Tôi nhận ra Tết về gần khi bố ra sau đồi tích trữ những gộc tre để dành nấu bánh chưng. Với chỉ ba ngày Tết, nhưng dường như nhà nào cũng chuẩn bị từ đầu tháng Chạp. Từ luống rau sống, vài ba giàn đậu cho tới vỗ béo con heo trong chuồng.
Tôi nhận ra Tết về gần khi bố ra sau đồi tích trữ những gộc tre để dành nấu bánh chưng. Với chỉ ba ngày Tết, nhưng dường như nhà nào cũng chuẩn bị từ đầu tháng Chạp. Từ luống rau sống, vài ba giàn đậu cho tới vỗ béo con heo trong chuồng. Tết về, đồng nghĩa với hối hả, thúc giục. Những ngày cuối cùng năm cũ, máy cày chạy xình xịch cả đêm không ngủ. Thời kỳ đổ ải tận dụng tranh thủ thời gian để vuông ruộng nhà mình được ăm ắp nước, chuẩn bị thật sẵn sàng ra năm cày lại một lượt rồi cấy.
Hai sáu, hai bảy Tết nhà nhà lo mổ heo, tát ao bắt cá, chuẩn bị lá dong, gạo nếp, muối dưa hành ăn Tết. Góc bếp Tết cũng được ken kín những củi, phòng khi Tết đến gió bấc vẫn thông thốc thổi. Mẹ là người rất giỏi vun vén mọi chuyện từ xó bếp cho tới ngóc ngách cửa ngõ. Cũng chỉ mong muốn Tết về gia đình ấm cúng, đủ đầy. Còn ba tôi, không vội vã cũng chẳng ung dung. Ông hết lợp lại mái chuồng gà lại quay sang sửa sang cánh cửa chuồng lợn. Ông bảo, ba ngày Tết con người ăn chơi ngủ nghỉ cũng nên nghĩ tới những con vật xung quanh mình. Âu chúng cũng sống một kiếp số phận. Bữa cơm nào cũng vậy, cả gia đình tôi đều trải chiếu ngồi quây quần trong gian giữa, vừa ăn vừa nghe ba mẹ, ông bà kể chuyện tết xưa, rất xưa…
Với trẻ con, Tết xưa không nhắc tới chợ Tết thì có lẽ là một thiếu sót lớn. Thường thì rất ít khi trẻ con được ba mẹ cho đi chợ huyện, trừ những dịp quan trọng lắm, như đi xuống huyện khám bệnh, tiện thể rẽ vào chợ hay là chuyến thưởng ba mẹ dành cho kỳ học sinh giỏi trong năm. Trong mắt trẻ con chúng tôi, chợ huyện thật to và hoành tráng, và chợ huyện dịp Tết thì đúng là rất đáng… để đi. Mẹ thường dắt hai chị em chúng tôi đi chợ huyện sắm Tết vào độ nửa chục ngày về sau của tháng Chạp. Mẹ sắm lặt vặt những thứ đồ khô trước, sau đó dẫn hai chị em đi ăn bánh đúc. Giữa tiết trời lành lạnh, bụng lại cồn cào đói thì bát bánh đúc lúc ấy quả là một thứ quà tuyệt vời. Sau đó là chọn quần áo, giày dép. Dù thiếu thốn tới cỡ nào, mẹ cũng sắm sanh cho mỗi chúng tôi một bộ đồ tươm tất. Tết nhất, niềm vui con trẻ đến từ những điều đơn giản và bình dị như vậy.
Với tôi, tết xưa còn là hình ảnh bà cặm cụi nhổ từng gốc gừng, dăm ba cụm cà rốt, cẩn thận thái từng sợi dừa để sên mứt. Bà thuộc làu từng đứa cháu thích vị mứt nào rồi làm tặng quà coi như mừng tuổi đầu năm. Món lì xì đặc biệt ấy mỗi đứa cháu chúng tôi nhớ mãi. Cho tới tận bây giờ khi bắt gặp một hương vị thân quen, sống mũi lại cay cay nhớ về người.
Cho dù no đói thế nào cũng có mâm cỗ 30 để mà đón Tết và thờ cúng tổ tiên. Và trong chiều 30, mâm cỗ tất niên sum họp gia đình bao giờ cũng kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới, mời thần linh cùng gia tiên thụ hưởng lễ vật phù hộ cho toàn gia bình an thịnh vượng, luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận. Ba tôi bảo, thật ra lời cầu xin cũng chính là lời hứa, niềm mong mỏi của người sống trước tổ tiên. Những điều đó con cháu khắc ghi phải làm cho tốt. Chiều 30 tết đã thực sự là Tết, bởi không khí gia đình ấm cúng mà bất kỳ ai đi xa dù trăm công ngàn việc cũng phải trở về. Trở về như một lời hẹn, trở về như một trách nhiệm. Hơi ấm chiều 30 Tết đã lan tỏa trong không gian gia đình ấm cúng. Thời khắc này mọi sự vất vả nhọc nhằn như tan biến, chỉ còn lại tình cảm gia đình ấm áp.
Năm tháng thấm thoắt trôi qua, những mùa Tết cũng trôi đi theo những cuốn lịch dày cộm. Có biết bao ký ức cứ ùa về tươi mới trong tôi. Trong những ngày cuối năm giữa phố, tôi nhận ra hương Tết đã lan quyện trong gió, trong từng hơi thở dòng người nhộn nhịp qua lại. Tôi thấy cả mùi của nhớ nhung, mong ngóng lẫn trong muôn vàn hương sắc Tết xưa ở quê nhà.
Quyền Văn