Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh báo trang mạng xã hội mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội

08:03, 01/03/2023

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, BHXH Việt Nam vừa có văn bản cảnh báo hiện nay tiếp tục xuất hiện tình trạng giả mạo trang fanpage Facebook của BHXH Việt Nam nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, BHXH Việt Nam vừa có văn bản cảnh báo hiện nay tiếp tục xuất hiện tình trạng giả mạo trang fanpage Facebook của BHXH Việt Nam nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam

* Mất tiền oan vì “sập bẫy” fanpage ảo

BHXH Việt Nam thông tin, ngày 24-2, BHXH Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Nam Sách (tỉnh Hải Dương) về việc có một số đối tượng giả danh fanpage Facebook của BHXH Việt Nam để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Cụ thể, ngày 6-2, do cần rút tiền BHXH trước thời hạn nên chị N.T.V. (ngụ H.Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) sử dụng tài khoản Facebook “Nguyễn V.” để bình luận vào một bài viết trên trang fanpage Facebook có tên “Bảo hiểm xã hội” và được hướng dẫn liên hệ trực tiếp với bộ phận tiếp nhận hồ sơ có tên Facebook là Nhàn Thanh.

Sau khi liên hệ qua tin nhắn cùng Nhàn Thanh thì chị V. được tư vấn và hướng dẫn chỉ cần làm hồ sơ để rút tiền BHXH trước hạn và nộp số tiền 1 triệu đồng/hồ sơ. Ngày 10-2, chị V. nhờ Nhàn Thanh làm hộ 2 bộ hồ sơ để rút tiền cho chị và chồng của chị là anh N.V.T. với tổng số tiền 2 vợ chồng được nhận là 202 triệu đồng.

Trang fanpage Facebook của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Trang fanpage Facebook của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Cả tin, chị V. đã làm theo hướng dẫn của Nhàn Thanh để nhanh chóng nhận được tiền hỗ trợ và chuyển tổng số tiền hơn 109 triệu đồng đến số tài khoản 1021007230, tên chủ tài khoản là LE NAM, thuộc Ngân hàng SHB. Kết quả, chị V. vẫn chưa rút được tiền BHXH và không liên lạc được với Nhàn Thanh nên đã trình báo vụ việc với cơ quan công an.

* Không liên hệ tại các fanpage, các diễn đàn… không chính thống

Theo BHXH Việt Nam, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện tình trạng các fanpage Facebook giả mạo cơ quan BHXH hoặc cán bộ cơ quan BHXH để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Trước đó, tại một số địa phương như TP.HCM, An Giang… cũng đã có những vụ việc lừa đảo về hồ sơ hưởng BHXH để chiếm đoạt tài sản.

Tại TP.HCM, trong quá trình sử dụng mạng xã hội Facebook, một khách hàng thấy có trang Bảo hiểm Việt Nam cùng dòng chữ “Cung cấp dịch vụ giải ngân trước hạn: Làm lại sổ BHXH và hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn”. Do đang có nhu cầu tìm hiểu và giải quyết chế độ hồ sơ quá hạn BHXH nên khách hàng này đã liên hệ với fanpage trên và được hướng dẫn, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, chụp hình căn cước công dân và tài khoản ngân hàng để chuyển tiền giải quyết chế độ số tiền 17,7 triệu đồng với 5 lần giải ngân. Mỗi lần giải ngân, khách hàng phải chuyển khoản cho “chuyên viên BHXH” phí giải quyết hồ sơ 820 ngàn đồng. Sau khi nhận tiền, “chuyên viên BHXH” này tiếp tục yêu cầu chuyển thêm tiền để được nhận đủ tiền trợ cấp trong ngày. Thấy khả nghi, khách hàng tìm đến cơ quan BHXH để kiểm tra thông tin và biết mình bị lừa.

Còn tại tỉnh An Giang, có tình trạng người lao động nhận được tin nhắn của một số đối tượng giả danh người của cơ quan BHXH Việt Nam nhận hỗ trợ làm thủ tục giải ngân tiền trợ cấp thất nghiệp. Các đối tượng này yêu cầu người lao động cung cấp quá trình đóng BHXH trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” để tính số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, người chuyển không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào.

Trang Zalo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Trang Zalo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là yêu cầu người lao động cung cấp quá trình đóng BHXH trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” để tính số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó sẽ giúp người lao động làm thủ tục giải ngân trong 2 ngày và lấy phí dịch vụ 5% trên tổng số tiền người lao động nhận được, số tiền này phải thanh toán trước. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cho các đối tượng này, người lao động không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào và bị chiếm đoạt số tiền dịch vụ 5% đã thanh toán trước.

BHXH Việt Nam khuyến cáo, hiện BHXH Việt Nam chỉ thực hiện việc cung cấp thông tin chính thức về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người tham gia qua các kênh sau: Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam có địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn/. Các trang mạng xã hội của BHXH Việt Nam: fanpage Facebook: https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn. Ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”. Tổng đài hỗ trợ, chăm sóc khách hàng - hotline: 1900.9068.  Zalo Official Account: Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

BHXH Việt Nam khuyến cáo người dân, người lao động, các đơn vị, tổ chức không nên tìm hiểu thông tin tại các fanpage, các diễn đàn… không chính thống, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo. Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân, người lao động có thể báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ xử lý hoặc thông báo cho cơ quan BHXH trên địa bàn để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Kim Liễu

Tin xem nhiều