Báo Đồng Nai điện tử
En

Phim Việt: Không bén rễ hiện thực, phim dễ bị thất bại

10:02, 05/02/2016

Gần đây có 4 phim Việt không bén rễ hiện thực, mà đúng hơn là quá "tô hồng" hiện thực, ra rạp thì 3 phim thất bại, còn 1 phim nhờ PR quá mạnh mà sống sót. Nền nghệ thuật Việt Nam từng nệ vào chủ nghĩa hiện thực, nhưng khái niệm hiện thực ở đây sẽ được nhìn ở khía cạnh rộng rãi và đa diện hơn.

Gần đây có 4 phim Việt không bén rễ hiện thực, mà đúng hơn là quá “tô hồng” hiện thực, ra rạp thì 3 phim thất bại, còn 1 phim nhờ PR quá mạnh mà sống sót. Nền nghệ thuật Việt Nam từng nệ vào chủ nghĩa hiện thực, nhưng khái niệm hiện thực ở đây sẽ được nhìn ở khía cạnh rộng rãi và đa diện hơn. Và chính nó cũng đang là vấn đề lớn của phim Việt (xét riêng ở phim chiếu rạp), nơi đang tăng trưởng nhanh về số lượng, nhưng chất lượng thì rất phập phù.

Việt Nam cần nhiều hơn những phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh để giúp “tăng sức đề kháng” cho “cơ thể” phim Việt.
Việt Nam cần nhiều hơn những phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh để giúp “tăng sức đề kháng” cho “cơ thể” phim Việt.

Bốn phim mà chúng tôi vừa đề cập ở trên là Hay không bằng hên (ĐD: Trần Việt Anh), 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy (ĐD: Vũ Ngọc Phượng), Yêu (ĐD: Việt Max), Em là bà nội của anh (ĐD: Phan Gia Nhật Linh). Trừ phim đầu tiên quá cẩu thả, nhảm nhí, chẳng có gì đáng nói, 3 phim sau đều được làm khá chỉn chu, duyên dáng, nhưng chỉ có phim cuối cùng (không phải hay nhất trong nhóm này) lại thành công về mặt bán vé, còn 2 phim kia thất bại.

Chỉ sau 10 ngày ngoài rạp, Em là bà nội của anh đã thu về khoảng 41,5 tỷ đồng, vẫn còn tiếp tục sốt vé. Lý giải sự thành công của phim này không hề dễ, nhưng chắc chắn có một nguyên do quan trọng bậc nhất, đây là “gà nhà” của CJ Entertainment và hệ thống rạp CGV nên đã được gia tăng rất nhiều suất chiếu. Bên cạnh đó là hệ thống truyền thông khép kín và mạnh mẽ, đã tác động rất lớn đến quyết định của người mua vé, đa số “trẻ người non dạ”.

Hiện thực mơ mộng đến giả vờ

Đặc điểm chung của cả 4 phim trên đây là tạo ra một hiện thực mơ mộng đến giả vờ, đành rằng nghệ thuật là hư cấu, nhưng chắc chắn nó phải có bén rễ vào đời sống để đâm chồi.

Cả 2 phim 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạyYêu đều tô hồng đậm đặc như vậy, nơi tất cả sự việc sẽ diễn ra đẹp như mơ ước, với lời thoại kiểu ngôn tình, ngọt ngào đến trau chuốt. Các tác giả biên kịch và đạo diễn dường như nhắm mắt trước cuộc đời, nơi đất nước đang chuyển mình phát triển với nhiều thách thức, khó khăn. Nơi có hàng triệu người vẫn còn đói nghèo, GDP bình quân vẫn còn rất thấp, thế mà phim từ đầu chí cuối chỉ toàn ăn sung mặc sướng, lên xe xuống ngựa. Không ai bắt các đạo diễn trẻ làm về những điều to tát này, nhưng rõ ràng, phải có một hiện thực căn bản, ví dụ nơi GDP bình quân hơn 20 ngàn USD/người/năm thì cuộc sống trong các phim này mới đáng tin hơn. Rõ ràng, khán giả (ngay giới trẻ nhiều mơ mộng) đã không tin vào cuộc tô hồng ấy, nên lượng vé thu về đã không như ý, dù xét riêng thì 2 phim khá được.

Trước nhiều lời khen có cánh và việc bán vé ồ ạt, đôi khi số đông tưởng rằng Em là bà nội của anh rất chi là hay. Hiện thực bén rễ của phim này, nhìn lướt qua, cũng thấy nó quen quen, nên dễ gần với nhiều người Việt. Thế nhưng đây là một thứ hiện thực hơi bị gò ép, hơi bị câu nệ vào tinh thần của kịch bản gốc Miss Granny tại Hàn Quốc. Những chông gai mà bà Đại trải qua trong phim này, nếu xét kỹ, thì khó đi ra từ hoàn cảnh Việt Nam trong lịch sử chiến tranh mà phim đề cập. Bà là người mẹ đại diện cho chiến tuyến nào mà gia cảnh bản thân và tương lai con cái lại mâu thuẫn như vậy? Tuy nhiên, cũng chỉ cần chừng này hiện thực thôi, cộng với hệ thống truyền thông áp đảo, phim đã bán được vé.

Phim Em là bà nội của anh đang được cho là áp đảo việc bán vé tại Việt Nam, vượt mặt cả siêu bom tấn Star Wars: The Force Awakens, vốn đang thống lĩnh phòng vé thế giới, nhiều người rất hào hứng. Tuy nhiên, bình tĩnh nhìn lại thì hiếm có phim khoa học viễn tưởng nào làm mưa làm gió tại Việt Nam, vì hiện thực về khoa học viễn tưởng của Việt Nam còn non yếu, phim thuộc dòng này khó hút khách là đương nhiên. Ngay cả trường hợp đặc biệt như Avatar, thật khó để chiến thắng việc bán vé với các phim hài nội địa Việt Nam, nơi đời sống còn nhiều thách thức, tiếng cười có vẻ bổ ích hơn. Nói phim bén rễ vào hiện thực là nói ở khía cạnh này.

Làn sóng Hàn Quốc

Theo GS. Kim Young Jin (chuyên ngành điện ảnh Trường đại học Myongji), cho đến cuối thập niên đầu thế kỷ 21, ở Hàn Quốc, phim Hàn vẫn được yêu thích hơn so với phim Mỹ. Thậm chí, từng có một thời gian xuất hiện hiện tượng phim bom tấn Hollywood phải né tránh sự cạnh tranh với những chế tác lớn của Hàn Quốc vào dịp nghỉ hè và Giáng sinh. Sự bùng nổ của làn sóng Hàn lưu (Hallyu) với thị trường chính là Trung Quốc và Nhật Bản cũng là hiện tượng dẫn đến sự trưởng thành bứt phá của nền điện ảnh Hàn Quốc trong thời kỳ này. Làn sóng này đang được chủ động truyền bá đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam, mà Em là bà nội của anh chỉ là một ví dụ bề nổi.

Trong chiến lược “văn hóa đi trước”, phim Em là bà nội của anh trở thành một công cụ sinh động, hữu hiệu của Hàn Quốc.
Trong chiến lược “văn hóa đi trước”, phim Em là bà nội của anh trở thành một công cụ sinh động, hữu hiệu của Hàn Quốc.

Thậm chí tại Hàn Quốc còn có hiệu ứng Hàn lưu ngược. Ví dụ phim khoa học viễn tưởng Interstellar (Hố đen tử thần, ĐD: Christopher Nolan), chiếu ở Việt Nam chẳng nhiều người xem, ở Mỹ chỉ thu về 180 triệu USD, trong khi kinh phí sản xuất là 160 triệu USD. Nhưng tại Hàn Quốc thì phim này bán được 10.275.484 lượt vé, nên nhớ dân số nước này vào khoảng 50,22 triệu (năm 2013), xếp thứ 13 trong lịch sử bán vé. Tương tự, phim hoạt hình Frozen (Nữ hoàng băng giá, ĐD: Chris Buck - Jennifer Lee) đã bán 10.296.101 lượt vé, phim này chiếu ở nhiều nước thì bán vé rất yếu. Với người Hàn Quốc, phim Interstellar đã kích thích lòng nhiệt thành đối với giáo dục, còn Frozen lại tương thích với mã số tình cảm ủy mị của họ. Chủ đề về tình cảm gia đình (thấy rõ trong Em là bà nội của anh) và sự nhiệt thành về giáo dục của người Hàn Quốc giờ đây đang ảnh hưởng đến cả thị trường phim ảnh của họ. Họ muốn chủ động mang điều này đến với nhiều nước, mà Việt Nam là đích đến tuyệt vời, bởi nơi đây đã có sẵn vô số trung tâm dạy tiếng Hàn, vô số doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc. Chiến lược công khai của Hàn Quốc là văn hóa đi trước, kinh tế theo sau, càng chia sẻ với văn hóa Hàn, họ càng dễ bán hàng.

Hiện tượng trong năm 2015 của phim Việt là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (ĐD: Victor Vũ), nó thành công không phải vì phim hay nhất của đạo diễn này, mà vì hiện thực mà nó bén rễ vào. Một ẩn dụ tuyệt vời về chia cắt đất nước, về hàn gắn vết thương hậu chiến, về tình máu mủ, đồng bào. Bên cạnh đó là khúc ruột miền Trung nghèo khó nhưng ham mê học tập, với nghị lực phi thường. Tất cả điều này đều không nói trong phim, nhưng người xem sẽ gián tiếp nhận ra được; kiểu như Interstellar, Frozen không có dòng nào về Hàn Quốc nhưng người Hàn lại gián tiếp nhận ra, nên rất ngưỡng mộ, biến thành Hàn lưu ngược.

Trước thực tế phim ảnh trong nước đang bị chi phối mạnh bởi nhiều làn sóng, mà Hàn lưu thì đang được truyền bá có chủ đích, có công cụ và có tiềm lực mạnh, thiết nghĩ chúng ta cũng cần thêm nhiều phim nội địa có bản sắc hơn để kháng cự. Bởi nhìn lại gần 40 phim Việt đã công chiếu trong năm 2015, số phim bén rễ linh hoạt vào hiện thực văn hóa Việt (theo nghĩa rộng) thì quá ít, trong khi số phim tuyên truyền kém hiệu quả về hiện thực và phim tô vẽ nên hiện thực mơ mộng đến giả vờ thì quá nhiều. Không lo lắng sao được.

Hiền Hòa

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều