Từ ngày 9-11, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng từ 1.920,37 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT) - tăng 4,5% (86,42 đồng/kWh). Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân đã có lần tăng thứ 2 trong năm 2023.
Nhân viên Điện lực Biên Hòa bảo trì tủ điện cáp ngầm. Ảnh: K.Liễu |
Nhiều người không khỏi lo lắng khi giá điện tăng đúng vào thời điểm việc làm, thu nhập của nhiều hộ gia đình vẫn còn khó khăn. Do đó, người dân kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường xử lý việc lợi dụng tăng giá điện để tùy tiện tăng giá bán các mặt hàng khác; quan tâm triển khai bình ổn giá; có chính sách trợ giá điện cho người có thu nhập thấp… để việc tăng giá điện sẽ không gây xáo trộn quá lớn đến giá cả nói riêng và đời sống nói chung.
* Ngăn tình trạng “té nước theo mưa”
Chiều 9-11, tại buổi trao đổi thông tin với báo chí về việc điều chỉnh giá điện, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, với việc điều chỉnh giá điện trên, mỗi tháng, khách hàng sử dụng bậc 1, tiền điện tăng tối đa 3,9 ngàn đồng. Các bậc: 2, 3, 4, 5, 6 tương ứng số tiền tăng tối đa 7,9 ngàn đồng, 17,2 ngàn đồng, 28,9 ngàn đồng, 42 ngàn đồng và 55,6 ngàn đồng. Theo đại diện ngành điện, việc tính toán giá điện được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng quá lớn đến người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách.
Khi biết thông tin giá điện tăng, anh Phan Văn Trường (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) không khỏi lo lắng. Anh Trường chia sẻ, 2 vợ chồng anh đều làm công nhân may gia công. Cả năm nay cơ sở may không có tăng ca, nên thu nhập của cả hai vợ chồng tiết kiệm mới đủ chi tiêu cho gia đình 5 người. Trung bình mỗi tháng anh trả tiền điện tương đương khoảng 10% thu nhập. Với mức tăng giá điện vừa điều chỉnh, chi phí sinh hoạt của gia đình anh sẽ bị “đội” thêm. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, chỉ cần chi phí sinh hoạt tăng thêm một chút cũng ảnh hưởng đến chi tiêu trong gia đình. Vì vậy, khi nghe tin giá điện tăng anh thấy lo lắng, vì thông thường sau mỗi lần giá điện được điều chỉnh tăng, các mặt hàng thiết yếu cũng đồng loạt tăng giá.
“Cùng với việc tăng giá điện, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần có biện pháp tăng cường quản lý, bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường; xử lý nghiêm tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá cả hàng hóa ồ ạt, vô lối theo giá điện” - anh Trường kiến nghị.
Ngoài mong muốn giá cả tiêu dùng bình ổn, có bạn đọc kiến nghị xem xét lại khoảng cách thời gian tăng giá điện. Phản hồi bản tin: “Từ hôm nay 9-11, giá điện tăng thêm 4,5%, lên mức hơn 2.006 đồng/kWh” được trích đăng trên Facebook Báo Đồng Nai ngày 9-11, tài khoản Facebook Huynh Lợi bình luận: “Vài tháng lại tăng giá điện như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người sử dụng điện”.
* Có chính sách trợ giá cho người thu nhập thấp
Chiều 9-11, tại buổi trao đổi thông tin với báo chí về việc điều chỉnh giá điện, ông VÕ QUANG LÂM, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Như vậy, so với lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 4-5, việc tăng giá điện lần này đã bảo đảm thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh là 6 tháng. |
Lo ngại hơn khi nghe báo cáo của ngành điện về việc dù đã điều chỉnh tăng giá bán điện 2 lần trong năm 2023 nhưng hiện tại giá điện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. “Liệu như vậy có phải tới đây nếu chi phí mua điện không giảm xuống thì giá điện lại tiếp tục tăng. Là người tiêu dùng tôi mong muốn EVN mang đến thông tin đầy đủ, chi tiết về những chi phí cấu thành giá điện. Từ đó, người tiêu dùng thực sự thoải mái với việc điều chỉnh giá của EVN” - bà Đỗ Thị Linh (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Ngoài ra, theo bà Linh, việc tính giá điện hiện nay vẫn còn bất cập. Cụ thể là cách tính chia giá điện làm 6 bậc. Việc chia như vậy chỉ làm cho khâu tính toán giá điện thêm rối rắm và không mang tính hỗ trợ người có thu nhập thấp. 2 bậc thang giá điện từ 0-50kWh và từ 51-100kWh được hưởng giá thấp, nhưng thực chất hầu hết người dân đều tiêu thụ điện cao hơn mức này. Vì vậy, cần nghiên cứu thay đổi sao cho hợp lý và có lợi cho người tiêu dùng hơn.
Đồng quan điểm, ông Ngô Thanh Sang (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho rằng, ngoài tính toán giá điện để tránh ảnh hưởng quá lớn đến người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, ngành điện cần xây dựng lại bậc giá điện cho phù hợp nhu cầu và mức tiêu thụ điện năng thực sự của người dân. Song song đó nên có chính sách trợ giá phù hợp cho người thu nhập thấp bên cạnh việc khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện.
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin