Từ ngày 1-2-2021, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 89, Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động (gọi tắt là Nghị định 145), khi thuê người giúp việc thì người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động.
Từ ngày 1-2-2021, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 89, Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động (gọi tắt là Nghị định 145), khi thuê người giúp việc thì người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động.
Giúp việc nhà đang là công việc phổ biến hiện nay. Trong ảnh: Một người giúp việc đang làm việc tại một gia đình ở P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ảnh: Kim Liễu |
Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện quy định ký hợp đồng với người giúp việc không phải dễ, bởi hiện nay công việc giúp việc nhà khá phổ biến nhưng do tính chất nhỏ, lẻ trong nội bộ gia đình nên nhiều người không quan tâm đến việc ký kết HĐLĐ.
* Ít người quan tâm
Bà Nguyễn Thanh Thảo (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, gia đình bà có 4 người, hai vợ chồng đều đi làm cả ngày ở công ty nên phải thuê người giúp việc lau dọn nhà cửa và nấu cơm cho các con vào buổi trưa với tiền công 50 ngàn đồng/giờ, làm việc 3 giờ/ngày vào buổi sáng. Hai bên chỉ thỏa thuận miệng chứ không làm HĐLĐ.
Tương tự, do không có thời gian rảnh nhiều nên gia đình chị Yến (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) thường thuê người quen trong xóm đến giúp việc nhà theo giờ. “Thường thì vào ngày cuối tuần, người đó sẽ đến dọn dẹp nhà cửa cho tôi khoảng 3 giờ, làm xong việc nhận tiền rồi về không ai nợ ai nên cũng không cần ký hợp đồng chi cho thêm thủ tục rắc rối” - chị Yến nói.
Không chỉ có người sử dụng lao động mà nhiều người giúp việc được hỏi về quy định phải ký HĐLĐ khi sử dụng người giúp việc gia đình đều trả lời là không quan tâm. Thậm chí có người còn cho rằng, việc ký hợp đồng là không cần thiết bởi phần nhiều họ là người quen, họ hàng xa ở dưới quê lên ở chung với chủ nhà để phụ việc nên chỉ thỏa thuận miệng với nhau.
Riêng những trường hợp giúp việc theo giờ, lý do không ký hợp đồng được nhiều người nêu ra là ngại ràng buộc. Chị M., người giúp việc cho gia đình bà Bình (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi làm xong việc, nhận tiền ngay thì cần gì phải ký HĐLĐ. Mà ký HĐLĐ cũng có quyền lợi gì hơn. Ai trả thù lao cao, việc nhàn hơn thì mình làm cho họ chứ ký hợp đồng chi cho rắc rối”.
Còn bà Minh, một người giúp việc nhiều năm cho gia đình chị Phương (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) chia sẻ, chủ nhà rất tốt, luôn đối xử với bà như một thành viên trong gia đình nên bà thấy không phải ký hợp đồng bởi quyền lợi vẫn được đảm bảo.
* Để quy định đi vào cuộc sống
Theo nhận định chung của nhiều người, quy định ký HĐLĐ với người giúp việc thể hiện sự tiến bộ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với đối tượng là người giúp việc gia đình. Tuy nhiên, để quy định pháp luật nêu trên đi vào cuộc sống còn những thách thức rất lớn với cơ quan quản lý, chính quyền cơ sở trong thực thi, bởi thực tế hiện nay có nhiều gia đình khi nhận người giúp việc nhà đều không ký HĐLĐ.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một phường ở TP.Biên Hòa cho rằng, nếu người giúp việc bằng lòng với thỏa thuận với chủ nhà hoặc họ cũng không muốn ký HĐLĐ nên không có ý kiến, không thông báo với cơ quan có thẩm quyền thì càng khó phát hiện vi phạm để xử lý. Để quy định đi vào cuộc sống, trước hết các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người sử dụng lao động và những người giúp việc nhà biết được quyền, trách nhiệm của mình mà chấp hành.
Theo phân tích của luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), quy định về việc phải ký kết HĐLĐ bằng văn bản đối với người giúp việc nhà là cần thiết. Khi ký hợp đồng, các bên cần ghi rõ ràng các điều khoản cụ thể như: công việc, thời hạn của HĐLĐ, mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, thời giờ làm việc, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, điều kiện ăn, ở của người lao động (nếu có), trách nhiệm các bên… Đây sẽ là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh. Nếu chỉ giao kết bằng lời nói thì rất khó để chứng minh cho quyền, nghĩa vụ của các bên nếu có tranh chấp.
“Để đảm bảo quyền lợi của mình, người giúp việc cần phải chủ động đề xuất chủ nhà ký HĐLĐ với mình. Trường hợp tìm việc qua các kênh môi giới việc làm cũng đừng quên yêu cầu họ thực hiện ký HĐLĐ theo quy định” - luật sư Định lưu ý.
Điều 5, Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định, trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện việc ký kết HĐLĐ theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 1-20 triệu đồng. |
Kim Liễu