Báo Đồng Nai điện tử
En

Một nghề giản dị

10:06, 15/06/2016

Khi vừa tốt nghiệp đại học năm 2006, tôi về làm việc tại Báo Đồng Nai, đơn giản là nộp hồ sơ xin về làm việc, không cần phải "quen biết" hay "có mối quan hệ" gì với ai. Và sau này, những đồng nghiệp làm chung với tôi tại Báo Đồng Nai cũng thế.

Khi vừa tốt nghiệp đại học năm 2006, tôi về làm việc tại Báo Đồng Nai, đơn giản là nộp hồ sơ xin về làm việc, không cần phải “quen biết” hay “có mối quan hệ” gì với ai. Và sau này, những đồng nghiệp làm chung với tôi tại Báo Đồng Nai cũng thế.

Đó là một điều chúng tôi trân trọng: sự vô tư ngay từ ban đầu khi đến với nghề. Tôi được nhận việc, được học hỏi, đào tạo, được dẫn dắt và dần trưởng thành hơn trong nghề một cách giản dị không kém.

Chuyên nghiệp hơn mỗi ngày

Làm báo tại một địa bàn phát triển nóng về kinh tế với tốc độ đô thị hóa nhanh, đầu tư nước ngoài nhiều, số lượng người dân nhập cư và công nhân ngoại tỉnh làm việc tăng mạnh theo từng năm… kéo theo những vấn đề về xã hội, con người, pháp luật… Chúng tôi bị cuốn theo thông tin mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu thời sự cho cả báo giấy lẫn báo online và dần xây dựng được cho mình phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn mỗi ngày. Khi tôi về báo, những đàn anh, đàn chị đi trước đã tạo cho chúng tôi một lề lối làm việc nhanh, hiệu quả, không ngại khó, ngại khổ. Từ những người lớn như cựu Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt đến Tổng biên tập Trần Huy Thanh, Phó tổng biên tập Lã Xuân Phú, chị Kim Loan, anh Kim Tuấn, anh Phong Vũ (đã mất), chị Hương Giang, anh Khắc Giới… đối với tôi đều có những ảnh hưởng nhất định trong nghề nghiệp.

Tôi học được những bài học từ những tranh luận nảy lửa về thông tin, cách tác nghiệp, cách xử lý số liệu, cách xác tín thông tin…, từ những bài viết bị biên tập đỏ trang giấy, từ những bài báo cho tôi cảm giác ấm áp khi được đăng tải, những giải thưởng nghề nghiệp, những con người tôi may mắn được tiếp xúc trong nghề, và cả từ những thông tin mãi mãi không bao giờ xuất hiện trên mặt báo…

Vào nghề được 6 năm thì tôi có một chút thay đổi trong vị trí công việc. Tuy nhiên về cơ bản, tôi vẫn làm báo, và vẫn không từ bỏ việc viết lách hàng ngày. Mỗi bài viết cho tôi cơ hội gặp gỡ những con người với nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi cũng học được nhiều từ họ: cách họ vượt qua những khó khăn của cuộc sống, cách họ cống hiến cho đam mê công việc, cách họ ứng xử với cuộc đời, cách họ nhìn nhận những điều tốt và không tốt của cuộc sống… Với tôi, thông tin nào rồi cũng qua, thông tin lúc “nóng”, lúc “nguội”, nhưng những ấn tượng và bài học về con người mà nghề báo mang lại cho tôi những cơ hội tiếp xúc là vô giá. Qua đó, chúng tôi học được cách tự tin hơn trong nghề nghiệp, cứng cỏi hơn với những khó khăn của đời sống và biết trân quý những niềm vui giản dị hàng ngày.

Mỗi thế hệ làm báo đều có những đặc điểm riêng, thuận lợi và khó khăn riêng. Ngay tại Báo Đồng Nai, những anh chị lớp trước của chúng tôi từng đối mặt với những khó khăn về đời sống trong những năm trước đổi mới, với những thiếu thốn về phương tiện làm việc, nguồn tư liệu hạn chế… thì ở thế hệ chúng tôi, sự cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng trong một môi trường báo chí mới mẻ cũng là một thử thách lớn. Thông tin cũ đi nhanh chóng, sự kiện diễn ra liên tục và công nghệ mang lại những thay đổi to lớn về cách làm báo, cách đăng tải và xử lý thông tin. Chúng tôi thuận lợi hơn về phương tiện làm việc, về máy móc và công nghệ, nhưng cũng đối diện với những cạnh tranh khốc liệt ở thời mà ngay một người dân bình thường với một chiếc smartphone cũng có thể “thổi” lên một làn sóng thông tin to lớn mà nhiều năm trước, ngay cả một bộ máy làm việc chuyên nghiệp của một tòa soạn cũng không làm được nhanh như thế.

Học từ bạn đọc,học từ cuộc sống           

Rất nhiều lần, trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống hay công việc, tôi tự hỏi vì sao mình chọn nghề này? Vì sự ngây thơ của tuổi 18 với những định hướng chưa rõ ràng về nghề nghiệp, hay vì những hào nhoáng nhất định mà nghề báo mang lại cho tôi? Cũng có rất nhiều lần, tôi tự hỏi liệu cuộc đời sẽ tốt hơn hay tệ đi sau những bài viết của mình? Và những bài viết, chúng có ích gì cho mỗi bạn đọc, cho cộng đồng mà chúng ta đang sống?

Nhà báo Kim Ngân tham gia giao lưu tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ I (2015-2020) của khối thi đua số 13.
Nhà báo Kim Ngân tham gia giao lưu tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ I (2015-2020) của khối thi đua số 13.

Có lẽ tôi sẽ không bao giờ đủ thông tin để trả lời những câu hỏi đó. Song điều tôi nhận ra sau 10 năm làm báo, là cuộc sống sẽ không tốt hơn hay tệ đi sau những bài viết của chúng tôi, cuộc sống vẫn là chính nó và chúng tôi - những người làm báo - vẫn đang làm một công việc giản dị như hàng ngàn công việc khác, chỉ có điều, chúng tôi cung cấp thông tin. Thông tin là thông tin, không có thông tin xấu hay thông tin tốt, tích cực hay tiêu cực sẽ dựa vào cách mà bạn đọc xử lý thông tin đó. Vì vậy, tôi vẫn tâm niệm rằng, có làm nghề bao năm đi nữa, tôi vẫn sẽ cố gắng truyền tải thông tin một cách khách quan nhất theo đúng suy nghĩ của mình lúc đó. Nghề báo không phải là một nghề “dạy khôn” thiên hạ, trái lại, chúng tôi phải học rất nhiều, học không mệt mỏi từ bạn đọc, từ cuộc sống.

Một điều khác mà tôi cùng  anh chị em đồng nghiệp tại Báo Đồng Nai trân trọng, là chúng tôi luôn được khuyến khích làm việc với tinh thần vô tư và chuyên nghiệp. Sau đúng 10 năm làm việc, cái mà chúng tôi - những phóng viên tại Báo Đồng Nai cảm nhận rõ ràng nhất là tờ báo đã cho chúng tôi sự tự tin, không bận tâm đến tư duy báo lớn, báo nhỏ, báo trung ương hay địa phương. Dù trong bất kỳ hội nghị quan trọng hay môi trường làm việc chuyên nghiệp nào, chúng tôi vẫn tự tin giới thiệu “Tôi đến từ Báo Đồng Nai”.

Kim Ngân

Phó trưởng ban Kinh tế, Báo Đồng Nai

Tin xem nhiều