Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện nghề của tôi

10:06, 15/06/2016

23 năm làm việc ở Báo Đồng Nai, trải qua bao vui buồn nhưng tôi vẫn gắn bó với nghề, với cơ quan. Tôi nghĩ, mọi sự bởi một chữ "nghiệp". Tình yêu với nghề hai mươi mấy năm qua với tôi, dường như chưa bao giờ tắt.

 

23 năm làm việc ở Báo Đồng Nai, trải qua bao vui buồn nhưng tôi vẫn gắn bó với nghề, với cơ quan. Tôi nghĩ, mọi sự bởi một chữ “nghiệp”. Tình yêu với nghề hai mươi mấy năm qua với tôi, dường như chưa bao giờ tắt.

Nghề báo đã … “quàng” vào tôi

Ngay từ nhỏ, tôi vốn mê hội họa. Vì thế, tôi mong khi lớn lên sẽ thi vào ngành mỹ thuật. Song có lẽ “nghề” báo đã “quàng” vào tôi ngay từ khi còn ở tiểu học.

Tác nghiệp tại Hội nghị báo chí khoa học lần thứ 9 tại Hàn Quốc.
Tác nghiệp tại Hội nghị báo chí khoa học lần thứ 9 tại Hàn Quốc.

Với những bài thơ trẻ con, những đoạn tản văn về trường lớp, gia đình, bạn bè… tôi sớm có tên trên báo Công giáo và dân tộc. Lớn chút nữa, tôi viết cho Khăn quàng đỏ, Mực tím… cũng với chỉ những bài ghi chép ngăn ngắn.  Rồi, tôi gặp nhà thơ Trương Nam Hương - bạn cùng lớp với chị gái tôi. Đọc những bài tôi viết trên báo ấy, anh nhà thơ “phán” ngay: “Nhóc có khiếu văn chương, em nên thi vào Khoa Ngữ văn Trường đại học tổng hợp, sau này em có thể viết văn, làm báo”. Theo hướng nghiệp của nhà thơ Trương Nam Hương, tôi quyết định thi vào Khoa Ngữ văn trường này. 

Thập niên 80 của thế kỷ trước, TP.Hồ Chí Minh chưa có trường nào đào tạo ngành báo chí. Và mặc dù không được đào tạo nghề báo, nhưng lớp tôi phần lớn ra trường đều đi làm báo. Tôi về Báo Đồng Nai từ đó đến nay. 23 năm chưa phải là dài đối với một đời người, nhưng có lẽ đã đủ dài đối với một đời nghề.

Đầu quân về Báo Đồng Nai với công việc chính ở Tổ Kỹ thuật thuộc Phòng Tòa soạn, nhưng tôi mê viết. Vì thế, cứ ngày ra báo,  nhân viên Tổ Kỹ thuật nghỉ thì tôi lại đi viết. Thời gian đầu, bồng bột và tham lam, lĩnh vực nào tôi cũng lao vào viết. Cái ngơ ngác của một sinh viên mới ra trường, lại không được đào tạo nghề báo một cách bài bản khác hoàn toàn với thực tế bươn chải của nghề, điều đó làm tôi áp lực nhưng lại rất thú vị khi có bài viết sáng lóng lánh, có bài viết chỉ sau mấy giờ báo phát hành thì bạn đọc đã đến… mắng vốn, dọa cho nhiễm HIV và có bài vẫn mãi chỉ là bản thảo dang dở. Tôi vẫn cứ làm rồi cũng vỡ vạc dần. Sau này chững chạc hơn tôi có điều kiện viết chuyên sâu, những ngớ ngẩn trong nghề cũng thưa đi, vất vả ngấm dần rồi tôi mê luôn nghề báo tự lúc nào.

Nói nghề báo chông gai cũng chưa hẳn, nhưng nhọc nhằn, vất vả thì đúng hơn, nhất là với các nhà báo nữ. Dù đam mê nhưng kỳ thực cuộc sống của nhà báo nữ như tôi có quá nhiều lo toan, đâu chỉ có cơm áo gạo tiền, còn gia đình, sinh đẻ… Những rào cản, bó buộc khiến tôi phải cố gắng nhiều hơn, hy sinh lớn hơn để được sống trọn với nghề.

Bây giờ, ở tuổi gần 50, tôi đã đủ chín chắn trong “đời” và trong “nghề” để cảm nhận hết giá trị của mình. Tôi đã đủ thời gian để thấy hạnh phúc với những năm tháng sống và gắn bó với nghề báo cao quý này.

Đi và trải nghiệm…

Tôi là một nhà báo đi nhiều và được đi cũng nhiều. Những chuyến đi của nghề báo cũng có khi là đi “làm” kết hợp với du lịch thú vị, cũng có khi là hành trình đầy trăn trở, nặng nỗi niềm, có chuyến đi trở thành kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời. “Gia sản” đời nghề của tôi cũng tích lũy dày lên từ những chuyến đi ấy…

Nhà báo Phương Liễu cùng các đồng nghiệp tác nghiệp tại biên giới  Việt  Nam - Campuchia trong chuyến điều tra về buôn lậu khỉ đuôi dài.
Nhà báo Phương Liễu cùng các đồng nghiệp tác nghiệp tại biên giới Việt Nam - Campuchia trong chuyến điều tra về buôn lậu khỉ đuôi dài.

Nhiều nữ đồng nghiệp tâm sự, có gia đình, con cái rồi họ thích chọn sự an toàn và bình yên. Nhưng với tôi, những chuyến đi, đề tài như những khoảnh khắc quý giá của cuộc sống, của công việc mà mình theo đuổi. Và cứ thế, những chuyến đi đời nghề đã giúp tôi trải nghiệm rất nhiều trong cuộc sống.

Năm 2000, từ thông tin của một cán bộ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở huyện Xuân Lộc về một lớp học tình thường ở sâu trong đồi Bằng Lăng (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc), tôi đã lội suối băng rừng đến một vùng đất bị bỏ quên sâu trong căn cứ rừng lá. Nơi đây hàng trăm hộ dân sống với nhiều cái “không”: không điện, đường, trường, tạm, không hộ khẩu, chứng minh; trẻ em không có giấy khai sinh, không được đi học… Từ bài viết của tôi, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Và sau đó, cư dân đồi Bằng Lăng, đặc biệt là trẻ em đã được “bước ra ánh sáng”…

Trong đời nghề của mình, thời gian phụ trách lĩnh vực môi trường là thời kỳ tôi đi sung sức nhất. Một lần tôi được cùng với các nhà báo của Tiền Phong, Pháp Luật, Nhân Dân, Tuổi Trẻ, Thanh Tra… làm một chuyến xuyên Việt, qua Lào và Campuchia để điều tra về đường dây buôn lậu khỉ đuôi dài. Gần nửa tháng lăn lộn ở biên giới cửa khẩu Kà-tum (Tây Ninh), cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) đầy nguy hiểm; gặp gỡ hàng chục quan chức; đối mặt với những tay buôn lậu động vật hoang dã khét tiếng; xử lý hàng đống thông tin… cuối cùng, đường dây buôn lậu khỉ đuôi dài có sự “đỡ đầu” của Cơ quan Cites Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) đã bị vén màn bí mật. Chuyến đi này đã cho tôi một giải A trong Giải báo chí toàn quốc viết về môi trường năm 2007 và tác phẩm này cũng nhận được giải nhì Giải Ngòi viết vàng Đồng Nai năm ấy.

Gần đây, tôi may mắn được là 1 trong 8 nhà báo Việt Nam trúng tuyển Khóa đào tạo báo chí khoa học quốc tế tại châu Á do Liên đoàn Báo chí khoa học thế giới (WFSJ) tổ chức và được đi một số nước. Đó là những chuyến đi đầy thú vị và học hỏi được rất nhiều điều. Đến Indonesia - một quốc gia bị tổn thương nặng nề bởi biến đổi khí hậu, tôi biết được cách thích ứng và tận dụng những cơ hội do biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế. Đến Nhật Bản tôi biết được những đồng nghiệp của mình tác nghiệp thế nào trong trận động đất “3 trong 1” động đất - sóng thần - sự cố lò phản ứng hạt nhân vào tháng 3-2011 tại Fukujima. Đặc biệt, tại Hội nghị các nhà báo khoa học lần thứ 9 tại Hàn Quốc vào tháng 9-2015, tôi đã có cơ hội học hỏi kinh nghiệm làm báo, cách nhìn, cách phản biện thông tin để bài báo đi đến tận cùng sự việc từ những đồng nghiệp quốc tế…

Nhà báo Phương Liễu tham gia chương trình đào tạo báo chí khoa học quốc tế.
Nhà báo Phương Liễu tham gia chương trình đào tạo báo chí khoa học quốc tế.

Với tôi, nghề báo là một nghề đặc biệt. Nó không đơn giản chỉ là một nghề để kiếm sống, mà đấy chính là cuộc sống với đầy đủ cảm xúc… Nhưng dù ở cung bậc nào, tôi thấy vẫn vui. Tôi vui vì nghề cho tôi những trải nghiệm bản thân; tôi vui vì tên tuổi được bạn đọc nhớ đến; tôi vui vì mỗi bài viết, mỗi sự kiện, mỗi lần gặp gỡ, mỗi chuyến đi lại là mỗi lần mới mẻ. Tôi vui vì trái tim tôi còn trăn trở với những số phận mà mình đã gặp… Và sau 23 năm làm báo, tôi đã “sưu tầm” được một “gia tài” kha khá với 64 giải thưởng báo chí trung ương và địa phương; 8 bằng khen; 2 lần được nhận giải báo chí Dương Tử Giang...

Phương Liễu

Phóng viên Ban Bạn đọc, Báo Đồng Nai

 

Tin xem nhiều