Cả đời ông gắn bó với nghiệp báo, ngay cả những ngày cuối đời, ông vẫn còn đọc báo, vẫn còn nói chuyện thời sự. Cả đời ông gắn với nhân dân, sống chan hòa trong lòng nhân dân, đau nỗi đau của người dân...
Cả đời ông gắn bó với nghiệp báo, ngay cả những ngày cuối đời, ông vẫn còn đọc báo, vẫn còn nói chuyện thời sự. Cả đời ông gắn với nhân dân, sống chan hòa trong lòng nhân dân, đau nỗi đau của người dân...
Nhà báo Lê Thiện (phải) và nhà báo Võ Thế Đại. |
Nhà báo Lê Thiện (1928-2011) tên thật là Phan Ngọc Ẩn, tham gia cách mạng từ tuổi thanh niên và bắt đầu làm báo thuở còn học sinh tại chính mảnh đất ông cất tiếng khóc chào đời: làng Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Thế hệ báo chí Đồng Nai trưởng thành từ sau ngày thống nhất đất nước vẫn thường gọi ông bằng cái tên thân mật: chú Út, chú Út Thiện.
Viết nhiều thể loại, làm báo ở nhiều cương vị
Những bài báo đầu tiên ông viết thời còn tuổi học trò là những tác phẩm kêu gọi lòng yêu nước. Bấy giờ, ông tập hợp những người bạn say mê làm báo để cho ra đời các tờ báo dưới hình thức viết tay phổ biến trong nhà trường do người Pháp quản lý. Năm 20 tuổi, ông đã là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban hành chính kháng chiến xã Phú An. Trong thời gian này, ông cùng đồng chí cho ra tờ báo Bạn trẻ để hô hào đồng bào ủng hộ công cuộc kháng chiến cứu nước. Từ tiếng vang của tờ Bạn trẻ, ông được cấp trên điều về Ban Tuyên truyền quận Bến Cát, rồi sau đó về Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thủ Dầu Một. Lúc này, ông được giao nhiệm vụ viết tin bài cho Báo Giải phóng. Khi Báo Cứu quốc của Mặt trận giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một ra đời, ông được giao làm Thư ký tòa soạn.
Năm 1957, ông được cử qua Phnôm Pênh làm Báo Sống chung rồi Báo Trung lập (do Ban Tuyên huấn Xứ ủy chỉ đạo thực hiện). Trở về R, ông được cử đến công tác ở các cơ quan như Thông tấn xã Giải phóng, Báo Tiền phong. Giai đoạn này, có lúc ông còn được giao phụ trách báo Văn nghệ giải phóng (thay cho nhà văn Lý Văn Sâm) hoặc tờ Nhân dân miền Nam. Sau đó, ông được chuyển sang công tác tại Đài Phát thanh Giải Phóng.
Đất nước thống nhất, ông kinh qua các chức vụ: Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh, Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai, Phó giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai. Đến năm 1993, ông nghỉ hưu theo chế độ nhưng vẫn tiếp tục làm báo: biên tập Báo Lao động Đồng Nai, đứng các chuyên mục cố định của Báo Đồng Nai…
Trong cuộc đời hoạt động báo chí của mình, ông đã tham gia viết khá nhiều thể loại (từ mảng thông tấn đến mảng chính luận, tiểu phẩm), viết khá nhiều đề tài (từ các vấn đề chính trị, kinh tế đến các lĩnh vực văn hóa), đã tham gia làm báo trong các cương vị phóng viên, biên tập viên, nhà quản lý, nhà nghiên cứu báo chí.
Người thầy trong nghề
Những người làm báo ở Đồng Nai gần 40 năm qua còn biết đến ông như một người thầy trong nghề. Ông không dạy về nghề báo như một thầy giáo đứng lớp trong khuôn khổ trường quy mà chỉ bảo anh em phóng viên từ cách dùng từ, xử lý kết cấu tác phẩm, khai thác văn phong phù hợp cho từng bài viết cụ thể đến chuyện ứng xử trong quan hệ công tác, đạo đức người làm báo bất cứ lúc nào, nơi nào có thể ngay trong các hoạt động nghiệp vụ. Những nội dung chỉ dạy ấy thường thông qua những buổi trò chuyện chân tình, những lần phê bình góp ý, những cuộc họp và có lúc qua những cuộc trà dư tửu luận.
... Với xã hội, tôi luôn tâm niệm câu nói của Lão Tử: “Mặc mặc vô hạn thần tiên tùng tử đắc”. Dùng người thì phải tin người, dù có bị phản trắc cũng chịu. Chấp nhận thiệt thòi về phần mình, để phần hơn cho bạn bè, anh em, nhân viên dưới quyền và rất vui khi thấy anh em sống khá giả hơn. Không giận hờn, ghim dấm ai để cho tâm hồn thư thả. Chấp nhận cái mình có được, không so bì tị nạnh, chạy đua theo vật chất tầm thường. Không vin vào quá khứ mà luôn nghĩ tới tương lai để tránh công thần, bức xúc, tâm tư, không thoải mái với điều kiện hiện tại trong môi trường sống thực tế đang diễn ra một cách bất bình thường. (Trích di chúc của nhà báo Lê Thiện) |
Văn phong ông giản dị như chính tâm hồn ông. Ông viết hàng ngàn tác phẩm báo in, nhưng tư liệu lưu giữ lại hiện không nhiều. Đọc các tác phẩm ông viết qua nhiều giai đoạn, có thể thấy ở ông một vốn kiến thức sâu rộng. Ông biết tiếng Pháp, văn minh phương Tây và cũng hiểu sâu sắc về văn hóa, văn học phương Đông. Ông tài hoa trong xử lý chi tiết và độc đáo trong phong cách ngôn ngữ, đặc biệt là lời ăn tiếng nói của người bình dân Nam bộ. Ông viết bình luận sắc sảo và viết tiểu phẩm dí dỏm. Từ năm 1998 đến năm 2011, ông đảm nhiệm mục Tào lao cuối tuần cho Báo Đồng Nai và mục Phiếm luận cho Báo Lao động Đồng Nai dưới bút danh Út Trà Huế, Tiểu Yến. Đọc lại hơn 500 tiểu phẩm ông viết trong giai đoạn này, có thể cảm nhận được bức tranh sinh động của một thời cả nước đi vào công cuộc đổi mới toàn diện bởi những tác phẩm ấy bám sát dòng chảy thời sự, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của các báo. Về hình thức, đặc biệt là phong cách ngôn ngữ, cách xây dựng kết cấu tác phẩm, những tác phẩm ấy cũng là những bài học nghiệp vụ quý cho các nhà báo hiện nay.
Cả đời ông gắn bó với nghiệp báo, ngay cả những ngày cuối đời ông vẫn còn đọc báo, vẫn còn nói chuyện thời sự. Cả đời ông gắn với nhân dân, sống chan hòa trong lòng nhân dân, đau nỗi đau của người dân. Năm 1986, khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, ông cũng là nhà báo tích cực tham gia và hướng dẫn các phóng viên trẻ cùng tham gia công tác chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trên báo chí. Ông luôn luôn tìm tòi cái mới, suy nghĩ không mệt mỏi về những vấn đề quản lý. Còn nhớ, những năm đầu đổi mới, ông đã nghiên cứu tổng kết và viết một bản kiến nghị về tình hình đất nước với một đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng để góp ý với Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo; sau đó, ông nhận được thư cảm ơn của chính đồng chí này và nội dung khẳng định những suy nghĩ đề xuất của ông là đúng đắn và sáng tạo.
Phan Tú