Ngày cầm giấy chứng nhận tốt nghiệp y sĩ trở về nhà, không chỉ Ka Thơm mới mừng rơi nước mắt mà cả gia đình, nhiều người trong bản làng đều xúc động, vì từ đây người dân tộc Châu Mạ ấp Bon Gõ, xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú) đã có một thầy thuốc đúng nghĩa…
Ngày cầm giấy chứng nhận tốt nghiệp y sĩ trở về nhà, không chỉ Ka Thơm mới mừng rơi nước mắt mà cả gia đình, nhiều người trong bản làng đều xúc động, vì từ đây người dân tộc Châu Mạ ấp Bon Gõ, xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú) đã có một thầy thuốc đúng nghĩa…
Ka Thơm kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Tân Phú. |
Trời cuối năm, con đường dẫn vào bản làng của đồng bào Châu Mạ ở ấp Bon Gõ đầy nắng vàng. Ka Thơm, y sĩ đầu tiên của người dân tộc vùng này đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện.
Vượt qua định kiến…
Ka Thơm sinh năm 1985 trong một gia đình Châu Mạ tại xã Thanh Sơn. Học xong THCS, hầu hết các bạn cùng trang lứa đều nghỉ ở nhà, còn Ka Thơm vẫn quyết đến trường dù gia đình lúc đó gặp nhiều khó khăn. Khi ấy, không ít người bảo Ka Thơm rằng con gái thì có học sau này cũng đi lấy chồng thôi. Hơn nữa, từ thuở xa xưa hiếm có phụ nữ Châu Mạ nào học cao, nên ai đó muốn tạo nên “kỳ tích” thì lạ lắm. Nhưng Ka Thơm không nghĩ vậy, mà chỉ muốn chứng minh một điều, nếu nỗ lực thì đồng bào dân tộc thiểu số cũng sẽ vượt qua chính mình để có cuộc sống tốt hơn.
Trong thời gian học ở Trường cao đẳng nghề số 8, thầy cô khuyến khích học nghề, Ka Thơm nghĩ ngay đến ngành điều dưỡng. “Mình chọn ngành này không một chút đắn đo, vì trong lòng chỉ mong muốn bà con dân tộc mình được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Là người Châu Mạ, mình hiểu rõ tập quán của đồng bào, nhất là ý thức chăm sóc sức khỏe của mọi người còn kém” - Ka Thơm chia sẻ.
Từ nỗi niềm đó, Ka Thơm đã phải cố gắng rất nhiều trong suốt 3 năm vừa học văn hóa vừa học nghề. Sau khi ra trường, cô gái Châu Mạ trở về quê với những ước mơ trào dâng là mang kiến thức đã học để giúp đỡ mọi người. Đứng trước bản làng, Ka Thơm không khỏi lo lắng vì cảnh vật vẫn như xưa, chẳng thay đổi gì nhiều so với trước. Vì thế, làm sao giúp mọi người ý thức được vấn đề để có thể làm thay đổi cuộc sống đồng bào dân tộc là điều không dễ. “Bà con dân tộc mình xưa nay nếu bệnh mà còn đi lại được là không bao giờ đi bệnh viện đâu. Vậy nên mình phải động viên dữ lắm. Nhiều người mình phải nói với họ nếu không đi sẽ bị chết, hoặc phải mổ mới khỏi thì họ mới chịu đi. Đến bệnh viện là mình phải lo thủ tục, dắt tới từng nơi để khám vì bà con không rành, hơn nữa mình sợ họ thấy rắc rối lại bỏ về không chịu khám bệnh” - Ka Thơm cho biết.
Già làng tuổi 30
Thời điểm mới ra trường, thử thách đầu tiên khiến Ka Thơm một phen phát hoảng khi làm “bà đỡ” cho một ca sinh con tại nhà. Cách đây 8 năm, Ka Hờn - người phụ nữ khá lớn tuổi chuẩn bị sinh con thứ 6. Mấy người ở Trạm y tế xã Thanh Sơn yêu cầu sản phụ đến bệnh viện huyện sinh cho an toàn, nhưng Ka Hờn nhất quyết đòi sinh tại nhà. Khi em bé chào đời, người trong nhà chẳng biết làm gì khi cơ thể đứa trẻ cứ tím lạnh dần. Lúc ấy, họ chợt nhớ đến “già làng” Ka Thơm. Trước tình thế đó, Ka Thơm đã mạnh dạn giúp người mẹ “vượt cạn”, cháu bé qua cơn ngặt nghèo trong sự vui mừng của gia đình.
Ngày nghỉ, Ka Thơm thường đến nhà hỏi thăm, động viên người dân trong bản. |
Nghe tôi hỏi về Ka Thơm, bà Ka Thẻo, 50 tuổi, không ngần ngại khen ngợi đấy là người rất nhiệt tình. Bà Ka Thẻo luôn miệng nhắc, thậm chí thán phục cô y sĩ trẻ, cho rằng trong mắt nhiều người Ka Thơm chẳng khác gì “già làng”. Ka Thẻo kể, cách đây 3 năm thấy trong người không khỏe, bà liền đi khám bệnh và được bác sĩ cho biết bị xơ gan. Để chắc ăn, bác sĩ còn yêu cầu bà đến bệnh viện tuyến trên khám lại. Do không hiểu rõ căn bệnh “lạ”, trong khi lại nghe mọi người trong làng nói “không sao đâu” nên Ka Thẻo chỉ ở nhà uống thuốc. Biết chuyện, Ka Thơm đến nhà động viên bà đi khám bệnh, đồng thời làm giúp các thủ tục chuyển viện để hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Sau thời gian điều trị, đến nay sức khỏe bà Ka Thẻo đã bình phục. “Giờ đây, mỗi khi thấy trong người khó chịu là tôi tìm đến “già làng” nhờ thăm bệnh. 3 năm trước mà không có Ka Thơm thì chắc tôi đã ra người “thiên cổ” rồi” - bà Ka Thẻo hồn nhiên tâm sự.
Bác sĩ Lê Quang Hiển, Trưởng khoa nội nhi Bệnh viện đa khoa Tân Phú - nơi Ka Thơm công tác, nhận xét: “Cô ấy luôn có ý chí phấn đấu, cố gắng trong công việc. Ngoài làm chuyên môn khá tốt, Ka Thơm còn là “thông dịch viên” cho chúng tôi với bà con người dân tộc để chuyển tải ý kiến của bác sĩ đến bệnh nhân, đồng thời hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc bản thân khi điều trị tại bệnh viện”…
Buổi trưa một ngày cuối năm, Bon Gõ dường như vắng người lớn bởi phần lớn gia chủ đang ở ngoài đồng hoặc nương rẫy làm thuê. Tôi cảm nhận được bản làng này đến nay vẫn còn nghèo, song đã đổi thay nhiều, nhất là về ý thức làm việc và khám, chữa bệnh.
Anh K’Nam có con gái là Ka Thanh Trúc 9 tuổi, bị động kinh từ bé nhưng gia đình không biết. Mỗi khi bé lên cơn co giật, cầm vật gì cũng bị rơi. Phát hiện bé bệnh, Ka Thơm động viên gia đình đưa đi bệnh viện điều trị. Ðến nay, thần kinh bé Trúc dần ổn định nhờ được uống thuốc đều đặn mỗi ngày. “Từ ngày có Ka Thơm, bà con trong làng đều được cô ấy giúp đỡ tận tình, nhất là việc đi khám bệnh. Có gia đình hết tiền cũng đến nhờ cô ấy đưa con đi bệnh viện. Mọi người ở Bon Gõ rất biết ơn Ka Thơm, nhờ có cô y sĩ nên chúng tôi không còn “ngán” bệnh viện nữa. |
Ngọc Liên