Ngày 20-11, Báo Đồng Nai có bài Siết quản lý kênh bán bảo hiểm thông qua ngân hàng. Trong bài viết, lãnh đạo một số ngân hàng thừa nhận ngân hàng của họ đã và đang liên kết, hợp tác với nhiều công ty kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm khoản vay để cung cấp dịch vụ này đến khách hàng.
Ngày 20-11, Báo Đồng Nai có bài Siết quản lý kênh bán bảo hiểm thông qua ngân hàng. Trong bài viết, lãnh đạo một số ngân hàng thừa nhận ngân hàng của họ đã và đang liên kết, hợp tác với nhiều công ty kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm khoản vay để cung cấp dịch vụ này đến khách hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng chỉ giới thiệu các loại bảo hiểm cho khách hàng, không có tình trạng “ép” người vay mua bảo hiểm.
Bảo hiểm khoản vay là bảo hiểm tự nguyện, không bắt buộc khách hàng phải mua khi vay tiền của các tổ chức tín dụng. Ảnh minh họa: Khách hàng giao dịch tín dụng tại một ngân hàng ở TP.Biên Hòa . Ảnh: Website Ngân hàng Oceanbank |
Trước tình trạng trên, tháng 10-2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 7928/NHNN-TTGSNH ngày 12-10-2020 về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm gửi đến các ngân hàng, yêu cầu các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.
* Bảo hiểm khoản vay: Có mua mà... không có hưởng
Tuy nhiên đến nay, một số khách hàng vẫn than phiền bị làm khó khi vay tiền ngân hàng. Vì muốn vay được tiền phải mua bảo hiểm khoản vay. Nếu không mua bảo hiểm này sẽ khó khăn khi làm thủ tục vay tiền, chậm giải ngân vốn vay hoặc phải vay với lãi suất cao hơn 3%. Một số khách hàng bức xúc, mặc dù đã thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng, nhưng vẫn bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm khoản vay, trong khi không có nhu cầu. Việc “ép” mua bảo hiểm kiểu này chẳng khác nào bắt người dân chịu 2 lần tiền lãi.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống, đặc biệt sẽ xử lý nghiêm các trường hợp “ép buộc” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng. |
Chẳng hạn như trường hợp của chị T.Q.P. (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) là một ví dụ. Ngày 10-12, do thiếu tiền xây nhà nên chị thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một ngân hàng trên địa bàn TP.Biên Hòa để vay 300 triệu đồng. Nhân viên ngân hàng này yêu cầu chị P. phải mua bảo hiểm khoản vay trị giá 15 triệu đồng (5% khoản vay) trong 5 năm, mỗi năm nộp 3 triệu đồng. Chị P. nói không có nhu cầu nên không mua, nhưng nhân viên ngân hàng nói, nếu không mua bảo hiểm chị sẽ phải chịu lãi suất cao thêm 3% so với lãi suất của người có mua bảo hiểm.
Sau một hồi tính toán, chị P. chấp nhận vay lãi suất cao. Chị P. nói: “Mua bảo hiểm được giảm lãi suất 3 tháng đầu ở mức 11,2% nhưng tôi phải mất 15 triệu đồng, trong khi tiền lãi suất ưu đãi 3 tháng tính ra chỉ được 8 triệu đồng. Không mua bảo hiểm, tôi đỡ được 7 triệu đồng. Nhưng ngân hàng cũng nhùng nhằng, sau khi ký hợp đồng, cả tuần sau tôi mới nhận được tiền”.
Do làm ăn thua lỗ, anh N.H.T. (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) đã phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay 300 triệu đồng về trả nợ nhưng cũng bị buộc phải mua bảo hiểm 18 triệu đồng. Anh T. bức xúc: “Bảo hiểm là tự nguyện, ai có nhu cầu thì mua và nguyên tắc là có đóng - có hưởng. Nhưng những hợp đồng bảo hiểm khoản vay bị “ép” mua ở ngân hàng lại chỉ có đóng mà... không có hưởng. Bởi sau khi người vay kết thúc việc trả gốc và lãi thì hợp đồng bảo hiểm này cũng... mất luôn. Vậy khoản tiền mua bảo hiểm này của tôi đi đâu?”.
* “Ép” mua bảo hiểm là sai nguyên tắc
Về vấn đề này, nhân viên một ngân hàng trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) giải thích, bảo hiểm khoản vay là để dự phòng trong trường hợp người vay không thanh toán được thì ngân hàng không gặp rủi ro. Lúc đó, công ty bảo hiểm sẽ đứng ra thanh toán cho ngân hàng.
Tuy nhiên, một số khách hàng cho rằng, giải thích như trên là chưa hợp lý và chỉ có lợi cho phía ngân hàng. Vì khách hàng đã thế chấp tài sản để vay, nếu không trả được, ngân hàng sẽ phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi vốn, như vậy ngân hàng đã “nắm đằng chuôi” sao còn “buộc” khách hàng phải lựa chọn: hoặc chịu lãi suất cao hoặc mua bảo hiểm để rồi không được hưởng lợi gì khi đáo hạn.
Một số ý kiến khách hàng cho rằng, mua bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm khoản vay nhằm mục đích tích lũy và phòng tránh rủi ro cũng là cần thiết, nếu có điều kiện. Tuy nhiên, ngân hàng “liên kết” với các đơn vị kinh doanh bảo hiểm, đưa sản phẩm bảo hiểm vào dịch vụ cung cấp tín dụng rồi “ép” khách hàng mua là sai nguyên tắc của cả hoạt động ngân hàng lẫn bảo hiểm vốn là nhu cầu tự nguyện.
Ông Nguyễn Chí Thiện (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) từng có nhiều năm làm trong ngành Ngân hàng cho biết, tham gia bất kỳ loại hình bảo hiểm nào người mua cũng đều phải được hưởng lợi, yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm mà không được hưởng quyền lợi, rõ ràng là đang ép buộc, gây khó cho khách. Mặt khác, ngân hàng kinh doanh, lợi nhuận ngân hàng hưởng. Nếu sợ rủi ro thì ngân hàng nên mua bảo hiểm, tại sao bắt khách hàng mua bảo hiểm thay mình?
Một số khách hàng tỏ ra quan ngại về việc bị “ép” mua bảo hiểm khi vay tiền. Bởi ngoài những người vay tiền kinh doanh, thì phần lớn khách hàng là người gặp khó khăn mới phải cầm cố nhà cửa để vay tiền. Nếu buộc phải mua bảo hiểm khi bản thân họ không có nhu cầu, không những gây phiền toái cho khách hàng mà còn đem lại khó khăn khi họ phải bỏ tiền túi để “cõng” bảo hiểm rủi ro cho ngân hàng. Và người dân cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm lập lại trật tự kinh doanh bảo hiểm trong hệ thống ngân hàng hiện nay, để tránh gây khó khăn cũng như thiệt thòi cho khách hàng.
Bà T.T.T. (ngụ xã Quang Trung, H.Thống Nhất) đề xuất: “Cần phải tách riêng bộ phận tư vấn, kinh doanh bảo hiểm ra khỏi hoạt động cung cấp tín dụng để khỏi làm phiền khách hàng khi vay vốn, vì mua bảo hiểm và vay vốn ngân hàng là hai nhu cầu khác nhau hoàn toàn, nên được tách biệt ra. Ngân hàng liên kết, phối hợp để “bán” bảo hiểm là chuyện kinh doanh của ngân hàng, nhưng nên bố trí một bộ phận riêng, ở đó có nhân viên tư vấn, giải thích, hướng dẫn rõ ràng để khách hàng hiểu, tin tưởng và tự nguyện tham gia, không nên ghép chung vào dịch vụ cấp tín dụng để rồi dựa vào đó mà “ép” khách hàng kiểu... “mua bia kèm mồi”.
Phương Liễu