân, cho đất nước, mỗi “con Lạc cháu Hồng” hôm nay càng phải tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, tạo nguồn cảm hứng, niềm tin, ánh lửa và nguồn sức mạnh to lớn để cả dân tộc, mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân viết tiếp truyền thống vẻ vang; vượt lên gian khổ, góp phần xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Thanh Hoàng


(1) Vũ Anh: Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, 1986, tr.14-15.

(2) T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1009, tr.82.

Tin xem nhiều