Theo quy định mới, từ ngày 1-1-2022, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tối thiểu đã được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi, việc này khiến nhiều người đang có ý định tham gia BHXH tự nguyện không khỏi băn khoăn...
Theo quy định mới, từ ngày 1-1-2022, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tối thiểu đã được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi, việc này khiến nhiều người đang có ý định tham gia BHXH tự nguyện không khỏi băn khoăn...
Một đại lý thu bảo hiểm xã hội ở TP.Biên Hòa đến nhà vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Phương Liễu |
* Mức đóng tăng, mức hỗ trợ cũng tăng
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Theo đó, mọi đối tượng người dân từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu hằng tháng khi có đủ 20 năm tham gia. Việc tham gia loại hình bảo hiểm này là hoàn toàn tự nguyện, với mục đích giúp những người lao động tự do có lương hưu hằng tháng sau khi hết tuổi lao động, ổn định cuộc sống, bớt phải phụ thuộc vào con cháu.
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức lương cơ sở hiện hành, do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, theo quy định của Nhà nước là 154 ngàn đồng/tháng và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Mới đây, Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đã quy định, từ ngày 1-1-2022, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330 ngàn đồng/tháng, tăng 176 ngàn đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021 là 154 ngàn đồng/tháng, còn mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 29,8 triệu đồng/tháng. Do trong năm 2022 chưa thực hiện tăng tiền lương nên lương cơ sở năm 2022 vẫn áp dụng mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng.
Trước đây, để chia sẻ với những đối tượng lao động tự do, thu nhập không ổn định, Nhà nước có chính sách hỗ trợ với 30% mức đóng cho những đối tượng thuộc hộ nghèo, 20% cho hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác. Nay để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, khi điều chỉnh tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu, Chính phủ cũng đã tăng mức hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện tùy loại đối tượng.
Cụ thể, số tiền hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo từ 46,2 ngàn đồng lên 99 ngàn đồng/tháng (tăng 52,8 ngàn đồng); hộ cận nghèo được hỗ trợ tăng từ 38,5 ngàn đồng lên 82,5 ngàn đồng/tháng (tăng 44 ngàn đồng) và các đối tượng khác là từ 15,4 ngàn đồng lên 33 ngàn đồng/tháng (tăng 17,6 ngàn đồng).
Theo BHXH Việt Nam, khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian mà người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng trước đó theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau, thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.
* Cần hiểu đúng về mức đóng tăng
Một thực tế cho thấy, nhiều người làm việc tự do, nội trợ không được đóng BHXH nên không được hưởng chế độ hưu trí. Vì thế, có không ít người về già đời sống bấp bênh, phải nhờ cậy con cháu. Năm 2008, chính sách BHXH tự nguyện được triển khai với mục đích giúp người dân an cư tuổi già.
Tuy nhiên, theo Điều 73, Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện phải có đủ 20 năm tham gia BHXH trở lên và đủ điều kiện về tuổi (60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ) mới được hưởng lương hưu hằng tháng. Dù rằng BHXH tự nguyện có những ưu đãi, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khiến việc phát triển loại hình bảo hiểm này còn chậm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ẩn (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) kinh doanh quần áo ở chợ Biên Hòa cho biết, thấy chị em bạn bè có lương hưu, bà cũng muốn tuổi già có khoản thu ổn định. Nhưng khi được tư vấn, cũng như xem xét giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc mà con bà được hưởng, bà thấy BHXH tự nguyện còn quá đơn điệu, quá ít ưu đãi.
Bà Ẩn cho hay: “Do muốn tham gia BHXH nên tôi đã tìm hiểu rất kỹ về BHXH tự nguyện. Tôi thấy thời gian đóng BHXH tự nguyện đến 20 năm mới được thụ hưởng là quá lâu. Bởi thường những người lao động tự do như chúng tôi phải đến 40-50 tuổi mới nghĩ đến việc tham gia BHXH tự nguyện, nếu đóng đến 20 năm thì lúc đó chúng tôi đã quá già để hưởng, hoặc hưởng vài năm là... mất”.
Theo bà Ẩn, khi chưa điều chỉnh tăng bà đã thấy giữa mức đóng và mức thụ hưởng chênh lệch cao theo hướng đóng nhiều, hưởng ít. Chưa kể trợ cấp đi kèm của BHXH tự nguyện quá hạn chế, chỉ được hưởng 2 trợ cấp là hưu trí và tử tuất, chứ không được các trợ cấp về ốm đau, tai nạn... Những hạn chế này đã khiến những lao động tự do như bà Ẩn chưa quyết định tham gia. Hiện Nhà nước còn tăng mức đóng tối thiểu lên hơn gấp đôi, nhưng thời gian hưởng không ngắn lại, mức hưởng cũng không tăng tương xứng thì bà lại càng băn khoăn.
Giải thích chuyện tăng mức đóng tối thiểu BHXH tự nguyện, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho hay, người dân cần hiểu đúng về điều chỉnh mức đóng tăng. Do quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700 ngàn đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng, nên mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng phải tăng theo. Tất nhiên, đi liền với việc tăng đóng này là Chính phủ cũng tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 lên tương ứng, vì thế tính ra khoản tiền túi người dân bỏ ra đóng BHXH tự nguyện không thay đổi so với trước.
Cũng theo ông Thành, đúng là lâu nay người dân lao động tự do chưa quan tâm đến việc tham gia BHXH tự nguyện để bảo đảm đời sống sau khi hết tuổi lao động, trong 2 năm dịch bệnh Covid-19, việc phát triển chính sách BHXH tự nguyện lại càng gặp khó khăn hơn. Hiện nay, trên địa bàn còn gần 1 triệu đối tượng tiềm năng, nhưng mới chỉ có 12 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện.
Để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, hiện BHXH Việt Nam đang thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện theo xu hướng tích hợp thêm chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT để khám chữa bệnh; đồng thời nghiên cứu bổ sung chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này nhằm tăng tính hấp dẫn.
Về thời gian thụ hưởng, khả năng ngành BHXH cũng xem xét giảm thời gian chờ thụ hưởng từ 20 năm xuống còn 15 hoặc 10 năm, hoặc cho mua theo gói với nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Khi người dân thấy quyền lợi được bảo đảm tương ứng với dịch vụ, họ sẽ tự nguyện tham gia.
Lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện Theo BHXH Đồng Nai, một số lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện là: được hưởng lương hưu hằng tháng khi về già; được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu; được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí tham gia; lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng; được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân; trường hợp không tiếp tục tham gia, nếu có yêu cầu, được hưởng BHXH một lần tính theo số năm đã đóng BHXH; thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng (10 lần lương cơ sở) và chế độ tuất khi người tham gia qua đời. |
Phương Liễu