Xu hướng hòa bình, hợp tác vẫn là dòng chảy chủ đạo trong quan hệ quốc tế năm 2015, giúp thế giới có những bước tiến lịch sử. Nhưng, đốm sáng thành tựu ấn tượng không đủ khỏa lấp gam màu xám ngự trị bức tranh toàn cảnh thế giới, bởi hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu, khủng hoảng và xung đột như những đám cháy lan nhanh mà chưa có cách nào dập tắt. Nhiệm vụ đó được chuyển giao sang năm 2016.
Xu hướng hòa bình, hợp tác vẫn là dòng chảy chủ đạo trong quan hệ quốc tế năm 2015, giúp thế giới có những bước tiến lịch sử. Nhưng, đốm sáng thành tựu ấn tượng không đủ khỏa lấp gam màu xám ngự trị bức tranh toàn cảnh thế giới, bởi hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu, khủng hoảng và xung đột như những đám cháy lan nhanh mà chưa có cách nào dập tắt. Nhiệm vụ đó được chuyển giao sang năm 2016.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong phòng Bầu dục. |
Những đám lửa chưa tắt
Thế giới có thể phát triển ổn định và thịnh vượng hơn với Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 được Liên hợp quốc thông qua. Cộng đồng ASEAN ra đời đánh dấu nỗ lực hội nhập vượt bậc và mở ra giai đoạn phát triển cao hơn, với tâm thế mới. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất đàm phán, tiến tới hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với tiêu chuẩn, cam kết mở cửa mạnh mẽ nhất trong lịch sử thương mại đa phương.
Sáng 22-11-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về “Thành lập Cộng đồng ASEAN”. |
Tuyên bố lịch sử khôi phục quan hệ Cuba - Mỹ được hiện thực hóa bằng việc khai trương các cơ quan ngoại giao hai nước, chính thức khép lại chương đối đầu dai dẳng. Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc không chỉ chấm dứt một trong những cuộc khủng hoảng kéo dài nhất ở Trung Đông, mà còn đưa Iran trở lại cộng đồng quốc tế với vô vàn cơ hội. Thỏa thuận Paris tại COP21 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc tìm kiếm giải pháp hạn chế khí nhà kính nhiều thập niên qua…
Thế nhưng, “con quái vật” tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp thế giới, từ Tây Phi đến châu Âu, tới cả Đông - Nam Á. IS chứng tỏ tầm phủ sóng toàn cầu bằng các cuộc tiến công gây chấn động thế giới, như loạt khủng bố tại Paris (Pháp), đánh bom ở Beirut (Lebanon), ở Ankara và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), hay gài bom trên chiếc Airbus A-321 xấu số của Nga rơi ở Ai Cập. IS cũng khẳng định chiến thuật tiến công, ở bất cứ nơi đâu, bằng bất cứ hình thức nào, từ chiêu “con sói đơn độc” đến tiến công có tổ chức, bằng vũ khí hiện đại, ở trên đường phố và cả trong những ngôi nhà… Sự tàn ác của IS châm ngòi cuộc phiêu lưu quân sự của liên minh “các ông lớn” đứng đầu là Mỹ, cả Nga cũng bị lôi vào cuộc.
Không chỉ Đức, Pháp mà nhiều nước ở châu Âu phải chống chọi khủng hoảng kép: Khủng bố gõ cửa từng căn nhà và dòng người tị nạn kéo về lấp đầy các đường biên giới Liên hiệp châu Âu (EU), tạo nên khung cảnh hỗn loạn chưa từng có ở “lục địa già”. Thời điểm người ta háo hức về nhà đón Giáng sinh bên người thân, thì có không ít “cô bé bán diêm” chạy loạn phải chờ đón điều kỳ diệu ở miền đất lạ. Đâu đó trên Địa Trung Hải, những con thuyền ọp ẹp vẫn gồng mình chở người di cư lênh đênh tìm miền đất hứa.
Chỉ riêng mối nguy mang tên IS và hệ lụy từ làn sóng di dân đã đủ để đẩy nhiều mối quan hệ giữa các nước lao đao trong năm 2015. Căng thẳng Nga - phương Tây chuyển từ Ukraine sang địa bàn mới là Syria, khi Nga khai màn không kích IS và không giấu ý định bảo vệ lãnh đạo nước chủ nhà Al-Assad. Quan hệ Moscow - Ankara rơi xuống mức thấp kỷ lục sau vụ máy bay Su24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ hục hặc sau động thái đưa quân của Ankara vào miền bắc Iraq. Hai đối thủ hàng đầu ở Trung Đông là Iran và Saudi Arabia cũng rơi vào cuộc chiến ngoại giao mới…
Làn sóng người di cư tràn ngập châu Âu, đe dọa xô đổ những nỗ lực đoàn kết, thậm chí xóa sạch thành tựu hội nhập của EU, mà nổi bật là Hiệp ước Schengen về tự do đi lại. Các đường biên giới được dựng trở lại trong lòng EU, với những đoàn quân an ninh tuần tra đêm ngày. Chính sách cởi mở với người tị nạn của Đức nhận được tràng pháo tay từ bên ngoài, nhưng lại đẩy quan hệ giữa Đức với nhiều nước EU có nguy cơ rơi xuống vực thẳm. Anh lên kế hoạch trưng cầu ý dân về “ly khai” mái nhà chung, trong khi nhiều nước thành viên trở lại với các giá trị quốc gia, dù trái quy định chung.
Nếu Syria là nguồn cơn gây căng thẳng Mỹ - Nga, thì những hoạt động, xây dựng, bồi đắp, tôn tạo trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông khiến “vết nứt” trong quan hệ Mỹ - Trung thêm lớn. Những động thái quá đà của Trung Quốc ở các vùng biển chung quanh cũng đẩy căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng gần hơn ranh giới nguy hiểm.
Trong khi đó, kinh tế toàn cầu tiếp tục chứng kiến một năm không thành công, với đà phục hồi vẫn mong manh, lại thêm “cú sốc” giá dầu liên tiếp chạm đáy thấp kỷ lục khiến nhiều nền kinh tế phụ thuộc nguồn “vàng đen” liêu xiêu.
Nhìn lại để bước tiếp
Một loạt vụ tiến công xảy ra ở khắp các khu vực những ngày đầu năm 2016 càng khiến nhiệm vụ chống khủng bố, cực đoan thêm cấp bách. Năm 2015, dù đã có nhiều liên minh chống khủng bố ra đời, nhưng cuộc chiến cam go này vẫn chưa về đích. Một phần nguyên nhân là tình trạng hợp tác thiếu hiệu quả, thậm chí đối đầu giữa các cường quốc khi cùng đối phó mối đe dọa chung. Khi nhận rõ rằng, muốn nhanh chóng khép lại cuộc chiến này và đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa khủng bố, ít nhất là ở Syria, cần có sự hợp tác thực chất hơn, các cường quốc sẽ thúc đẩy đối thoại, tiếp xúc. Sự bắt buộc chung sống ở những chiến địa như Syria sẽ khiến Mỹ, Nga, EU, các cường quốc Trung Đông, và cả Trung Quốc sẽ tăng cường phối hợp. Đây là điều được kỳ vọng nhiều nhất trong năm 2016.
Thực tế IS đặt “chân rết” tại Đông - Nam Á không chỉ còn là lời cảnh báo sẽ thúc đẩy các nước “có nguy cơ cao” trong khu vực (Indonesia, Malaysia hay Philippines) nỗ lực nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, những biện pháp đơn lẻ ở một vài quốc gia là không đủ, bởi thế, ASEAN với tư cách một cộng đồng chung đặt người dân làm trung tâm, sẽ có những động thái cụ thể hơn trong nỗ lực hợp tác giữ hòa bình, ổn định ở khu vực.
Các cuộc khủng hoảng cũ được dự báo sẽ trở lại trong năm 2016 khắc nghiệt hơn, đó là sự quyết đoán của Nga trong vấn đề Syria; cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu; hành động công khai hơn của Trung Quốc ở Biển Đông; tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; và cả tình trạng bạo lực ở Trung Đông. Trong đó, nước Nga sẽ vẫn duy trì quan điểm cứng rắn, thậm chí mạnh mẽ hơn trong các cuộc khủng hoảng Syria và Ukraine. Châu Âu sẽ vẫn rối ren khi dự báo có thêm 1 triệu người di cư nữa tới “lục địa già” trong năm nay. Vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng sẽ làm nóng bán đảo Triều Tiên trong thời gian dài. Các điểm nóng tiếp tục sôi sục là vậy, nhưng năm 2016 sẽ không chứng kiến nhiều nỗ lực ngoại giao của Chính quyền Barack Obama, khi nước Mỹ bước vào năm bầu cử bận rộn và gay cấn.
Bức tranh kinh tế 2016 được dự báo có nhiều nét tương đồng với bối cảnh năm ngoái, nghĩa là chưa hoàn toàn thoát khỏi suy thoái, song xuất hiện những tín hiệu lạc quan. Quyết định nâng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chứng tỏ nền kinh tế số 1 thế giới đã phục hồi, tuy nhiên lại có thể tác động tiêu cực các nền kinh tế mới nổi. Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao đao và tín hiệu giảm tốc nền kinh tế số 2 thế giới, cùng đà giảm giá dầu không phanh sẽ là các yếu tố tác động tiêu cực nhiều nền kinh tế. Nhưng vẫn có điểm sáng, đó là các nước phát triển sẽ có sự phục hồi kinh tế chắc chắn hơn, trong đó EU giành vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016…
Chu Hồng Thắng