Báo Đồng Nai điện tử
En

100 ngàn tỷ đồng cho hạ tầng giao thông

12:01, 18/01/2017

Chưa khi nào số vốn dành cho phát triển hạ tầng giao thông nhiều như hiện nay. Chỉ tính riêng những dự án cao tốc đang và sẽ xây dựng đi qua Đồng Nai số vốn đã lên đến con số 100 ngàn tỷ đồng. Đây là những tuyến đường được xem là giao thông trọng điểm.

Chưa khi nào số vốn dành cho phát triển hạ tầng giao thông nhiều như hiện nay. Chỉ tính riêng những dự án cao tốc đang và sẽ xây dựng đi qua Đồng Nai số vốn đã lên đến con số 100 ngàn tỷ đồng. Đây là những tuyến đường được xem là giao thông trọng điểm.

Cầu sông Chà thuộc gói thầu J2 dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành vừa được hợp long.
Cầu sông Chà thuộc gói thầu J2 dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành vừa được hợp long.

4 tuyến cao tốc: Bến Lức - Long Thành (đang thi công), Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết và Biên Hòa - Vũng Tàu (đang được hối thúc đầu tư) được đánh giá sẽ tạo ra bước ngoặt để phát triển kinh tế khu vực phía Nam.

Siêu dự án

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT: Việc lựa chọn đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 hiện nay rất cấp bách. Sau khi hình thành, tuyến đường sẽ đem lại hiệu quả rất lớn đối với phát triển kinh tế của hành lang Bắc - Nam nói riêng và cả nước nói chung. Tuyến đường sẽ tạo ra dịch vụ giao thông có tính cạnh tranh cao bởi rút ngắn thời gian đi lại và chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác, đem lại hiệu quả, tiện lợi và an toàn cho các chủ phương tiện. Đồng thời, tuyến đường sẽ góp phần trực tiếp phát triển du lịch, thương mại của các địa phương nằm trong khu vực dự án đi qua.

Nếu như tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài hơn 100km có tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 17.700 tỷ đồng và tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 47km vốn đầu tư khoảng 14.700 tỷ đồng thì 2 tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành và Dầu Giây - Liên Khương được xem là các siêu dự án, bởi tổng vốn đầu tư cho 2 dự án này lên đến mức khủng là 67 ngàn tỷ đồng.  Cụ thể, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài chỉ hơn 57km nhưng số vốn lên đến hơn 31.300 tỷ đồng . Công trình này Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải sử dụng 2 nguồn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA - 1,6 tỷ USD) và vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB - 1,27 tỷ USD). Đến nay, dự án này đang triển khai xây dựng gói thầu J2 (cầu vượt sông Chà vừa hợp long) và gói thầu J3 cầu Phước Khánh nối huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai và huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh. Ông Hoàng Thanh Hải, Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cho biết hiện VEC vẫn đang phải chạy phần vốn đối ứng còn thiếu khoảng 3 ngàn tỷ đồng để cho giải phóng mặt bằng. Tuyến cao tốc này dự kiến hoàn thành vào năm 2019, thuộc dự án trọng điểm quốc gia và thuộc trục cao tốc Bắc - Nam.

Hướng tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đường màu đỏ) đoạn 1.
Hướng tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đường màu đỏ) đoạn 1.

Một dự án cũng đình đám về vốn đầu tư là đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200km, điểm đầu của dự án tại quốc lộ 1, trùng với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (huyện Thống Nhất); điểm cuối nối với đường cao tốc Liên Khương - Prenn (tỉnh Lâm Đồng). Tuyến cao tốc này được thiết kế 4 làn xe vận tốc 100-120km/h có tổng vốn đầu tư lên đến 36 ngàn tỷ đồng. Theo Ban Quản lý dự án 1 (PMU1- Bộ Giao thông - vận tải), phương án xây dựng cao tốc Dầu Giây - Liên Khương phải chia làm 3 đoạn để đầu tư. Đoạn 1 có chiều dài 60km từ quốc lộ 1 đến huyện Tân Phú, dự kiến sẽ đầu tư trước với số vốn khoảng 9 ngàn tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). Đoạn 2 là 13 ngàn tỷ đồng và đoạn 3 trên 14 ngàn tỷ đồng. Tuyến cao tốc này cũng được xem là cần thiết đầu tư sớm để giảm quá tải giao thông cho quốc lộ 20. Theo dự báo của ngành giao thông, đến năm 2020 tuyến quốc lộ 20 sẽ quá tải và rất cần có tuyến cao tốc để chia sẻ lượng xe.

Năm 2017: “đánh thức” thêm 2 dự án

Trong 3 dự án cao tốc còn lại thì Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) cũng đang cố gắng sắp xếp nguồn vốn để “đánh thức” thêm 2 dự án vào năm 2017 là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Dầu Giây - Liên Khương. Ban Quản lý dự án 1 (PMU1) cho biết dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng chiều dài trên 100km (tuyến chính dài 98,7km và tuyến nối với quốc lộ 1 là 2,58km) đi qua các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, TX.Long Khánh (Đồng Nai) và 2 huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Dự án được tách thành 2 hợp phần, hợp phần 1 dài 36km từ Dầu Giây đến huyện Xuân Lộc được đầu tư bằng vốn vay từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) với kinh phí hơn 6.200 tỷ đồng. Hợp phần này dự kiến khởi công vào quý I-2017 và hoàn  thành vào năm 2019. Với hợp phần 2 có chiều dài 62km từ huyện Xuân Lộc đến Phan Thiết, mức đầu tư khoảng 11.500 tỷ đồng đang được Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế đầu tư theo hình thức PPP (công tư kết hợp) và dự kiến khởi công vào cuối năm 2017. Theo đại diện PMU1, hiện đơn vị đã chuẩn bị hơn 300 tỷ đồng để phục vụ giải phóng mặt bằng cho hợp phần 1. Với  tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương Bộ GTVT cũng đang nỗ lực để triển khai dự án vào đầu năm 2017 đoạn 1 Dầu Giây - Tân Phú. Đoạn này có chiều dài gần 60km được thực hiện theo hình thức BOT. Điểm đầu từ quốc lộ 1 thuộc huyện Thống Nhất (nối với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) và điểm cuối thuộc xã Phú Sơn, huyện Tân Phú. Tổng mức đầu tư đoạn 1 dự kiến khoảng 9 ngàn tỷ đồng. Mới đây, trong buổi làm việc với UBND tỉnh, đơn vị tư vấn đã thông báo, diện tích giải phóng mặt bằng của dự án đoạn 1 khoảng 1.400 hécta, số vốn dành cho chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hơn 1.200 tỷ đồng. Đến nay PMU1 đang phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường cùng các huyện có dự án đi qua để xác định phạm vi giải phóng mặt bằng.

Việc hối hả cho các dự án hàng chục ngàn tỷ đồng này cho thấy sức “nóng” về đầu tư giao thông ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa.

Hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đã và đang được triển khai xây dựng

Tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) đã hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác bốn tuyến cao tốc với chiều dài 171km, gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ (30km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương (40km), TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (51km) bằng nhiều hình thức đầu tư khác nhau như: vốn ODA, Trái phiếu Chính phủ, BOT.

Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai thi công bốn tuyến cao tốc khác với chiều dài 299km gồm: La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) (dài 66km, quy mô hai làn xe, tổng mức đầu tư 11.486 tỷ đồng, khởi công tháng 2-2015, dự kiến hoàn thành tháng 8-2017); Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài 127km, quy mô bốn làn xe, tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng, khởi công tháng 5-2013, dự kiến hoàn thành tháng 9-2017); Bến Lức - Long Thành (dài 55km, quy mô bốn làn xe, tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, khởi công tháng 7-2014, dự kiến hoàn thành năm 2019); Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51 km, quy mô hai làn xe, tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng, khởi công tháng 2-2015, dự kiến hoàn thành năm 2018). Như vậy, đến hết năm 2020, Bộ GTVT sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 470km cao tốc. Để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh theo quy mô tối thiểu bốn làn xe cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.372km. Tại Quyết định 356 ngày 25-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nêu rõ, phải hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và phát triển nhanh chóng để đạt được 2.018km đường cao tốc vào năm 2020.

Vân Nam

Tin xem nhiều