Tin vui lan nhanh cuối năm 2016, Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) là xã đầu tiên của Đồng Nai và thuộc tốp đầu cả nước về đích trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Tin vui lan nhanh cuối năm 2016, Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) là xã đầu tiên của Đồng Nai và thuộc tốp đầu cả nước về đích trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh (giữa) thăm vườn tiêu của ông Võ Văn Thành (bìa trái). Ảnh: Bình Nguyên |
Tuy không phải là xã đi đầu của tỉnh trong phong trào xây dựng NTM nhưng Hưng Lộc lại về đích sớm nhờ phát triển khá đồng đều về mọi mặt. Ngay trong năm đầu xây dựng NTM nâng cao, Hưng Lộc đã vươn lên đạt con số ấn tượng về thu nhập bình quân đầu người trên 45 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 33% so với năm 2014 khi chạm đích xã NTM.
Đi đầu đổi mới sản xuất
Từ năm 2014 đến nay, tổng kinh phí xây dựng NTM nâng cao của địa phương trên 125 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp gần 39 tỷ đồng, chiếm gần 33%. Trong xây dựng NTM nâng cao, toàn xã đã xây dựng thêm 8 tuyến đường giao thông nội đồng với tổng chiều dài gần 11km. 14 tuyến đường với chiều dài gần 10km được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng với tổng kinh phí thực hiện 286 triệu đồng. |
Hưng Lộc vẫn đang tiếp tục thay da đổi thịt hàng ngày và tạo nên sự thay đổi này là từ cái gốc sản xuất của nông dân. Hưng Lộc không thiếu những gương nông dân đi đầu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Ông Nguyễn Mạnh Huy (ấp Hưng Thạnh) là người tiên phong ứng dụng phương pháp ghép chồi cải tạo vườn cà phê già cỗi, thay giống cũ kém hiệu quả bằng giống mới. Vườn cà phê được tái sinh cho thu hoạch với năng suất gấp đôi giống cũ; vừa tiết kiệm nhiều chi phí, thời gian so với việc trồng lại vườn mới. Thực tế thuyết phục, nông dân tại địa phương đã mạnh dạn ứng dụng phương pháp này để trẻ hóa những vườn cà phê, vườn điều… để tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Mạnh Huy ở ấp Hưng Thạnh giới thiệu vườn cà phê được trẻ hóa nhờ phương pháp ghép cải tạo. Ảnh: Bình Nguyên |
Hưng Lộc cũng là lá cờ đầu của tỉnh trong triển khai hệ thống tưới tiết kiệm. Toàn xã hiện có gần 558 hécta tiêu, cà phê, bưởi, chôm chôm… được lắp hệ thống tưới tiết kiệm. Ông Võ Văn Thành, tỷ phú trồng tiêu ở ấp Hưng Hiệp, được cho là “cây sáng kiến” trong ứng dụng hệ thống tưới “siêu tiết kiệm” này. Từ năm 2000, ông đã tự mày mò thiết kế hệ thống tưới nước nhỏ giọt kết hợp bón phân qua đường ống cho vườn tiêu và cây ăn trái rộng 4 hécta của ông. Sáng kiến này đã giải quyết khó khăn rất lớn cho những vườn tiêu trồng ở vùng đất dốc; tiết kiệm nguồn nước, phân bón; năng suất cây trồng tăng, dịch bệnh giảm hẳn nhờ bộ rễ của cây tiêu không bị ảnh hưởng.
Hưng Lộc không chỉ có những cá nhân sản xuất giỏi mà các mô hình kinh tế tập thể cũng làm ăn rất hiệu quả, là cầu nối xây dựng được các chuỗi liên kết trong trồng trọt và chăn nuôi, như: chuỗi liên kết cánh đồng lớn trồng ca cao; chuỗi liên kết tiêu thụ heo VietGAHP, chuỗi liên kết cánh đồng lớn cây mía... Ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Hợp tác xã ca cao Thống Nhất, vui vẻ nói: “Doanh nghiệp vừa nâng giá bao tiêu trái ca cao tươi cho nông dân lên 6.300 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng ca cao đạt lợi nhuận tốt và yên tâm gắn bó với dự án cánh đồng lớn cây ca cao”. Không chỉ lo vấn đề đầu ra, hợp tác xã còn hỗ trợ cho xã viên, nông dân bằng các dịch vụ đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã cũng là tập thể đi đầu trong sản xuất đạt chứng nhận UTZ (chứng nhận đảm bảo sản xuất bền vững), tạo ra nguồn trái ca cao sạch đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Ông Phạm Văn Lập, xã viên của hợp tác xã, tính toán: “Năng suất ca cao trồng xen canh trước đây chỉ đạt khoảng 10 tấn trái tươi/hécta thì nay nhờ nắm vững kỹ thuật, đầu tư đúng mức và giống tốt, năng suất tăng lên gấp 3-4 lần. Ca cao đạt chuẩn UTZ được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt hơn; uy tín chất lượng được khẳng định khi bước ra thị trường thế giới”.
Những mạnh thường quân chân đất
Bước vào xây dựng NTM, Hưng Lộc gặp không ít khó khăn khi sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi vẫn là những mảnh ruộng khô cằn, sỏi đá. Hệ thống đường giao thông chủ yếu là đường đất, công trình thủy lợi nội đồng còn ít. Nhưng về Hưng Lộc những ngày này, đường giao thông được bê tông hóa vào tận vườn, rẫy. Đến mùa thu hoạch, nông dân hồ hởi chờ thương lái đánh xe tải về tận vườn thu mua nông sản chứ không còn quanh quẩn những nỗi lo gian nan chở nông sản trên những tuyến đường đất gập ghềnh nắng bụi, mưa lầy; giá nông sản thấp hơn nhiều vùng khác vì việc vận chuyển khó khăn. Chương trình NTM nâng cao vẫn đang tiếp tục nối dài những tuyến đường bê tông về tận cánh đồng, xóm ấp. Ông Võ Văn Thành, nông dân ấp Hưng Hiệp, chia sẻ: “Đây là ấp nghèo, tập trung nhiều nông dân là người dân tộc thiểu số nên bao nhiêu năm nay, tuyến đường vào ấp dài gần 2km vẫn là đường đất sình lầy, đi lại rất khó khăn. Khi phát động phong trào xây dựng NTM nâng cao, tôi đã đứng ra vận động bà con tham gia đóng góp làm đường. Người khá giả hơn đóng thêm phần cho các hộ khó khăn, hộ dân tộc nghèo”…
Tuyến đường hoa khang trang, sạch đẹp của xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất). Ảnh: Bình Nguyên |
Ông Bùi Minh Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Lộc, hào hứng khoe: “Những tuyến đường nội đồng xưa nắng bụi, mưa lầy nay đều được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Vào các xóm, ấp là những tuyến đường hoa, có hệ thống điện thắp sáng, luôn được giữ vệ sinh sạch sẽ vì được giao cho các đội thanh niên xung kích quản lý. Lực lượng này còn cùng với công an, dân phòng xã thường xuyên tổ chức tuần tra nên an ninh trật tự tại địa phương được bảo đảm, nạn trộm cắp nông sản, vật nuôi cũng giảm hẳn”. Theo ông Phương, Hưng Lộc được như hôm nay có sự đóng góp rất lớn của những người dân. Họ không chỉ tích cực trong phong trào thi đua sản xuất để làm giàu mà sẵn sàng góp công, góp của vì lợi ích chung của cộng đồng.
Những mạnh thường quân chân đất ấy, nhiều người điều kiện kinh tế còn rất khó khăn như gia đình ông Trần Đình Ngạc (ấp Hưng Nhơn) vốn là hộ nghèo. Gia đình ông chỉ có vài ngàn mét vuông đất sản xuất nhưng vẫn sẵn sàng hiến hơn 500m2 đất để làm đường. Gia đình ông Đỗ Văn Cho (ấp Hưng Nghĩa) đã đóng góp cả hécta đất. Danh sách những nông dân hiến đất, góp công, góp của... vẫn tiếp tục nối dài để tạo nên sức sống mới cho Hưng Lộc ngày nay.
Bình Nguyên