Báo Đồng Nai điện tử
En

Yêu cầu cấp dưỡng sao cho đúng luật?

Đoàn Phú
08:31, 04/10/2023

Quy định về cấp dưỡng trong hôn nhân - gia đình và trong các vụ bồi thường tính mạng bị xâm phạm đã được pháp luật quy định rất rõ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đôi bên không thỏa thuận được việc cấp dưỡng dẫn đến tranh chấp, khiếu nại.

Luật sư Trần Văn Giáp (Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn về mức trợ cấp nuôi con khi ly hôn cho người dân xã La Ngà, H.Định Quán. Ảnh: Đ.Phú
Luật sư Trần Văn Giáp (Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn về mức trợ cấp nuôi con khi ly hôn cho người dân xã La Ngà, H.Định Quán. Ảnh: Đ.Phú

Theo Khoản 24, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định.

* Khó thỏa thuận mức cấp dưỡng

Năm 2017, chị C.K.L. (ngụ H.Tân Phú) kết hôn với anh H.T.B. (H.Cẩm Mỹ) và cả hai đã có 1 con chung là bé D.H. (6 tuổi). Đầu năm 2023, hôn nhân giữa họ bắt đầu rạn nứt nên anh B. đề nghị ly hôn, nhưng chị L. không đồng ý. Chị L. trình bày, chị chưa muốn ly hôn vì muốn anh B. chia sẻ trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con với chị. Hiện tại, bản thân chị bị bệnh tật và gặp khó khăn về kinh tế, công việc không ổn định, phải đi thuê chỗ ở. Do đó, nếu anh B. đồng ý cấp dưỡng cho chị một lần với số tiền 500 triệu đồng thì chị sẽ thuận tình ly hôn.

Khi nghe chị L. đưa ra yêu cầu như vậy, tất nhiên anh B. không đồng tình. Anh chỉ chấp nhận trách nhiệm cấp dưỡng cho con là bé D.H. hàng tháng đến khi đủ 18 tuổi, chứ nhất định không chịu cấp dưỡng theo yêu cầu của vợ cũ vì đó là điều kiện vô lý.

Trao đổi về vấn đề trên, luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) hướng dẫn, căn cứ Điều 115 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, chị L. được quyền yêu cầu anh B. cấp dưỡng sau ly hôn nếu chị chứng minh được hoàn cảnh của chị hiện tại khó khăn, túng thiếu và anh B. có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Ngược lại, chị không chứng minh được thì tòa án sẽ bác yêu cầu của chị.

Trong khi đó, bà D.T.U. (57 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) yêu cầu người gây tai nạn giao thông khiến con gái bà tử vong phải cấp dưỡng cho cháu gái bà tên M.X. (14 tuổi) cho đến năm cháu 18 tuổi, với mức 10 triệu đồng/tháng (theo mức con gái bà khi còn sống gửi về chu cấp cho con) nhưng chưa thỏa thuận được với người này.

Luật gia Phạm Đình Đức giải thích, Điểm c, Khoản 1, Điều 591 và Khoản 2, Điều 595 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người gây ra cái chết cho con gái bà phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho bé M.X. cho tới khi bé đủ 18 tuổi. Trừ trường hợp, trong thời gian bé M.X. từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đi làm và có thu nhập đủ nuôi bản thân thì luật cho phép người gây ra tai nạn ngưng cấp dưỡng. Tuy nhiên, mức cấp dưỡng là do hai bên thỏa thuận; nếu hai bên không thỏa thuận được mức cấp dưỡng thì yêu cầu tòa án giải quyết.

* Quy định về cấp dưỡng

Luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Điều 116 và Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

“Hiện tại, mức lương cơ sở chỉ 1,8 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp nuôi con, trợ cấp cho vợ/chồng gặp khó khăn khi ly hôn, hay bồi thường danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm không cao. Đây chính là điều bất cập dẫn tới việc người yêu cầu cấp dưỡng rất cao, nhưng chỉ được tòa chấp nhận ở mức thấp” - luật sư TRẦN VĂN GIÁP (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay.

Cũng theo luật sư Cao Sơn Hà, hiện chưa có quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể nên các bên đều yêu cầu mức cấp dưỡng nuôi con, cho bản thân mình khi ly hôn thường rất cao, có khi là 10-20 triệu đồng/tháng và yêu cầu chi trả trợ cấp một lần. Để giải quyết vấn đề, hiện tại tòa án thường đưa ra mức cấp dưỡng dao động 15-30% mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Trường hợp không xác định được mức thu nhập của người cấp dưỡng thì lấy lương cơ sở để xác định nhưng không quá 2/3 mức lương cơ sở. Còn phương thức cấp dưỡng thì Tòa án quyết định cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

Tại Khoản 3, Điều 8 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 6-9-2022 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, nhưng không thấp hơn 1 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng.

“Như vậy, tiền cấp dưỡng nuôi con, cho vợ/chồng khi ly hôn thì căn cứ vào mức lương cơ sở. Còn tiền cấp dưỡng thay cho người bị thiệt hại về tính mạng đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng căn cứ vào lương tối thiểu vùng" - luật sư Cao Sơn Hà lưu ý.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều