Đồng Nai hiện có gần 400km đường tỉnh và nhiều con đường huyện, xã. Mỗi ngày, người dân ở một số nơi vẫn còn phải đi lại trên những con đường đầy “ổ gà”, “ổ voi” rất mất an toàn giao thông (ATGT).
Đồng Nai hiện có gần 400km đường tỉnh và nhiều con đường huyện, xã. Mỗi ngày, người dân ở một số nơi vẫn còn phải đi lại trên những con đường đầy “ổ gà”, “ổ voi” rất mất an toàn giao thông (ATGT).
* Những “Con đường đau khổ”
ở huyện Long Thành, các tuyến hương lộ: 10, 12, 21 đang xuống cấp trầm trọng, nhất là hương lộ 21. Mặt hương lộ vốn được tráng nhựa mỏng, nhưng hiện đã trở thành đường đất. Nguyên nhân là do xe tải ben quá tải chạy thường xuyên trên đường, khiến đường mau xuống cấp. Con đường này lại đang chờ bàn giao quản lý từ huyện về tỉnh nên việc duy tu, sửa chữa đang còn phải chờ đợi.
Đường 319B huyện Nhơn Trạch đang được vá sửa tạm thời ở đoạn đầu. |
Ở huyện Định Quán, vẫn còn một số “con đường đau khổ” đang chờ kinh phí sửa chữa. Như tuyến đường ấp Hiệp Lực, thị trấn Định Quán đi ấp 9, xã Gia Canh được xây dựng năm 2002, với chiều dài gần 5km hiện hư hỏng rất nặng, kinh phí sửa chữa con đường dự kiến lên đến 25 tỷ đồng. UBND huyện đã tổ chức lập dự án đầu tư từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí sửa chữa. Việc triển khai thực hiện theo hình thức xã hội hóa giao thông gặp nhiều khó khăn do dân sống hai bên đường chủ yếu là đồng bào dân tộc và các hộ nghèo.
Hay tuyến đường 104 xã Phú Ngọc hiện đã xuống cấp, hư hỏng rất nặng đoạn đầu tuyến với chiều dài 1km. Năm 2013, UBND huyện đã tổ chức lập dự án đầu tư với tổng kinh phí thực hiện trên 5,7 tỷ đồng, nhưng chưa bố trí được kinh phí sửa chữa trong năm 2013 nên UBND huyện vẫn đang vận động các doanh nghiệp hỗ trợ.
Tại huyện Xuân Lộc, từ đầu năm 2013 đến nay, đã tiến hành sửa chữa nhiều tuyến đường với kinh phí gần 2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 88% so với kế hoạch. Tuy nhiên, huyện cũng báo cáo: “Do thiếu nguồn vốn thực hiện công việc bảo trì đường bộ nên hiện còn một số tuyến đường hư hỏng nặng chưa được sửa chữa. Điều này đã ảnh hưởng đến việc đi lại của dân, công tác đảm bảo ATGT và làm cho các tuyến đường nhanh xuống cấp”. Báo cáo của huyện Xuân Lộc cũng là tình hình chung ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Nhiều tuyến đường do tỉnh quản lý cũng đang trong tình trạng thiếu vốn, nên vẫn còn một số tuyến hư hỏng chưa kịp sửa chữa, làm người dân đi lại thiếu an toàn. Báo cáo của Sở Giao thông - vận tải cho thấy, vốn duy tu sửa chữa lớn hàng năm được cấp chỉ đạt dưới 30% nhu cầu; vốn duy tu sửa chữa thường xuyên hàng năm chỉ đạt dưới 40% nhu cầu. Trong khi đó, các tuyến đường, như: Xuân Bắc - Thanh Sơn, đường liên huyện Long Khánh - Xuân Lộc... đang hư hỏng nặng, rất cần kinh phí sửa chữa trong năm tới.
* Làm gì để đường an toàn hơn?
Trong đợt giám sát của HĐND tỉnh về việc sử dụng kinh phí sự nghiệp giao thông năm 2013 vừa qua, Phó trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Võ Thị Kim Liên cho biết, qua đi thực tế ở các tuyến đường cho thấy, một số nơi ở huyện Xuân Lộc vận dụng tốt xã hội hóa giao thông trong duy tu sửa chữa đường nông thôn. Như ở các tuyến đường xã quản lý, các hộ dân ven đường được vận động sẵn sàng phát quang cây cỏ, kịp thời đắp vá “ổ gà” để gia đình và người dân đi lại an toàn. Trong khi chờ có kinh phí để sửa chữa, cách làm này sẽ góp phần nào bảo đảm an toàn cho mọi người.
Làm việc với UBND các huyện, đoàn giám sát cũng đề nghị địa phương chỉ đạo chính quyền cơ sở tăng cường công tác duy tu, sửa chữa các con đường thuộc cấp mình quản lý, nếu chậm trễ thì “ổ gà” sẽ thành “ổ voi” trên đường. Như ở cầu Suối Tiên, ấp 8, xã Bình Sơn (huyện Long Thành) có 2 lỗ xói nước ngay đầu cầu. Các lỗ này mới đầu rất nhỏ, nhưng do chậm được sửa chữa nên ngày càng mở rộng thành “hố tử thần”, có thể lọt cả một xe máy xuống.
Có ý kiến cho rằng, ngành giao thông cần mở rộng chế độ khoán duy tu sửa chữa. Khi đó, các hư hỏng nhỏ trên mặt đường sẽ được phát hiện sớm, đơn vị được khoán có ngay kinh phí để sửa chữa để không bị tình trạng “ổ gà” để lâu thành “ổ voi”. Nhưng theo Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Lê Quang Bình, chỉ các con đường mới hoàn thành mới có thể áp dụng hình thức khoán như vậy. Đối với các con đường hư hỏng trung bình đến nặng, việc khoán sửa chữa sẽ không thực hiện được. Do vậy, chủ trương của sở là tập trung vốn để “đánh ổ gà”, tức là tập trung sửa chữa các tuyến đường có nhiều hư hỏng nhỏ trên mặt đường, bảo đảm cho người dân đi lại an toàn.
Trong tình hình kinh phí khó khăn như hiện nay, kinh phí dành cho việc duy tu, sửa chữa đường sá vẫn sẽ còn được cấp thiếu so với nhu cầu hàng năm. Do vậy, giải pháp căn cơ là phải có biện pháp triệt để xử lý xe quá tải, vì đây là nguyên nhân chính khiến đường sá mau xuống cấp.
Ở các tuyến đường huyện, xã luôn có tải trọng thấp, nên chăng chỉ cho phép xe tải ben loại nhỏ lưu thông. Dù ở các tuyến đường có biển báo tải trọng, nhưng đối với các tài xế, có lẽ cần quy định cụ thể hơn mới mong họ chấp hành. Ở huyện Xuân Lộc đã từng xảy ra trường hợp một xe tải chở đến 35 tấn xi măng, nhưng tài xế vẫn cố chạy qua cây cầu có biển báo 15 tấn và làm sập cây cầu này. Ở huyện Long Thành, hương lộ 21 có tải trọng thấp, nhưng hiện từng đoàn xe tải ben lớn chở đất vẫn lưu thông phá nát con đường.
Thanh Toàn