Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt: Dấu ấn đổi mới của Báo Đồng Nai

10:06, 13/06/2016

40 năm  hoạt động, kể từ số báo Xuân đầu tiên 1976, Báo Đồng Nai có 5 đời tổng biên tập (các ông: Lê Tư Huyền, Lê Tân, Nguyễn Nam Ngữ, Nguyễn Thiện Nhựt và đương nhiệm là Trần Huy Thanh). Người "trị vì" lâu nhất ở Báo Đồng Nai chính là Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt (mọi người thường gọi là Bảy Nhựt) với 19 năm có lẻ, từ 1987-2006.

40 năm  hoạt động, kể từ số báo Xuân đầu tiên 1976, Báo Đồng Nai có 5 đời tổng biên tập (các ông: Lê Tư Huyền, Lê Tân, Nguyễn Nam Ngữ, Nguyễn Thiện Nhựt và đương nhiệm là Trần Huy Thanh). Người “trị vì” lâu nhất ở Báo Đồng Nai chính là Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt (mọi người thường gọi là Bảy Nhựt) với 19 năm có lẻ, từ 1987-2006. Anh Bảy Nhựt là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam từ trong chiến khu và về Báo Đồng Nai thời mới thành lập.

Hồi tôi vào Báo Đồng Nai (năm 1977) thì anh Bảy Nhựt đang là Thư ký tòa soạn. Trước đó nghe đâu anh là Tổ trưởng Tổ nông nghiệp. Rồi anh lên làm Phó tổng biên tập năm 1984, khi ấy Báo Đồng Nai đã chia quân số chi viện cho Báo Vũng Tàu - Côn Đảo mới thành lập (tách ra từ Đồng Nai với các huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, TP.Vũng Tàu và có thêm huyện mới sáp nhập là Côn Đảo. Anh Đoàn Ngọc Giao, Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai làm trưởng nhóm chi viện để lập Báo Vũng Tàu - Côn Đảo. Nhà báo Lê Thiện (chú Út Thiện) từ Đài Tiếng nói Việt Nam về làm Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai, sau đó qua làm Phó giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai.

Có lẽ người thấy được trình độ và phẩm chất đạo đức của vị tổng biên tập tương lai của Báo Đồng Nai chính là Tổng biên tập Lê Tân. Ngay khi còn là Tổng biên tập Báo Đồng Nai, ông Lê Tân đã chăm chút, ủng hộ nhà báo Bảy Nhựt và sau này dù chuyển về Thanh Hóa thì ông vẫn dành cho anh Bảy Nhựt sự quan tâm đặc biệt. Không phụ lòng vị tổng biên tập đáng kính trọng ấy, anh Bảy Nhựt khi lên Tổng biên tập cũng đã làm được nhiều đáng kính nể cho việc định dạng thương hiệu tờ báo.

Nếu như Tổng biên tập Lê Tân gây dấu ấn bằng việc phát hiện và tổ chức tuyên truyền nhân rộng các điển hình nhân tố mới trong cuộc sống, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực của thời kỳ còn nặng nề bao cấp, thì chính Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt đã mở đường cho Báo Đồng Nai tiếp cận cái mới ngay khi công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu (năm 1986), tiếp tục ủng hộ cái mới nảy sinh và kiên quyết chống những tiêu cực tồn tại trong đời sống xã hội. Ở anh Bảy Nhựt không có sự lên gân cốt hay hô khẩu hiệu mà thể hiện chính bằng hành động. Thời anh Bảy Nhựt làm Tổng biên tập, Báo Đồng Nai có thể nói là “đánh” tiêu cực nhiều nhất  và “đụng chạm” nhiều nhất, anh đã chỉ đạo và ủng hộ phóng viên viết những loạt bài điều tra tiêu cực, trong đó có những đơn vị được “che chắn” rất kỹ.

Nguyên Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt cùng cán bộ, phóng viên Báo Đồng Nai tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập.
Nguyên Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt cùng cán bộ, phóng viên Báo Đồng Nai tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập.

Chẳng có ai đỡ đầu, chẳng “gốc to, gốc nhỏ”, thế nhưng dưới thời anh Bảy Nhựt anh em làm Báo Đồng Nai tâm thế hừng hực, uy tín tờ báo ngày càng lan rộng không chỉ trong tỉnh. Từ việc 2 số/tuần, báo cải tiến có số chuyên đề an ninh trật tự (Đồng Nai màu tím) với những vấn đề liên quan đến pháp luật được làm kỹ hơn; rồi tờ Đồng Nai cuối tuần do báo chịu trách nhiệm về nội dung và tư nhân phát hành. Có thể nói, đây là bước đi khá táo bạo và mới mẻ trong làng báo phía Nam lúc bấy giờ, và là tờ báo tỉnh đi đầu trong cơ chế này, được bạn đọc đón nhận. Đã có thời kỳ Báo Đồng Nai tím phát hành lên tới 30 ngàn bản/kỳ và Đồng Nai cuối tuần không bao giờ ế ẩm.

Có thể nói, từ thời Tổng biên tập Lê Tân đến Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt là hai thời kỳ làm báo có nhiều khó khăn nhưng lại để nhiều dấu ấn đặc biệt cho Báo Đồng Nai. Đội ngũ làm báo đa phần là “người mới” sau 30-4-1975. Thế nhưng ở các vị lãnh đạo này không có sự nặng nề về lý lịch cá nhân. Họ luôn nêu cao tinh thần sống chân thành, giản dị, liêm khiết và hướng ra đời sống thực tế. Vì vậy đã tập hợp được đội ngũ làm báo sống trung thực, biết suy nghĩ, lắng nghe từ cơ sở, từ cuộc sống, không thỏa hiệp với cái tiêu cực, cái ác. Chính những vụ Báo Đồng Nai tấn công vào tiêu cực từ các công ty, xuống các nông lâm trường, hợp tác xã… đã làm bạn đọc tin yêu hơn vào tờ báo. Phóng viên viết phản ánh, điều tra tiêu cực luôn được Ban biên tập “chống lưng” mà trong đó anh Bảy Nhựt biểu hiện thái độ kiên quyết nhất, đúng mực nhất và không ít vụ cũng làm anh phải đối đầu rất căng thẳng, mất ăn mất ngủ.

Còn nhớ thời kỳ mới mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Đồng Nai đón tiếp nhiều đoàn khách từ Trung ương và các tỉnh, thành đến học hỏi kinh nghiệm về xây dựng các khu công nghiệp, thu hút vốn FDI. Tôi theo dõi lĩnh vực này nên thường xuyên tham dự các cuộc đến thăm của các đoàn đến các doanh nghiệp FDI, có viết sổ tay ghi nhận phàn nàn từ các doanh nghiệp, các khu công nghiệp đối với thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu liên quan đến Hải quan Đồng Nai gây khó khăn, trì trệ cho doanh nghiệp. Chỉ là lược ghi vài ý kiến điển hình trong số hàng chục lời phàn nàn nhưng tôi đã bị lãnh đạo ngành hải quan lúc đó khiếu nại lên tới lãnh đạo tỉnh. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lúc bấy giờ là đồng chí Trần Đình Thành đã tổ chức cuộc gặp giữa Báo Đồng Nai và lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Nai để làm rõ. Tôi tưởng sẽ phải đi đối chất một mình trong vụ này nhưng không ngờ đích thân Tổng biên tập Bảy Nhựt và Phó tổng biên tập kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Mai Sông Bé đã cùng với Trưởng ban tuyên truyền kinh tế của báo đi với tôi sang Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để giải trình và tranh luận với lãnh đạo hải quan. Vụ việc này kéo dài khá căng thẳng, lãnh đạo hải quan đã có bước thăm dò để đưa vụ việc này ra tòa. Nhờ có Tổng biên tập Bảy Nhựt bày tỏ thái độ rõ ràng, kiên quyết bảo vệ bài viết của tôi nên vụ việc này cũng được ngành Hải quan tiếp thu rút kinh nghiệm. Có thể nói, điều đó thật vững tâm và khích lệ tinh thần rất nhiều cho những phóng viên khi viết về tiêu cực vì đã có được người tổng biên tập tử tế, bản lĩnh.

Hơn 30 năm cống hiến cho Báo Đồng Nai, lớp nhà báo trẻ sau 30-4, như: Bùi Thuận, Xuân Phú, Xuân Trinh, Huy Thanh, Minh Châu, Thúy Liễu, Xuân Lập, Hữu Thạnh… và sau này là Hồ Giáo, Thu Trân, Bùi Quang Huy, Tôn Hoàn, Thu Trang, Sử Hoàn, Minh Nguyệt, Đình Dũng, Phương Liễu, Hồ Chừng, Kim Tuấn… có quyền tự hào về một nhà báo, tổng biên tập có khí chất, đạo đức, bản lĩnh. Điều này  còn được anh thể hiện  trong cách ứng xử với mọi người trong cơ quan, không phân biệt vùng miền, nam, nữ; cấp trên, cấp dưới. Anh như người anh cả trong một gia đình với đàn em hơn 40 người, có người hiền lành, chăm chỉ, có người ngang tàng khí phách, cũng có đứa em hỗn hào, điêu ngoa, cơ hội… Tuy nhiên, khi mỗi sự việc qua đi, anh lại tận tình hướng mọi người vào mục tiêu chính là giữ vững số lượng phát hành bằng sự cải tiến trong tuyên truyền, bớt hô hào khẩu hiệu hay ăn theo nói leo. Anh luôn khuyến khích sự sáng tạo, tận tâm cống hiến cho nghề, cho tờ báo mà không hề định kiến. Ngoài bản lĩnh nghề nghiệp của một tổng biên tập, anh còn làm cho những người đồng cấp khác phải nể vì sự giản dị, không vun vén cá nhân, không tranh thủ tận dụng thời cơ làm lãnh đạo để trục lợi cho cá nhân.

Tổng biên tập Báo Đồng Nai Nguyễn Thiện Nhựt trao học bổng cho học sinh năm 2011.
Tổng biên tập Báo Đồng Nai Nguyễn Thiện Nhựt trao học bổng cho học sinh năm 2011.

Dĩ nhiên ở mỗi người, nhất là lãnh đạo, cá tính riêng và những quyết định trong quá trình phát triển bao giờ cũng có những điểm gấp khúc. Điều đó đôi khi tạo nên dư luận hay tác động tới niềm tin của cấp dưới trong cái nhìn đối với lãnh đạo. Thế nhưng nếu lấy những quy chuẩn đạo đức và năng lực nghề nghiệp thì thời Tổng biên tập Bảy Nhựt mang nhiều yếu tố nổi trội. Bởi chính trong cuộc đời anh gần như cống hiến hết cho sự nghiệp làm báo và xây dựng tờ báo, đội ngũ làm báo ở Báo Đồng Nai. Khi anh về nghỉ hưu, nhiều người nhớ thương anh, nhớ anh vì những gì anh đã sống, đã trải lòng với nghề, với người, không chỉ cho Báo Đồng Nai mà dấu ấn ấy còn vang xa ra cả làng báo trong khu vực.

Kim Loan

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều