Tham gia thiết kế Cảng hàng không quốc tế Long Thành có 16 đơn vị, Hội đồng xét chọn đã lựa được 9 mẫu thiết kế để trưng bày lấy ý kiến rộng rãi của người dân.
Tham gia thiết kế Cảng hàng không quốc tế Long Thành có 16 đơn vị, Hội đồng xét chọn đã lựa được 9 mẫu thiết kế để trưng bày lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Trong đó, 7 mẫu thiết kế mang đậm những hình ảnh thân thuộc của người Việt, như: hoa sen, cánh sen, nón lá, tre, lá cọ, dừa nước, thiên nhiên Việt Nam. Các kiến trúc sư đã làm nổi bật những nét đặc trưng vào trong cảng hàng không lớn nhất của Việt Nam chuẩn bị xây dựng.
Trong 9 mẫu thiết kế này, có 3 mẫu được đánh giá cao là: mái nhà ga cách điệu hình hoa sen, hình lá cọ và nội thất bằng tre.
Hoa sen cách điệu
Thiết kế Sân bay Long Thành với kiểu dáng hoa sen cách điệu. |
Phương án này do một công ty Hàn Quốc thiết kế. Tác giả lấy ý tưởng từ hình ảnh hoa sen cách điệu quốc hoa của Việt Nam. Xuyên suốt trong thiết kế, từ phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, mái, cảnh quan vị trí trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục đều là hình ảnh hoa sen. Các nhà chuyên môn cũng đã đánh giá cao phương án này có tính linh hoạt, đảm bảo vận hành quy trình hàng không, kết nối đồng bộ với các giai đoạn phát triển của dự án trong tương lai.Được biết, đây cũng là đơn vị thiết kế nhà ga hành khách T2 sân bay Incheon (Hàn Quốc); sân vận động Olympic (Baku); tòa tháp Kangnam - Trung tâm nghiên cứu & phát triển ở Gangnam, Hàn Quốc.
Không gian bên trong của phương án hoa sen cách điệu. |
Lá cọ, dừa nước
Sân bay được thiết kế theo kiểu dáng lá cọ, lá dừa nước. |
Đơn vị thiết kế lấy ý tưởng từ hình ảnh đặc trưng văn hóa đồng quê, sông nước của Việt Nam, đặc biệt khu vực Nam bộ. Thiết kế này được áp dụng vào phần mái của công trình. Nhà thiết kế muốn mang đến một hình ảnh nhà ga cảng hàng không đậm chất văn hóa địa phương. Ở bên trong ga đi, tác giả cũng lấy ý tưởng những con thuyền di chuyển trên sông nước đồng quê Việt Nam cho các quầy hàng. Đơn vị thiết kế cố gắng thể hiện một hình ảnh nhà ga hàng không năng động và hiện đại. Đây là tác phẩm của liên danh gồm 3 công ty Việt Nam, Nhật Bản và Singapore thiết kế. Các đơn vị này từng thiết kế nhiều cảng hàng không lớn như: nhà ga hành khách T2, Sân bay quốc tế Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc); nhà ga hành khách T3 Sân bay Changi (Singapore)…
Không gian bên trong của phương án lá cọ, dừa nước. |
Nội thất bằng tre
Bên trong nhà ga sử dụng toàn bộ tre để làm kết cấu. |
Thiết kế này do liên danh công ty Nhật Bản và Pháp thực hiện. Đơn vị thiết kế sử dụng cây tre làm thành hệ kết cấu. Vật liệu bằng tre áp dụng cho toàn bộ các không gian chính công cộng của nhà ga sảnh ga đi, khu kinh doanh dịch vụ, miễn thuế, khu phòng chờ, hành lang ga đến. Đơn vị thiết kế này cũng là tác giả của nhà ga hành khách T2 Sân bay quốc tế Nội Bài (Việt Nam); khu vực sảnh chờ lên tàu bay 2 và 3 thuộc nhà ga số 3, Sân bay quốc tế Dubai...
Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến khởi công vào năm 2019. Công trình có diện tích 5 ngàn hécta, là cảng hàng không quốc tế quan trọng nhất quốc gia và cũng là sân bay cửa ngõ trong khu vực Đông Nam Á. Dự án chia thành 3 giai đoạn, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 với khái toán gần 8 tỷ USD (tương đương 164 ngàn tỷ đồng). Giai đoạn 1, xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ có công suất 25 triệu hành khách; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến năm 2025 đưa vào khai thác. Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách, để đạt công suất 50 triệu hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3, sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. |
Khắc Giới
Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải: Bản thân tôi thấy phương án LT-03 hình hoa sen cách điệu khá đẹp trội hơn cả. Nhìn tổng thể kiến trúc phương án này tạo ra sự khác biệt hơn với các phương án khác. Xem giới thiệu về công năng, đây là phương án thể hiện được tính hiện đại nhưng cũng rất gần gũi với thiên nhiên. Tính tiện lợi cho hành khách cũng được phương án này thể hiện khá rõ từ nơi vào làm thủ tục cho đến khi ra máy bay. Bố trí không gian bên trong rất rộng tạo cảm giác thoải mái cho hành khách, nhất là những nơi mua sắm. Cách bố trí về giao thông đường bộ ở đây cũng khá hợp lý kể cả chiều vào nhà ga lẫn chiều đi. Ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành: Tôi rất vui khi được tham quan và chọn lựa những thiết kế Sân bay Long Thành tại nơi trưng bày lấy ý kiến. Các thiết kế rất đẹp, riêng cá nhân tôi ấn tượng nhất là phương án cách điệu hoa sen (LT-03). Đã có được phương án kiến trúc, tôi mong sao dự án sớm được triển khai để giải quyết những vấn đề tồn tại hiện nay cả cho địa phương là an sinh cho người dân khu vực xây dựng sân bay và tình hình nghẽn tắc giao thông hàng không. Người dân trong dự án rất ủng hộ và trông mong việc triển khai từng ngày để ổn định cuộc sống. Kiến trúc sư Khương Mỹ Đức Chương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Đồng Nai: Phương án kiến trúc sử dụng vật liệu bằng tre để làm nội thất bên trong xét về mặt môi trường có vẻ hợp lý, nhưng về mặt kỹ thuật tôi thấy không ổn. Việc sử dụng vật liệu tre sau này nó ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình và công tác bảo trì rất phức tạp. Với mô hình hoa sen cách điệu cũng gây được sự chú ý nhiều. Về hình thức kiến trúc bên ngoài, phương án hình ảnh hoa sen cũng khá phù hợp, tôi thấy việc thể hiện ở đây tác giả tập trung nhấn vào phần mái, nhưng thực sự chúng ta chỉ nhìn được hình ảnh này từ trên cao (trên máy bay) còn từ đường bộ tiếp cận với sân bay sẽ không thấy gì hết. Nhận xét cụ thể về phần mái, tôi thấy độ vươn của mái che quá rộng, như vậy tính khả thi không cao, theo tỷ lệ tính toán độ vươn này lên tới 70m sẽ khó đảm bảo về mặt kỹ thuật. Về mặt bằng nhà ga được chia làm 4 khu vực giống nhau, theo tôi như vậy sẽ bất tiện. Ở đây chỉ cần chia làm 2 khu vực nội địa và quốc tế là phù hợp. |