Một dự án lớn của quốc gia nằm trên đất Ðồng Nai đang chạy nước rút để chuẩn bị cho ngày khởi công xây dựng, đó là sân bay quốc tế Long Thành. Ðây là một trong ít dự án được người dân đồng tình ủng hộ cao. Ở vùng quê yên bình này rồi đây sẽ trở thành nơi "cửa ngõ" giao thương nhộn nhịp của Việt Nam với thế giới.
Một dự án lớn của quốc gia nằm trên đất Ðồng Nai đang chạy nước rút để chuẩn bị cho ngày khởi công xây dựng, đó là sân bay quốc tế Long Thành. Ðây là một trong ít dự án được người dân đồng tình ủng hộ cao. Ở vùng quê yên bình này rồi đây sẽ trở thành nơi “cửa ngõ” giao thương nhộn nhịp của Việt Nam với thế giới.
Những ngày cuối năm 2015, người dân ở xã Suối Trầu nằm trong vùng lõi của dự án sân bay quốc tế Long Thành vẫn tất bật với công việc ruộng vườn. Thời gian xây dựng sân bay đã được ấn định và không còn bao lâu nữa người dân Sông Trầu sẽ đến nơi ở mới để nhường đất cho dự án quốc gia.
Nhọc nhằn người đi khai hoang
Chúng tôi về xã Suối Trầu vào đúng dịp 18 hộ dân đầu tiên làm kỷ niệm 40 năm (1975-2015) tới đây sinh sống với tràn đầy cảm xúc. Buổi gặp mặt kỷ niệm hàng năm đã được các gia đình này duy trì suốt 40 năm qua. Những người dân ban đầu đến định cư nơi đây nay người còn người mất. Có những gia đình đã có 4 thế hệ gắn bó với nơi này, điển hình như bà Nguyễn Thị Phú. 40 năm trước bà Phú đưa 4 đứa con (con lớn mới 10 tuổi) đến đây sinh sống, giữa chốn rừng hoang vu, vắng lạnh. Không biết bao lần, bà đã ôm con khóc bởi cảnh thiếu thốn cơ cực không sao kể xiết. Có lẽ cũng từ những khó khăn của những tháng ngày đến đây mà những gia đình lập nghiệp đầu tiên này rất thương yêu, đoàn kết gắn bó với nhau.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái báo cáo về tình hình chuẩn bị phương án di dời các hộ dân trong dự án đến nơi ở mới tại một cuộc hội thảo ở Hà Nội. |
Trong tâm trạng xúc động, ông Nguyễn Văn Lâm kể, trước đây họ là người dân sinh sống ở TP.Biên Hòa, năm 1975 đi đến đây theo diện kinh tế mới. Ngày 1-12-1975, họ đặt chân xuống nơi này, mới đến nhìn thấy rừng cây mịt mùng nhiều người òa khóc vì sợ. Công cuộc khai khẩn đất hoang cũng đầy những gian nan, mọi người phải vần công (làm đổi) chặt tre bổ sịa (cây tre bổ ra để ghép vách) làm nhà cho nhau. Là người sinh sống nơi thành thị phải khai phá đất hoang làm rẫy nên cái gì cũng khó khăn, vất vả. Khu vực này thuộc vùng rừng tạp hỗn giao, chủ yếu là tre gai mọc, để phá được 1 bụi tre không hề đơn giản. “Một bụi tre trước đây to lắm, thời gian đầu hơn 20 người tập trung phá 1 bụi tre suốt mấy ngày không xong do không biết cách. Sau này một người dân tộc đi qua thấy rồi chỉ cho cách phá, lúc đó mới đỡ” - ông Lâm nhớ lại.
Không chỉ chuyện khai hoang mà ngay cả việc trồng trọt hoa màu nhiều lúc cũng cười ra nước mắt: có người đi nhổ cỏ nhổ luôn cả lúa (loại lúa rẫy) do không phân biệt được; trồng đậu thả hàng chục hạt vào một chỗ; mới thả hạt giống xuống đến hôm sau bị sóc, chuột đến ăn, khi bắp có trái thì chim két tới phá, vườn mì thì heo rừng đêm đêm đến ủi, có đêm đàn heo ủi nát cả 1 sào khoai mì… Đi lại qua đây khoảng 10 năm đầu chỉ bằng đường mòn.
Nhiều học sinh đã là thế hệ thứ 3 sinh sống ở vùng đất Suối Trầu này kể từ khi được ông bà của các em đến khai phá cách đây 40 năm. |
Dưới cái nắng của tiết trời mùa khô miền Đông Nam bộ không mấy dễ chịu, ông Lê Văn Thành bằng chất giọng của người dân gốc Nhơn Trạch tâm tư: “Trời còn nắng nóng hơn thế nữa, hồi mới đến mọi người vẫn vác rựa đi chặt cây lấy củi bán, dân đây chịu khó lắm. Bán củi riết còn có tên là dân 5 tấc (củi được chặt dài 50cm, bó thành từng bó để bán)”. 40 năm trước ông Thành là bộ đội biệt phái về đây cùng một tiểu đội để bảo vệ cho Ban Kinh tế mới nơi này. Cũng là duyên nợ với vùng đất này, khi thành lập xã năm 1976 ông được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch, Trưởng công an xã Suối Trầu. Ông Thành cho biết, sau 18 hộ dân ban đầu thì đến giữa năm 1976 có thêm đợt thứ 2 với 32 hộ dân đến rồi đợt 3 tiếp đó có 46 hộ. Sang năm 1977 trở về sau này các hộ dân di cư tự do đến đây nhiều hơn.
Tương lai sẽ tốt hơn?
Đúng sau 30 năm những người dân đầu tiên đến xã Suối Trầu khai hoang lập nghiệp, vào năm 2005 vùng đất này được công bố quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế lớn và hiện đại nhất nước. Theo quy hoạch tổng thể, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 20-7-2005 với tổng diện tích dự án 5 ngàn hécta, nằm trên địa phận 6 xã của huyện Long Thành bao gồm: Bình Sơn, Suối Trầu (nằm giữa sân bay), Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An và Long Phước.
Đoàn đại biểu Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu (giữa) làm trưởng đoàn đi khảo sát sân bay Long Thành tại hiện trường dự án. |
Theo kế hoạch, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khởi công vào năm 2018 và đi vào khai thác năm 2023. Đến nay công tác chuẩn bị đang được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương gấp rút thực hiện. Tỉnh cũng đã tiến hành quy hoạch 2 khu tái định cư là Lộc An - Bình Sơn (diện tích hơn 282 hécta) và khu tái định cư Bình Sơn (diện tích hơn 282 hécta) để bố trí cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng khi thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án. Các chuyên gia cho rằng, khu tái định cư cho người dân cũng như việc hướng dẫn để đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho những người dân này, đây là vấn đề rất hệ trọng. Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ: Các nơi bố trí tái định cư có gắn với việc quy hoạch đô thị cảng hay không đây là cái nhìn trong quy hoạch để tương lai số người dân này từ nông dân sẽ trở thành thị dân của khu đô thị cảng. “Vùng Long Thành (nơi xây dựng sân bay) không thể quên một đặc điểm đất của dân tại chỗ do mồ hôi, nước mắt lao động khai khẩn, như vậy chính sách phải khác nhau” - ông Lịch nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, TS.Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng cho rằng, làm sao đó khi sân bay được xây dựng người dân nhường đất cho dự án trong lòng vui và hãnh diện. Ông Phước lưu ý: “Điều này cũng đòi hỏi làm sao những người dân sống trong khu đất của dự án trở thành thị dân trong tương lai có cuộc sống tốt khiến mọi người khi không còn sống ở khu đất cũ nữa vẫn giữ được tình cảm như xưa”. Theo gợi ý của ông Phước, nên tạo điều kiện cho người dân ở đây mua một số cổ phiếu của sân bay sau này để người dân vừa được thụ hưởng lợi ích của dự án mang lại đồng thời có tình cảm với vùng đất này hơn.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 336.763 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.569 tỷ đồng (tương đương 5,456 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn cổ phần hóa, vốn đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Ðầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2023. Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 02, cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3, sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại để đạt công suất 100 triệu khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm. |
Vân Nam