Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi khỉ ở rừng ngập mặn

10:02, 05/02/2016

Hơn chục năm nay, các cán bộ của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Long Thành đã nuôi dưỡng hàng chục con khỉ đuôi dài ở khu rừng ngập mặn thuộc địa phận xã Phước An (huyện Nhơn Trạch).

Hơn chục năm nay, các cán bộ của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Long Thành đã nuôi dưỡng hàng chục con khỉ đuôi dài ở khu rừng ngập mặn thuộc địa phận xã Phước An (huyện Nhơn Trạch). Từ 35 con khỉ đuôi dài lúc đầu, đến nay đàn khỉ tại Trạm Bảo vệ rừng Rừng Giống (gọi tắt Trạm Rừng Giống, thuộc BQL rừng phòng hộ Long Thành) đã ngót nghét cả trăm con.

Những con khỉ mẹ thường chăm chú vạch đầu bắt chấy, tìm rận cho đám khỉ con.
Những con khỉ mẹ thường chăm chú vạch đầu bắt chấy, tìm rận cho đám khỉ con.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Long Thành, bộc bạch: “Chọn một giống cây về trồng, đưa một loài thú về nuôi là niềm đam mê của những người luôn gắn bó với rừng như chúng tôi”. Thú vui nuôi khỉ thì có, nhưng những phiền phức do sự nghịch ngợm của đàn khỉ gây ra cho các cán bộ giữ rừng cũng không ít.

Cái thú nuôi khỉ

Hơn chục năm trước, ông Nguyễn Anh Tuấn xin được 15 con khỉ đuôi dài (thuộc dạng hàng dạt) của một công ty nuôi khỉ công nghiệp ở Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) rồi đem về giao cho các cán bộ quản lý rừng ở Trạm Rừng Giống nuôi dưỡng. “Người ta bỏ đi nhưng mình có điều kiện, môi trường thuận lợi thì cứ đem chúng về nuôi thử nghiệm. Có được những chú khỉ “làm bạn”, các cán bộ giữ rừng như chúng tôi cũng thấy đỡ buồn hơn” - ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, việc ông và các cán bộ ở BQL rừng phòng hộ Long Thành đưa khỉ về nuôi chẳng có chủ trương, kế hoạch gì, mà chỉ là đam mê cái thú nuôi động vật nên mọi người mới tìm tòi nuôi thử nghiệm. Sau đó, ông Tuấn lại đi xin được mấy con khỉ đuôi dài của một số người bạn ở TP.Hồ Chí Minh mang về nhập đàn. Sau vài lần như vậy, số khỉ ông Tuấn xin được hơn 30 con, vừa đực vừa cái.

Kể từ khi có đàn khỉ sống trong trạm, mỗi tháng ông Tuấn phải cân đối nguồn ngân sách để trích ra một ít mua bắp, gạo chăm sóc đàn khỉ. Đã hơn chục năm nay, đàn khỉ ở đây cứ thế tăng lên hàng ngày. Ông Hồ Đình Sơn, Trưởng phòng Bảo vệ rừng (BQL rừng phòng hộ Long Thành), cho biết dù không có chủ trương, nhưng khỉ đuôi dài là loài động vật hoang dã nên BQL rừng phòng hộ Long Thành đã đăng ký với Hạt Kiểm lâm huyện Long Thành và Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn để theo dõi. Thời gian đầu, việc chăm sóc đàn khỉ được giao cho một kỹ sư có tay nghề ở trạm theo dõi. Đến nay, đàn khỉ cả trăm con đã tự thích nghi với môi trường sống ở đây.

Phá như… khỉ

Mất gần 2 giờ cùng các cán bộ ở BQL rừng phòng hộ Long Thành đi ghe dọc các con rạch ở xã Phước An, chúng tôi đã có mặt tại Trạm Rừng Giống, nơi khởi nguồn nuôi khỉ trên rừng ngập mặn ở Đồng Nai. Trạm trưởng Đàm Văn Đắc cho biết khi mới đưa về đàn khỉ được nuôi nhốt trong chuồng. Sau hơn một năm nuôi thử nghiệm, 35 con khỉ được thả ra để hòa nhập với tự nhiên. “Khi mới được thả, chúng chỉ sống quanh quẩn ở trạm. Được một thời gian, nhiều con đã bắt đầu thích nghi với thiên nhiên nên đi xa hơn. Đến bây giờ, nhiều con đã tách đàn và không thèm về trạm nữa” - Trạm trưởng Đắc cho biết.

Cũng theo Trạm trưởng Đắc, có đàn khỉ đuôi dài, cán bộ làm việc tại Trạm Rừng Giống có thêm những “người bạn” giải khuây giữa chốn mênh mông sông nước, cây rừng. Thế nhưng, nhiều lúc cán bộ quản lý rừng phải phát cáu vì sự nghịch ngợm của lũ khỉ. Trạm trưởng Đắc phân trần, trước đây thỉnh thoảng có ghe thuyền của người dân ghé trạm chơi. Nhưng họ chỉ ghé vài lần thì ít đến trạm nữa, vì bị lũ khỉ lấy cắp thức ăn, phá đồ đạc trên ghe.

Không chỉ khách của trạm, mà nhiều lần cán bộ trong Trạm Rừng Giống cũng mất ăn mất ngủ vì đàn khỉ. “Hễ để hở đồ ăn một chút là chúng lẻn vào lấy cắp ngay, nhất là hoa quả để trên bàn thờ, hoặc nồi cơm nấu chưa kịp giấu. Rất nhiều thiết bị sinh hoạt, như: chiếc đầu chảo thu sóng tivi, dây điện, ống nước, kể cả đồ dùng sinh hoạt cá nhân cũng bị khỉ phá hỏng hoặc lấy cắp” - Trạm trưởng Đắc bộc bạch.

Đã có nhiều tình huống khiến cán bộ quản lý rừng ở Trạm Rừng Giống “dở khóc dở cười” với đàn khỉ. Trạm trưởng Đắc kể, có trường hợp anh Tuấn (cán bộ ở Trạm Rừng Giống) để tiền lương trong túi áo đã bị khỉ lấy áo tha đi biệt tăm. Thấy tội nghiệp, anh em trong trạm đã chia nhau luồn rừng để tìm chiếc áo. May là sau 2 ngày truy tìm, mọi người đã tìm thấy chiếc áo treo trên cành cây và số tiền vẫn còn nguyên vẹn.

Oái oăm hơn là trường hợp một cán bộ trong trạm vì cố cứu một con khỉ con mắc kẹt trong ống quần lúc ở trên ngọn cây mà anh đã bị cả đàn khỉ xông vào cấu xé vì chúng tưởng anh leo lên cây bắt con của chúng. Còn chuyện dân chài hành nghề dọc theo các con rạch phải nhịn đói vì… mất cơm (bị khỉ lấy trộm) xảy ra như cơm bữa.

Những câu chuyện vui về đàn khỉ đuôi dài được các cán bộ quản lý rừng ở Trạm Rừng Giống kể lại trong đêm khi chúng tôi nghỉ chân ở trạm như khẳng định thêm thú vui của những người sống ở rừng, ăn ngủ với rừng như lời ông Tuấn đã nói ở phần đầu bài viết.

Chiều cuối tháng, con nước ở rạch sông Đồng Kho dâng cao hơn ngày thường nên đàn khỉ không trở về Trạm Rừng Giống như thường lệ. Nghỉ lại qua đêm đến 7 giờ sáng hôm sau, chúng tôi mới thấy đàn khỉ kéo về trạm tìm thức ăn. Xuất hiện đầu đàn không phải là con “Vàng” đầu đàn, mà là lũ khỉ con, khỉ mẹ tranh nhau xí chỗ.

Trần Danh

 

 

 

Tin xem nhiều