Báo Đồng Nai điện tử
En

Biên Hòa nhân rộng mô hình bắt chó thả rông

An Nhiên
09:00, 17/06/2024

Sau hơn 2 tháng triển khai thí điểm mô hình Bắt chó thả rông tại phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa), thành phố đã triển khai nhân rộng mô hình ra nhiều phường, khu dân cư.

Đội bắt chó thả rông phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) trong một lần ra quân bắt chó thả rông trên địa bàn. Ảnh: A.Nhiên
Đội bắt chó thả rông phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) trong một lần ra quân bắt chó thả rông trên địa bàn. Ảnh: A.Nhiên

Khó khăn khi triển khai mô hình Bắt chó thả rông

Trảng Dài là phường đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình Bắt chó thả rông. Sau hơn 2 tháng với 11 đợt ra quân, chỉ bắt được 10 con chó, số lượng này rất ít so với thực tế. Theo đánh giá của lãnh đạo phường, mô hình này còn nhiều khó khăn, bất cập khi các thành viên đội bắt chó chưa rành nghiệp vụ, thời gian đi bắt chó không thường xuyên, cố định vì những thành viên đội bắt chó còn kiêm nhiệm nhiều việc.

Chưa kể, những con chó bắt về còn khó xử lý khi chủ chó không đến nhận do phải đóng một khoản tiền phạt khá lớn. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho hoạt động bắt chó còn hạn chế và khó khăn khi thanh, quyết toán với ngân sách từ thành phố. Ngoài ra, thành viên trong tổ bắt chó không nhiệt tình vì ngại phải tiêm vaccine phòng bệnh dại trước khi tham gia bắt chó thả rông theo quy định.

Để tăng cường công tác phòng dịch bệnh dại, hạn chế các hệ quả tiêu cực từ tình trạng chó thả rông, ngày 6-6, Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh đã có buổi làm việc với đại diện các phòng, ban và một số phường nhằm bàn giải pháp chấm dứt tình trạng chó thả rông trên đường.

Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, mặc dù mô hình Bắt chó thả rông hoạt động thí điểm tại phường Trảng Dài chưa thật hiệu quả như mong muốn, nhưng thành phố quyết định vẫn sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Trước mắt, thành phố sẽ nhân rộng ra tại 4 khu phố kiểu mẫu tại 4 phường gồm: Thống Nhất, Quyết Thắng, Hòa Bình, Thanh Bình và 2 khu dân cư tại phường Bửu Long và phường Tân Phong.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại, quy định phòng, chống bệnh dại và quản lý chó, mèo trên địa bàn thông qua nhiều hình thức như: họp tổ dân phố, phát tờ rơi, loa phát thanh, thông tin qua mạng xã hội (Zalo). Đối với vấn đề quản lý đàn chó, mèo, thành phố yêu cầu chủ tịch UBND các phường, xã phổ biến đến các chủ vật nuôi có trách nhiệm tiêm vaccine phòng dại cho chó mèo; đăng ký, cam kết nuôi nhốt vật nuôi trong nhà, khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt để giữ an toàn cho người đi đường.

Riêng công tác tiêm vaccine ngừa bệnh dại đối với đàn chó mèo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Nguyễn Trường Giang cho biết, chi cục đã phối hợp với các huyện và thành phố triển khai công tác tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo. Trong đó, yêu cầu cán bộ thú y thành phố, nhân viên thú y cơ sở phối hợp với các phường, xã, trưởng khu phố, tổ trưởng dân phố hàng tháng đi tiêm ngừa bệnh dại tại các điểm tập trung, thậm chí đến tận nhà dân để tiêm phòng, nhằm tạo miễn dịch khép kín trên đàn chó mèo. Đồng thời, thống kê định kỳ về việc tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo với tần suất 1 quý/lần để bảo đảm đàn chó, mèo đều được tiêm vaccine phòng dại.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (thuộc Sở Y tế), hiện mỗi tháng trên toàn địa bàn tỉnh có từ 2,6-3 ngàn trường hợp bị chó mèo cắn phải tiêm vaccine phòng dại. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 16 ổ dịch dại trên chó mèo tại 6 huyện và thành phố.

Đề nghị phạt nguội trường hợp thả rông chó

Theo thông tin từ Trạm Thú y thành phố Biên Hòa, hiện toàn thành phố có hơn 20 ngàn hộ nuôi chó, mèo với gần 33 ngàn con chó và hơn 3,3 ngàn con mèo. Mặc dù đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, xử lý nhưng tình trạng chó thả rông vẫn đang rất phổ biến trong các khu dân cư, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi ổ dịch dại và số người bị chó cắn ngày càng tăng.

Để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch dại, hạn chế tình trạng chó cắn người, gây tai nạn thương tích..., nhiều ý kiến cho rằng, ngoài nhân rộng mô hình Bắt chó thả rông, chính quyền địa phương nên tiến hành phạt nguội các trường hợp để chó thả rông.

Bà Võ Thị Ngọc Thùy (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho hay, 2 tháng qua, phường tổ chức bắt chó thả rông nhưng đội đi bắt chó vào giờ hành chính là không hiệu quả vì giờ đó người dân đi làm, thường nhốt chó trong nhà. Cần đổi thời gian nên bắt chó thả rông vào chiều muộn vì thời điểm chó thả rông khá nhiều.

Bà Thùy kiến nghị, việc bắt chó thả rông trực tiếp không hiệu quả thì tiến hành phạt nguội bằng cách mỗi tổ dân phố lập trang mạng xã hội Zalo để tiếp nhận thông tin, hình ảnh về chó thả rông do người dân gửi đến. Tổ trưởng dân phố sẽ tổng hợp thông tin, hình ảnh gửi về UBND phường để tiến hành phạt nguội.

Hiện nay, pháp luật không cấm người dân nuôi chó, nhưng theo ông Nguyễn Thành Sơn (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa), cơ quan chức năng hoặc địa phương cần có thêm hình thức tăng trách nhiệm của chủ vật nuôi. Cụ thể, theo ông Sơn, tại nhiều quốc gia văn minh, người nuôi chó hoặc các vật nuôi khác trong khu dân cư phải đóng một khoản tiền kha khá để được cấp giấy phép nuôi chó và các vật nuôi khác theo quy định; đồng thời phải ký cam kết quản lý an toàn vật nuôi. Nếu chủ nuôi vi phạm sẽ bị cấm nuôi và phạt tiền rất cao. Sự quản lý khoa học, đòi hỏi trách nhiệm cao sẽ khiến người nuôi cân nhắc, nếu nuôi sẽ phải có trách nhiệm cao.

An Nhiên

Tin xem nhiều