Mới đây, hòa giải viên của Văn phòng trợ giúp pháp lý cho người lao động huyện Nhơn Trạch (Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện) tổ chức hòa giải thành 2 vụ tranh chấp lao động. Qua đó giúp 2 người lao động đòi được số tiền gần 900 triệu đồng.
Mới đây, hòa giải viên của Văn phòng trợ giúp pháp lý cho người lao động huyện Nhơn Trạch (Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện) tổ chức hòa giải thành 2 vụ tranh chấp lao động. Qua đó giúp 2 người lao động đòi được số tiền gần 900 triệu đồng.
Bà Phan Thị Hiếu, hòa giải viên Văn phòng trợ giúp pháp lý cho người lao động huyện Nhơn Trạch đang tư vấn pháp lý cho người lao động. Ảnh: Nhân An |
* Đòi được tiền bồi thường tai nạn lao động
Ông Nguyễn Xuân Thắng (ngụ quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) từng làm việc ổn định tại Công ty S. (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5). Ngày 13-12-2018, ông được công ty phân công đi công tác ở TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và bị tai nạn khi đang trên đường đi. Hậu quả, ông Thắng bị mù mắt phải do túi khí phía trước bung bật vào mặt, làm bể mắt kiếng rồi đâm vào mắt. Ông được đưa đi Trung tâm y tế Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện mắt TP.Hồ Chí Minh điều trị đến ngày 18-12-2018 thì xuất viện.
Biên bản giám định của Hội đồng giám định y khoa Sở Y tế tỉnh Đồng Nai xác định, tai nạn lao động ngày 13-12-2018 đã gây tổn thương cơ thể ông Thắng với tỷ lệ 51%. Theo đó, mắt phải của ông Thắng đã phải múc nhãn cầu, lắp mắt giả, dẫn đến việc gặp nhiều khó khăn khi nhìn, giao tiếp và ảnh hưởng rất lớn đến công việc hiện tại của ông Thắng.
Vì lý do hạn chế về thị lực, tinh thần ảnh hưởng sau tai nạn và một số lý do khác nên ông Thắng xin nghỉ việc và được công ty đồng ý (có quyết định cho nghỉ việc). Tuy nhiên, ông thắng không được công ty thực hiện việc bồi thường tai nạn lao động theo quy định tại Khoản 3, Điều 144 và Điểm a, Khoản 3, Điều 145 của Bộ luật Lao động. Sau nhiều lần đi đòi không được, ông Thắng đã làm đơn hòa giải gửi đến Văn phòng trợ giúp pháp lý cho người lao động huyện Nhơn Trạch để nhờ can thiệp.
Bà Phan Thị Hiếu (Hòa giải viên Văn phòng trợ giúp pháp lý cho người lao động huyện Nhơn Trạch) cho biết, sau khi tiếp nhận đơn của ông Thắng, bà đã tổ chức buổi hòa giải và mời các bên đến làm việc. Tại đây, bà đã phân tích, giải thích cho các bên hiểu về quy định của pháp luật đối với việc giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động. Sau 3 giờ làm việc căng thẳng, cuối cùng hai bên cũng đã có tiếng nói chung và thống nhất với phương án giải quyết của hòa giải viên đưa ra.
Cụ thể, ngày 10-10, công ty đồng ý chi trả số tiền 366 triệu đồng cho ông Thắng (358 triệu đồng tiền bồi thường tai nạn lao động và 8 triệu đồng chi phí điều trị cho ông Thắng). Tuy nhiên, do trước đây công ty đã chuyển khoản cho ông Thắng 50 triệu đồng nên giờ công ty chỉ phải chi trả 316 triệu đồng...
* Được bồi thường do doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Nhờ Văn phòng trợ giúp pháp lý cho người lao động huyện Nhơn Trạch, ông Hà Minh Tuấn (ngụ quận 8, TP.Hồ Chí Minh) cũng vừa được một công ty ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 bồi thường vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái quy định pháp luật đối với ông.
Đầu tháng 10-2018, ông Tuấn được công ty này ký HĐLĐ có thời hạn 12 tháng với tổng mức lương 42 triệu đồng/tháng. Chức vụ của ông là Quản lý vùng miền Trung - Mê Kông và chịu trách nhiệm phân phối nhằm mục đích tăng doanh số bán hàng cho công ty tại khu vực được phân công.
Khi ông Tuấn đang làm việc ổn định thì ngày 26-12-2018, ngày 28-12-2018, ngày 3-1-2019, đại diện công ty gửi email mời ông về văn phòng của công ty để bồi dưỡng các kiến thức sản phẩm và làm việc. Phía công ty này còn thông báo qua email, nếu ông Tuấn không đến văn phòng như đã thông báo thì công ty sẽ không chấm công và không trả lương cho ông. Sau đó, công ty gửi thư thông báo qua chuyển phát nhanh của bưu điện yêu cầu ông Tuấn đến văn phòng công ty để làm việc kể từ ngày 22-3-2019.
Ông Tuấn cho rằng, việc công ty có 3 lần gửi email và 1 lần gửi văn bản yêu cầu ông đến văn phòng của công ty để bồi dưỡng các kiến thức về sản phẩm và làm việc là không đúng với cam kết ban đầu mà hai bên đã thỏa thuận. Bởi vị trí quản lý vùng là ông làm việc trực tiếp trên địa bàn. Còn nếu công ty muốn bố trí công việc cho ông làm việc tại văn phòng công ty thì phải thỏa thuận với người lao động.
Ngày 26-6-2019, công ty tổ chức cuộc họp để xét kỷ luật lao động đối với người lao động. Ông Tuấn có đến dự và ký tên vào biên bản với ý kiến: không đồng ý với các lập luận cáo buộc của công ty cũng như không chấp nhận hình thức kỷ luật sa thải vì ông không vi phạm Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, ngày 12-8-2019, ông Tuấn nhận quyết định chấm dứt HĐLĐ của công ty đối với mình, lý do là ông tự ý bỏ việc từ ngày 26-12-2018. Không đồng ý với quyết định của công ty, ông Tuấn đã làm đơn “cầu cứu” gửi đến Văn phòng trợ giúp pháp lý cho người lao động huyện Nhơn Trạch.
Bà Phan Thị Hiếu cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ, chứng cứ và nghe ông Tuấn trình bày, hòa giải viên xác định phía công ty đã ra quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật với người lao động. Cho nên, khi đưa vụ việc ra hòa giải thì hòa giải viên cũng căn cứ trên quy định của pháp luật để phân tích, giải thích cho phía doanh nghiệp thấy những việc làm chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Chẳng hạn, trong biên bản xử lý kỷ luật người lao động ghi là sa thải nhưng sau đó lại ra quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Như vậy, giữa 2 văn bản đó mâu thuẫn nhau, là trái luật, mà trái luật thì phải bồi thường những quyền lợi liên quan cho người lao động...
Tuy nhiên, vụ việc diễn ra rất căng thẳng và hòa giải viên phải tổ chức 3 lần hòa giải, gặp gỡ các bên thì mới hòa giải thành công. Cuối cùng, ngày 14-10, phía công ty đồng ý chi trả 12 tháng lương với tổng số tiền 504 triệu đồng theo yêu cầu của ông Tuấn (7 tháng lương từ tháng 1-2019 đến tháng 7-2019 là 294 triệu đồng, trả tiền lương trong những ngày ông Tuấn không được bố trí làm việc là 84 triệu đồng và 126 triệu đồng tiền bồi thường về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định pháp luật).
Nhân An