Báo Đồng Nai điện tử
En

Đau lòng tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

08:03, 09/03/2023

Trong khi không ít cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đã phải rất vất vả, tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức để tìm tiếng khóc - cười của trẻ, thì lại có những người sinh con ra rồi đem bỏ, ngay khi trẻ vừa lọt lòng đang cần hơi ấm và tình thương của người mẹ.

Trong khi không ít cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đã phải rất vất vả, tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức để tìm tiếng khóc - cười của trẻ, thì lại có những người sinh con ra rồi đem bỏ, ngay khi trẻ vừa lọt lòng đang cần hơi ấm và tình thương của người mẹ.

Các điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc cho 3 bé sơ sinh bị bỏ rơi. Ảnh: P.Liễu
Các điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc cho 3 bé sơ sinh bị bỏ rơi. Ảnh: P.Liễu

Có nhiều lý do để những người mẹ chối bỏ núm ruột của mình. Nhưng dù bất cứ lý do, hoàn cảnh nào thì việc có thai ngoài ý muốn, sinh con xong lại đem đi bỏ là khó chấp nhận, thậm chí là vi phạm pháp luật.

* Chối bỏ núm ruột của mình

Ngày 4-3, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) thật yên tĩnh. Trong căn phòng đầy thiết bị máy móc và những chiếc giường cũi, lồng ấp nho nhỏ, những em bé sinh non, bệnh nặng đang được các bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc tận tình. Phía bên ngoài cửa phòng, cha mẹ và người thân các bé dõi mắt nhìn vào nơi con đang điều trị và cầu mong con sớm trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình...

Cũng nằm trong những chiếc nôi nhỏ bé ấy, có 3 trẻ sơ sinh đang được điều trị nhưng lại không được cha mẹ, người thân chờ đợi, đón rước, bởi các em đã bị mẹ chối bỏ ngay sau khi sinh ra. Một trong những bé bị bỏ rơi nêu trên có hồ sơ là con chị V.T.H. (quê ở xã Vị Trung, H.Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) lên Đồng Nai làm công nhân, yêu rồi có thai với bạn trai nhưng người thanh niên đã rời bỏ khi biết chị H. có thai. Ngày 2-1-2023, chị H. đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sinh con khi thai mới được 35 tuần. Chỉ 2 ngày sau sinh, chị đã để lại con rồi trốn khỏi bệnh viện. Cháu bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai ngày 4-1 trong tình trạng sinh non, suy hô hấp, bị bệnh tim bẩm sinh và hội chứng Down. Trong bệnh án có số điện thoại của người mẹ, bệnh viện đã gọi nhiều lần, nhưng người mẹ vẫn không đến nhận con với lý do con có nhiều dị tật.

BS CKII HUỲNH THỊ THANH, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh cho hay, trong 5 năm trở lại đây, chỉ riêng khoa này mỗi năm tiếp nhận từ 8-20 trẻ bị bỏ rơi từ các bệnh viện chuyển về, phần lớn các trẻ đều bị bệnh nặng, đa dị tật, sinh non... Nhưng chỉ mới trong 2 tháng đầu năm 2023, khoa đã tiếp nhận đến 5 trẻ.

Nằm ngủ ngoan trong chiếc giường cũi nhỏ, một bé trai cũng bị mẹ có tên trong hồ sơ là N.T.T.H. (quê xã Hòa Mỹ, H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) bỏ lại ở bệnh viện khi lọt lòng được vài hôm. Bé được đưa về Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh này vào ngày 11-2 trong tình trạng sức khỏe rất yếu khi bị sinh non (32 tuần), nhiễm khuẩn sơ sinh, viêm phổi, viêm ruột. Gần 1 tháng ở khoa này, bé chưa một lần được người thân đến thăm. Thực ra, bé sơ sinh này là con ngoài ý muốn của một cặp vợ chồng đã có 6 người con. Gia đình quá nghèo, bé lại mang đa dị tật nên đã bị gia đình chối bỏ ngay sau khi sinh.

Bằng đôi tay nhẹ nhàng như người mẹ, một điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực ẵm một bé gái cũng đã được chị chăm sóc nửa tháng qua, chị cho biết bé là con của người có tên trong hồ sơ là N.T.Q.H. (ở xã Đinh Mỹ, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang), bé cũng bị bỏ rơi tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ngày 20-2-2023. Cháu bé bị đa dị tật: cụt bàn tay phải, các ngón tay trái, ngón chân bị dính liền với nhau. Sau khi sinh, thấy con đa dị tật, người mẹ đã lặng lẽ để con lại bệnh viện rồi rời đi... Bé được đưa về Khoa Hồi sức tích cực chăm sóc, đến nay sức khỏe bé đã ổn.

Ngoài ra, có lẽ câu chuyện của bé sơ sinh bị bỏ trên bậc lên xuống của đoàn tàu SE1 hôm 31-1 mà vẫn sống được thì thật hy hữu. Theo lời kể của nhân viên phụ trách toa số 6, 3 giờ sáng 31-1, đoàn tàu dừng ở ga Bình Thuận sau đó chạy suốt hơn 3,5 tiếng mới dừng ở ga Biên Hòa. Khi vừa mở cửa toa tàu để bước xuống, chị đã thấy cái bao tải đựng một cháu bé mới sinh ướt đẫm sương sớm nằm lắt lẻo trên bậc lên xuống. Nhiều người biết chuyện đã rất ngạc nhiên, không hiểu sao bé có thể nằm trên bậc lên xuống của toa tàu chỉ dài 50cm và rộng 20cm, tàu chạy lắc lư khá mạnh, suốt hơn 3 tiếng đồng hồ mà bé không bị rơi xuống đường. “Nếu lỡ sinh ra, không muốn nhận, không muốn nuôi thì cũng nên đặt con vào chỗ an toàn để người khác biết mà đem về nuôi. Tại sao lại đặt con lắt lẻo, nguy hiểm như thế. Như vậy là không quan tâm đến sự sống chết của con mình” - bà Nguyễn Thị Bình Minh, một hành khách có mặt ở ga Biên Hòa hôm đó cho biết.

* Nếu không thể yêu thương, đừng sinh con ngoài ý muốn

Đến bệnh viện sinh con rồi lặng lẽ bỏ đi là tình trạng thường gặp nhất của những trường hợp sản phụ muốn bỏ rơi trẻ. Thông thường, những sản phụ ấy không khai thật họ tên, địa chỉ và không xuất trình giấy tờ tùy thân khi làm thủ tục nhập viện. Sau khi sinh con xong, họ lặng lẽ ra đi, bỏ lại “núm ruột” đang khát khao hơi ấm và tình thương của mẹ. Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, phần lớn người bỏ con là những sản phụ trẻ và sinh con ngoài ý muốn.

BS Đinh Thị Vân, Phó trưởng khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, việc quan hệ tình dục dễ dãi, mang thai ngoài ý muốn, sinh con ra rồi vứt bỏ là tội lỗi lớn của người mẹ. Hiện nay, khoa học, kỹ thuật tiến bộ, hoàn toàn có thể trợ giúp người phụ nữ chủ động trong việc sinh hay không sinh con với hàng loạt biện pháp tránh thai hiệu quả, thuận tiện, đơn giản.

Người phụ nữ chưa muốn sinh con có thể tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình một cách dễ dàng. Chỉ cần đến trạm y tế, bệnh viện hay phòng khám sản khoa tư nhân đều có cung cấp dịch vụ tránh thai. Thậm chí dược sĩ của các nhà thuốc cũng giới thiệu được phương pháp bảo vệ phụ nữ khỏi mang thai ngoài ý muốn. Đừng để mang thai, sinh con ngoài ý muốn rồi vứt bỏ, điều đó là thiếu đạo đức và vi phạm pháp luật.

Là kỹ sư cơ khí đang làm việc ở một nhà máy trong Khu công nghiệp Amata, đã 40 năm qua, anh Tr.H. (ngụ P.Tân Mai. TP.Biên Hòa) vẫn đau đáu về cội nguồn của mình, dù anh được cha mẹ nuôi rất yêu quý. Anh H. chia sẻ: “Con chim có tổ, con người có tông. Ai cũng muốn biết về nguồn gốc của mình. Bao năm qua, những câu hỏi: Vì sao tôi lại bị mẹ bỏ ở cổng chùa khi mới lọt lòng? Cha mẹ, anh em ruột tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Tại sao tôi được sinh ra và vì sao tôi lại bị mẹ chối bỏ?... cứ đeo đẳng và ám ảnh tôi”. Giờ đây mỗi khi đọc báo, thấy đăng thông tin trẻ này, em bé kia bị cha mẹ chối bỏ, anh H. lại thấy nhói đau. “Nếu không thể yêu thương, không thể chăm sóc, xin đừng tạo ra con trẻ rồi vứt bỏ một cách vô tâm như thế” - anh H. nói.

 Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích