Thời gian qua, nhiều người dân bức xúc khi bị mất tiền oan vì bị thợ sửa đồ điện gia dụng (máy điều hòa, tủ lạnh, cửa cuốn, máy giặt…) “vẽ vời” nhiều thứ để thu tiền.
Khi đồ điện gia dụng bị hư hỏng, chủ nhà nên tìm cửa hàng bán máy hoặc trung tâm bảo hành có uy tín để được sửa chữa, bảo trì đúng với thực trạng. Ảnh minh họa: P.Liễu |
* Đủ chiêu trò…
Tháng 3-2023, cửa cuốn nhà anh N.Q.G. (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) mỗi khi đóng - mở thường phát ra tiếng ồn lớn. Thấy số điện thoại của người sửa cửa cuốn dán ở ngoài cửa, anh G. liên hệ và không lâu sau có một nhân viên có mặt tại nhà anh để tiến hành sửa chữa. Sau một hồi loay hoay kiểm tra, anh thợ “phán” cửa nhà anh G. bị gãy trục cuốn, phải thay trục mới với giá 4 triệu đồng. Tưởng trục bị hỏng thật, anh G. đồng ý thay.
Một tháng sau, tình trạng cũ tái diễn, anh G. gọi cho người thợ hôm trước, người này hứa đến kiểm tra lại nhưng không thấy. Anh tiếp tục gọi cho người này nhiều lần thì điện thoại không liên lạc được.
Rút kinh nghiệm, anh G. trực tiếp đến một tiệm chuyên sửa cửa cuốn ở P.Tân Biên để kêu thợ. Sau khi kiểm tra, người thợ này cho biết, cửa cuốn nhà anh G. không bị hỏng gì cả, chỉ do sử dụng lâu ngày, thanh ray 2 bên bị hẹp làm kẹt đường trượt cửa cuốn, tạo ra tiếng ồn lớn mỗi khi đóng - mở cửa. Cách khắc phục phải sửa đường ray hoặc tự chỉnh lá cửa cuốn bằng tay khi cửa bị kẹt là được.
Chị Đ.T.T. (ngụ xã An Phước, H.Long Thành) cho biết, tháng 5-2023, máy lạnh nhà chị không lạnh dù mở 17-18 độ C. Chị gọi điện cho một cửa hàng sửa điện lạnh ở TT.Long Thành (H.Long Thành) thì được cử thợ tới sửa. Sau khi xem sơ qua, người thợ này cho biết ống đồng máy lạnh nhà chị bị hỏng, phải thay hết 5 triệu đồng. Vì không biết về máy móc nên chị T. đồng ý thay ống đồng mới. Sau đó, một người quen vốn là kỹ sư cho chị biết là ống đồng máy lạnh rất khó hư, nhất là máy lạnh nhà chị T. mới lắp được 3 năm; khả năng chỉ do lâu ngày không làm vệ sinh, bụi bẩn lấp kín màng lọc nên hơi lạnh không thoát ra được, những lúc như vậy chỉ việc vệ sinh máy là được.
Kỹ sư cơ khí NGUYỄN VŨ DŨNG (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) khuyến cáo, để phòng tránh bị “móc túi” khi sửa đồ điện gia dụng, người dân nên gọi trực tiếp cho công ty để được tư vấn và báo giá công khai; lưu lại số của trung tâm bảo hành. Nếu có bất kỳ vấn đề phát sinh phải liên hệ lại với công ty trước khi thanh toán. |
Trường hợp anh Đ.C.N. (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) phải mất tiền mua máy lạnh mới vì bị thợ sửa máy lạnh “phán” máy lạnh cũ của anh bị hư nặng. Anh N. kể, khi máy lạnh cũ bị hư, anh liên hệ với một cửa hàng điện máy nơi anh mua máy để nhờ sửa. Sau đó, anh được một người tự xưng là nhân viên bảo trì của cửa hàng điện máy này đến kiểm tra và nói máy lạnh nhà anh bị hư bảng mạch điện tử, phải thay hết 4 triệu đồng, công tháo lắp nữa là 4,5 triệu đồng.
Thấy tiền sửa bằng nửa tiền mua máy lạnh mới nên anh N. không đồng ý thay mà đi mua máy lạnh mới. Khi thợ lắp ráp máy mới cho anh tiện tay kiểm tra máy cũ thì cho biết, máy lạnh cũ nhà anh không hề bị hư bảng mạch gì cả, chỉ do bụi bặm, làm vệ sinh hết 150 ngàn đồng, máy lại chạy bình thường…
Điều khiến anh N. băn khoăn là tại sao người thợ sửa máy lạnh trước đó không phải là nhân viên bảo hành của cửa hàng lại có số điện thoại của anh để liên hệ. Thậm chí, người này còn biết anh đã mua 2 máy lạnh với công suất 1 ngựa và 1,5 ngựa. “Khả năng thông tin cá nhân của tôi cung cấp khi mua máy đã bị bán cho bên thứ ba, điều này rất nguy hiểm” - anh N. cho biết.
* Để không bị “móc túi” oan
Nói về vấn đề gãy trục cửa cuốn, kỹ sư cơ khí Nguyễn Vũ Dũng (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, trục cửa cuốn ít khi gãy, thường là bị nghiêng hoặc xộc xệch khiến việc đóng - mở cửa khó khăn và tạo tiếng ồn lớn. Người dùng nên gọi cho bộ phận bảo hành chính hãng đến kiểm tra, không nên cho thợ mã khóa cửa cuốn để tránh nguy cơ bị đột nhập khi chủ vắng nhà.
Còn với những thiết bị làm lạnh như: máy lạnh, tủ lạnh, tủ đá…, ông Trần Hoàng Chương (ngụ P.Tân Mai, TP. Biên Hòa), chủ tiệm sửa chữa điện lạnh gia dụng Tuấn Hưng cho biết, nếu chỉ bảo dưỡng, vệ sinh máy lạnh, thợ sửa chữa sẽ khó “móc túi” được khách hàng nên những người thợ làm không có tâm sẽ viện dẫn lý do máy bị hỏng hóc do dây đồng tiếp gas bị nứt phải thay, van gas máy lạnh, tủ lạnh bị hở hoặc bảng vi mạch bị chết, tụ bị hỏng… để chủ nhà phải thay. Bởi thế, chủ nhà cũng nên tìm hiểu một chút về máy lạnh để kiểm tra độ chính xác của những vấn đề mà thợ đưa ra, cân nhắc trước khi để thợ sửa chữa, thay thế bất kỳ linh kiện nào.
Cũng theo ông Chương, chủ nhà phải luôn có mặt trong quá trình thợ sửa chữa để tránh bị trường hợp thợ nói thay linh kiện nhưng thực chất không thay mà vẫn lấy tiền hoặc tránh bị tráo đổi linh kiện, làm hỏng linh kiện, chi tiết trong quá trình sửa chữa, đặc biệt là không nên cho thợ mang thiết bị về nhà sửa nếu không biết rõ tiệm sửa chữa hay trạm bảo hành ở đâu.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin