Phản hồi bài viết Thiếu xe chở rác đạt chuẩn đăng trên Báo Đồng Nai số phát hành ngày 31-8, nhiều bạn đọc (BĐ) nhận xét bài viết đã phản ánh đúng tình trạng vận chuyển, thu gom rác thải trên địa bàn Đồng Nai hiện nay là chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường.
Phản hồi bài viết Thiếu xe chở rác đạt chuẩn đăng trên Báo Đồng Nai số phát hành ngày 31-8, nhiều bạn đọc (BĐ) nhận xét bài viết đã phản ánh đúng tình trạng vận chuyển, thu gom rác thải trên địa bàn Đồng Nai hiện nay là chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường.
Thu gom rác bằng xe không đạt chuẩn tại KP.2, P.Bửu Long (TP.Biên Hòa). Ảnh: Kim Liễu |
Bên cạnh các ý kiến phàn nàn về tình trạng xe vận chuyển rác thường làm rơi rác thải, rò rỉ nước, phát tán mùi hôi…, nhiều BĐ đề xuất cơ quan chức năng sớm có giải pháp chuẩn hóa phương tiện thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn.
* “Nín thở” mỗi khi xe rác đi qua
Bình luận trên fanpage Báo Đồng Nai, nhiều BĐ phản ảnh, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, đơn vị thu gom sử dụng phương tiện vận chuyển rác không đạt chuẩn, thậm chí dùng xe máy cày, máy kéo, xe tự chế để thu gom, vận chuyển rác dẫn đến tình trạng rác thải rơi vãi bừa bãi, nước rỉ rác chảy ra môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển. Mỗi lần xe rác chạy ngang qua là người đi đường phải nín thở vì mùi hôi.
“Đang ngồi dùng bữa mà xe rác đi ngang qua là xác định nghỉ ăn luôn” - tài khoản Facebook Bụi Bụi bình luận trên fanpage Báo Đồng Nai.
Ngoài phản ảnh việc thu gom rác bằng xe không đạt chuẩn, tài khoản Nhân Nguyễn còn phản ảnh trên fanpage Báo Đồng Nai tình trạng xe chở rác chạy như “hung thần” trên tuyến đường 768 gây bất an cho người tham gia thông.
Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai, phương tiện thu gom rác sinh hoạt chủ yếu là những xe ba gác tự chế cũ kỹ, lạc hậu, không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. |
Còn BĐ Trần Văn Hợp (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bộc bạch, mỗi ngày cứ tầm 14 giờ, những chiếc xe ba gác chở rác từ các nơi về tập kết tại đoạn đường Nguyễn Ái Quốc (gần cổng vào sân bay Biên Hòa) để chuyển lên xe ép rác. Rác được đổ hết xuống lòng đường, sau đó nhân viên vệ sinh dùng xẻng hốt lên xe ép rác. Công đoạn sang tiếp rác này làm phát sinh mùi hôi kinh khủng, kéo dài từ chiều cho tới tối. Nguyên nhân là do rác bị xốc lên, nước rỉ rác chảy tràn lan, đọng lại trên mặt đường… Những lần như thế, người đi đường ai đi qua cũng phải bịt mũi, còn nhà dân ở quanh khu vực này thì lãnh đủ.
Tương tự, BĐ Lê Văn Trung (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) và một số BĐ ở xã Phú Điền (H.Tân Phú), xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) phàn nàn hiện nay nhiều hộ dân sinh sống ở trong các con hẻm nhỏ chưa được trang bị thùng chứa rác, người dân chủ yếu bỏ rác trong bịch để trước cửa hoặc tập kết rác thành đống. Xe lấy rác không vào được nên nhân viên vệ sinh phải bưng, bê, kéo lê những bịch rác ra đường lớn để cho lên xe; nhiều bịch rác không được cột chặt kiến chất thải, nước rỉ rác thoát ra gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
* Cần phương tiện thu gom rác phù hợp
Để giải quyết tình trạng trên, một số BĐ đề xuất đơn vị chức năng nghiên cứu thiết kế phương tiện thu gom rác phù hợp với đặc thù của khu dân cư, có thể đi sâu vào các khu hẻm nhỏ. “Khu vực tôi ở, rác được thu gom bằng xe ba gác tự chế có gắn thêm thùng để chở rác. Do tự chế nên xe không được che chắn kỹ lưỡng, đi tới đâu là “dậy mùi” rác tới đó” - BĐ Hồ Thế Kiệt (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bức xúc nói.
Theo ông Kiệt, đối với các con hẻm nhỏ nên thiết kế phương tiện có kết cấu nguyên khối với phần đầu là động cơ một người lái, phần sau là thùng chứa rác có khả năng nâng, hạ; xe có thể tiến, lùi, quay đầu trong các hẻm nhỏ; thùng chứa rác là thùng kín, không rò rỉ nước và hạn chế khuếch tán mùi hôi gây ô nhiễm môi trường.
Đồng quan điểm, một số ý kiến nhận định thực trạng ô nhiễm môi trường tại một số địa phương, nhất là tại TP.Biên Hòa có nguyên nhân do chưa làm tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Sẽ rất khó thay đổi nếu hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải vẫn theo phương thức truyền thống, thủ công, bán cơ giới.
“Thông tin từ Báo Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh chỉ có 145 xe chuyên dụng, xe ép rác bảo đảm cho hoạt động thu gom đúng quy định, vẫn còn hơn 200 phương tiện thô sơ không đạt chuẩn. Nếu không được chuẩn hóa các xe trên sẽ tiếp tục làm phát sinh ô nhiễm mùi, nước rỉ rác, rơi vãi rác trong quá trình vận chuyển và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn” - BĐ Lê Văn Hùng (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) bày tỏ lo lắng.
Tạo điều kiện để các đơn vị thu gom vận chuyển rác chuẩn hóa các phương tiện chở rác đáp ứng yêu cầu, quy định về môi trường là vấn đề bài viết Thiếu xe chở rác đạt chuẩn đã đề cập và được nhiều BĐ quan tâm. Nhiều ý kiến BĐ cho rằng, bài báo đã phản ảnh đúng thực tế khó khăn hiện nay của các đơn vị thu gom là khó hội đủ các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay để nâng cấp thiết bị, phương tiện.
Trao đổi về vấn đề nêu trên, nhiều BĐ đề xuất cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp hơn. Ngoài chuẩn hóa phương tiện thì việc cải tiến quy trình thu gom, vận chuyển rác thải hiện nay cũng rất cần thiết, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cơ quan, tổ chức trong việc tự giác tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường.
Kim Liễu