Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Tâm "chính sách"

11:02, 05/02/2016

Một kỷ lục đáng nể đối với những ai làm công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ như Thượng tá Ðoàn Công Tâm, đã tham gia tìm kiếm, quy tập được 103 mộ liệt sĩ, trong đó có 5 mộ tập thể với hàng trăm hài cốt liệt sĩ.

Một kỷ lục đáng nể đối với những ai làm công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ như Thượng tá Ðoàn Công Tâm, đã tham gia tìm kiếm, quy tập được 103 mộ liệt sĩ, trong đó có 5 mộ tập thể với hàng trăm hài cốt liệt sĩ.

Thượng tá Đoàn Công Tâm (người đầu tiên bên trái) tham gia cất bốc hài cốt liệt sĩ ở xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) năm 2014.
Thượng tá Đoàn Công Tâm (người đầu tiên bên trái) tham gia cất bốc hài cốt liệt sĩ ở xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) năm 2014. Ảnh: Công Nghĩa

Thượng tá Đoàn Công Tâm tâm niệm, đối với người lính làm công tác chính sách hậu phương quân đội luôn đòi hỏi việc nào, bất kể lúc nào cũng phải làm hết sức mình để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, của quân đội ta.

Hai lần khoác áo lính

Sinh ra ở xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), năm 1985 chàng trai trẻ Đoàn Công Tâm đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước hăm hở làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc và được biên chế về Tiểu đoàn 41, Trung đoàn 415, Mặt trận 479 làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, trở thành chiến sĩ lái xe thiết giáp M113 đánh địch ở chiến trường Xiêm Riệp. Sau những tháng năm chiến đấu gian khổ và ác liệt nơi chiến trường, vào tháng 6-1989, ông cùng hòa vào đoàn quân hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vinh quang trở về Tổ quốc. Sau đó, ông được phục viên, trở về địa phương tham gia công tác tại Ban Chỉ huy quân sự xã với chức vụ xã đội phó. Vào thời đó, ông cảm thấy cuộc sống, công việc như thế đã tạm ổn. Nhưng có lẽ cái duyên với áo lính vẫn chưa dứt nên 2 năm sau (tháng 3-1991), ông được cử đi tham dự khóa đào tạo phường, xã đội trưởng ở Trường quân sự Quân khu 7. Từ đây, ông tiếp tục khoác áo lính, miệt mài phục vụ quân đội và kinh qua nhiều công việc khác nhau: trợ lý động viên ở Ban Chỉ huy quân sự TP.Biên Hòa, trợ lý cán bộ ở Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh. Nhận thấy ông Tâm có năng lực và đầy trách nhiệm, đến tháng 3-2009, lãnh đạo BCHQS tỉnh đã tín nhiệm giao cho ông giữ chức vụ Trưởng ban Chính sách, Phòng Chính trị BCHQS tỉnh.

Lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ được quy tập tại xã Long Thọ về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nhơn Trạch (tháng 8-2014). Ảnh: Công Nghĩa
Lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ được quy tập tại xã Long Thọ về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nhơn Trạch (tháng 8-2014). Ảnh: Công Nghĩa

Thượng tá Đoàn Công Tâm tâm sự: “Đó là trọng trách lớn phải phấn đấu hết mình, làm việc thật hiệu quả để phần nào sẻ chia, bù đắp cho những người có công với đất nước phần nào về vật chất, yên ổn về tinh thần”. Chính vì điều nhân nghĩa ấy mà nhiều năm qua, Thượng tá Tâm đã cùng đồng đội dốc hết sức mình để chăm lo chu toàn cho công việc, không bỏ sót một trường hợp nào được hưởng chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước. Chỉ tính trong vòng 6 năm qua, từ 2009-2015, Thượng tá Tâm đã tham mưu cho BCHQS tỉnh và các địa phương xây tặng 20 nhà tình nghĩa, 25 căn nhà đồng đội cho các đối tượng với kinh phí trên 1,85 tỷ đồng; tham mưu, đề xuất về trên chi trả phụ cấp đặc thù, giải quyết chi trả theo chế độ, chính sách cho hàng chục ngàn đối tượng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc... với kinh phí trên 80 tỷ đồng.

Ðưa các anh về cùng đồng đội

 Nếu tính từ cột mốc 30-4-1975, chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm, cảnh vật, địa hình nơi chiến trường khốc liệt ngày nào nay đã rất nhiều thay đổi. Nhiều nhân chứng của chiến trường xưa giờ không còn nhiều nên việc tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh qua các trận đánh để đưa các anh về yên nghỉ cùng đồng đội tại các nghĩa trang liệt sĩ là việc làm hết sức khó khăn. “Lần đầu nhận nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, tôi lo lắm vì trước giờ chỉ quen làm công tác động viên tuyển quân, công tác cán bộ, còn kiến thức về việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ rất mù mờ. Nhưng khi bắt tay vào nhiệm vụ, tôi luôn cảm giác có điều gì đó luôn động viên, thôi thúc tôi với niềm tin thật mãnh liệt” - Thượng tá Tâm bộc bạch.

Theo Thượng tá Tâm, trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đòi hỏi người thực thi nhiệm vụ phải hội đủ các đức tính: tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, lăn xả với công việc và có một chút tâm linh trước người đã khuất. Có lẽ sức mạnh của niềm tin và sự tận tụy của Thượng tá Tâm trong việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ như “chạm đến” vong linh của những người đã khuất, nên trong quá trình tác nghiệp, ông như được hương hồn các liệt sĩ “trợ giúp”, chỉ dẫn tìm kiếm tới nơi các liệt sĩ đã nằm lại ở chiến trường.

Chúng tôi hỏi Thượng tá Tâm, qua 6 năm thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ với nhiều gian nan, thất bại cũng có, thành công đến cũng nhiều, nhưng điều gì đọng lại trong ông từ công việc này thì Thượng tá Tâm bồi hồi chia sẻ, mỗi lần tìm được hài cốt liệt sĩ lòng ông lại dấy lên sự thương cảm, xúc động và càng thêm oán ghét chiến tranh. Người chết đã nằm yên dưới lòng huyệt lạnh, người sống thì khắc khoải đi tìm, nhiều trường hợp mặc dù có được những thông tin nơi liệt sĩ đang nằm nhưng việc tìm kiếm không dễ dàng, phải mất nhiều năm trời.

Vào cuối năm 2012, từ nguồn tin của các cựu chiến binh Thái Lan cung cấp trong trận tấn công vào Tiểu đoàn Mãng Xà Vương (Thái Lan) đóng tại chốt Vườn Điều, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5, Quân khu 7 và Đại đội 240 bộ đội địa phương vào đêm 20-12-1967, có khoảng 100 bộ đội giải phóng đã hy sinh và địch đã vùi xác các anh vào 2 hố chôn tập thể gần chốt Vườn Điều. Nơi diễn ra trận đánh trước đây giờ chỉ là vạt đất trống mênh mông, mùa nắng thì khô khốc, mùa mưa đất nhũn ra vì ngập nước, dấu tích của chiến trường xưa giờ không còn lại gì. Vậy các liệt sĩ nằm ở đâu trong khoảng đất rộng lớn này? Để trả lời được câu hỏi ấy, Thượng tá Tâm đã cùng đồng đội mất một thời gian dài đào bới, tìm kiếm với bao nỗi nhọc nhằn, gian khổ. Sau 6 tháng kiếm tìm và có sự giúp sức, động viên, chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCHQS tỉnh và sự giúp sức nhiệt tình của chính quyền và nhân dân địa phương, đoàn khai quật mới tìm được hố chôn đầu tiên với khoảng 20 hài cốt liệt sĩ.

Mừng lắm, Thượng tá Tâm chia sẻ, nhưng mình còn nỗi lo là hố chôn thứ 2 ở đâu. Lại cuốc, lại đào, lại giang nắng phơi sương, dốc sức cho việc kiếm tìm để rồi hơn một năm sau đó, vào ngày 22-8-2014, đoàn khai quật đã tìm thấy hố chôn thứ hai với khoảng 90 hài cốt liệt sĩ như phía Thái Lan thông báo. Trước thành công quá sức mong đợi và cũng để tưởng thưởng công trạng quá tuyệt vời này, theo đề nghị của BCHQS tỉnh và Quân khu 7, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã phong thăng quân hàm cho ông Tâm từ trung tá lên thượng tá và long trọng tổ chức lễ gắn quân hàm tại vị trí mà ông cùng đồng đội đang cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh tại chốt Vườn Điều.

Cũng với cái tâm của người làm công tác chính sách mà liên tục từ tháng 6 đến 9-2014, Thượng tá Đoàn Công Tâm cùng đồng đội đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập thêm được 50 hài cốt liệt sĩ của Tiểu đoàn 440 Bà Rịa - Long Khánh và Trung đoàn 5, Sư đoàn 5, Quân khu 7 hy sinh trong trận đánh vào đồn Hoàng Diệu các năm 1968, 1969.

“Mỗi lần tìm được hài cốt liệt sĩ, tôi cảm thấy rất xúc động và càng thêm oán ghét chiến tranh. Người chết đã nằm vùi dưới lòng đất lạnh, người sống thì khắc khoải đi tìm, nhiều trường hợp mặc dù có được những thông tin nơi liệt sĩ đang nằm nhưng việc tìm kiếm không dễ dàng, phải mất nhiều năm trời” - Thượng tá Ðoàn Công Tâm chia sẻ.

 Đức Việt

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều