Niềm tin tín ngưỡng trong các lễ hội truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân và luôn được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Niềm tin tín ngưỡng trong các lễ hội truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân và luôn được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Nhiều du khách mua đồ để cúng sao giải hạn trong quá trình du Xuân trên núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc). Ảnh: Đ.Phú |
Tuy vậy, vẫn có không ít người lợi dụng mùa lễ hội (dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán) để hành nghề mê tín dị đoan tại các lễ hội hoặc trên các kênh mạng xã hội nhằm trục lợi.
* Tràn lan hành vi mê tín dị đoan
Tháng Giêng 2023, nhiều người đổ về núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) du Xuân, viếng các chùa cầu an. Trong dòng người đó vẫn còn một số người lợi dụng để hoạt động bói toán, bán đồ dâng sao, giải hạn, thỉnh vong…
Bà Lê Thị Hoa (ngụ H.Trảng Bom) bày tỏ, trên đường lên chùa Bửu Quang ở núi Chứa Chan để ngắm cảnh, viếng chùa, bà chứng kiến nhiều hình ảnh không đẹp mắt như: xin tiền, chèo kéo bán đồ dâng sao, giải hạn. Một số người cũng mua sắm để cúng, tạo nên cảnh bát nháo, ồn ào ở chốn linh thiêng.
Không chỉ lợi dụng các lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, trong dịp sau Tết, nhiều người tự tìm các thầy bói, thầy cúng để cầu may, giải hạn.
Ông LÊ XUÂN BÁCH (ngụ xã Suối Cao, H.Xuân Lộc) kiến nghị, đồng hành với hành vi hành nghề mê tín dị đoan là lực lượng cò mồi, rủ rê, chèo kéo. Để ngăn chặn, bài trừ tệ nạn này tại các lễ hội cần có sự ra tay mạnh mẽ, quyết liệt của các đơn vị tổ chức lễ hội, chính quyền và cả việc nói không tham gia vào hoạt động mê tín dị đoan của người tham gia lễ hội. |
Bà L.T.H. (ngụ xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) là một ví dụ. Bà H. tự sắm lễ vật về nhà của một ông thầy bói để xin quẻ tình duyên, làm ăn đầu năm. Bởi theo bà H., mỗi khi xem bói cho ai đó, ông thầy này thường lên đồng như vậy mới “linh” và đáng tin.
Mê tín dị đoan được thực hiện dưới các hình thức như: bói toán, tin vào những điều không có căn cứ khoa học như chữa bệnh bằng bùa ngải, phù phép… Đánh vào tâm lý tò mò của mọi người và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để hành nghề, trục lợi. Mê tín dị đoan thường xảy ra trong đời sống và phổ biến nhiều trong thời gian lễ hội trước, trong và sau Tết. Ngoài ra, mê tín dị đoan diễn ra trên cả không gian mạng.
Hiện có nhiều trang mạng xã hội công khai quảng cáo cho các hoạt động như: xem bói online, cầu an, giải hạn; xem phong thủy mua nhà, tậu xe, cưới xin… Do đó, người có nhu cầu xem bói, bói toán chỉ cần gõ vào từ khóa tìm kiếm trên Google, YouTube thì dễ dàng tìm được các tài khoản để coi bói. Đi kèm với hành vi mê tín này, nhiều trang mạng xã hội giới thiệu các loại sản phẩm bằng đá, kim loại, gỗ để trấn phong thủy, bảo hộ tính mạng, trừ tà ma, xui xẻo… Thực hư tác dụng của các vật phong thủy như thế nào chưa ai dám chắc nhưng cũng đã có không ít người bị tốn tiền mua với giá hàng trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng.
* Chế tài xử lý phải mạnh
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, việc lợi dụng lễ hội để thực hiện các hành vi mê tín dị đoan… là vi phạm pháp luật. Do đó, tùy vào tính chất, mức độ mà các hành vi trên có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì các hành vi như: thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình; tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội; tổ chức hoạt động mê tín dị đoan; phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam bị phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 20 triệu đồng.
Nếu hành vi trên cấu thành tội hành nghề mê tín dị đoan theo Điều 320 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì bị phạt từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm.
Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, riêng về hành vi hoạt động mê tín dị đoan trên mạng xã hội sẽ bị xử lý theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27-1-2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2020/NĐ-CP và Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 7-10-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội nếu có hành vi chủ động cung cấp thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc thì bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng (Điểm b, Khoản 3, Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP). Còn tại Điểm b, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 37, Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) có quy định hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Đoàn Phú