Trong hơn 30 năm công tác ở Báo Đồng Nai, tôi thường luôn có mặt trong ngày vui của hầu hết bạn bè, đồng nghiệp và cả cộng tác viên; trong số đó, có người tôi "nhậu cưới" đến hai lần như cố Luật sư Hồ Văn Lưu, nhà báo Lưu Đình Triều... Vậy mà có hai cái đám cưới làm tôi cứ nhớ hoài.
Trong hơn 30 năm công tác ở Báo Đồng Nai, tôi thường luôn có mặt trong ngày vui của hầu hết bạn bè, đồng nghiệp và cả cộng tác viên; trong số đó, có người tôi “nhậu cưới” đến hai lần như cố Luật sư Hồ Văn Lưu, nhà báo Lưu Đình Triều... Vậy mà có hai cái đám cưới làm tôi cứ nhớ hoài.
Nhà báo Vũ Phong (thứ 2 từ trái qua) trong lần đi công tác tại quần đảo Trường Sa tháng 4-2008. |
Thứ nhất là đám tuyên hôn của Phan Dẫu và Xuân Thu. Đây là đám cưới đầu tiên ở cơ quan Báo Đồng Nai sau khi mới được thành lập. Hồi đó tuy không có quy định cụ thể, nhưng sau ngày giải phóng, mọi người dân ở Biên Hòa đều ăn mặc thật giản dị; phụ nữ thì đồng loạt bỏ đi những bộ quần áo lòe loẹt hay mút sơ lin mỏng tan thay vào chiếc áo bà ba đen, cạo móng tay cho tróc lớp sơn đỏ; nam thanh niên thì áo bỏ ngoài… “thùng”, đi dép lê, không dám để tóc dài… Trong cơ quan còn “căng” hơn nữa, mặc quần tây phải là loại có xếp li đàng hoàng, không được cầm micrô khi phát biểu hoặc hát, cả ca sĩ lẫn ca… lẻ khi trình diển văn nghệ đều phải đứng thẳng lưng, xuôi tay trước micrô có chân đặt ngay ngắn giữa sân khấu.
Với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn bộ phận và là… Tổ trưởng Thanh niên (lúc đó cơ quan chưa có Chi đoàn thanh niên), tôi nghĩ để cho đám cưới đầu tiên ở cơ quan được long trọng, bèn đưa ra một… sáng kiến “chết người” là tôi và anh Ba Giao (Phó tổng biên tập Đoàn Ngọc Giao) - người phụ trách trực tiếp cơ quan Báo Đồng Nai lúc bấy giờ, khi tham dự đám tuyên hôn sẽ cùng thắt cà vạt. Anh Ba Giao nghe có lý nên đồng ý. Tôi liền nhờ Nguyễn Tâm (sau này về Báo Bà Rịa - Vũng Tàu làm Phó giám đốc Nhà in, chuyển sang công tác Hội Nhà báo...) vốn là sinh viên Văn khoa Sài Gòn cùng vào báo một lượt với tôi, đang làm nhân viên nhà in, được giao phụ trách văn nghệ cho cơ quan chạy gấp ra chợ Biên Hòa - nơi chú của Tâm có tiệm giặt ủi đang tạm thời đóng cửa để mượn 2 chiếc cà vạt. Tôi còn cẩn thận dặn Tâm là chọn 2 cái có màu tối tối một chút.
Sau khi hai người vừa thắt cà vạt được chừng 10 phút, anh Ba Giao mặt mày méo xẹo nói với tôi: “Thôi cởi ra đi em! Hổng ổn rồi! Ông Hân (đồng chí Đặng Minh Hân - Thư ký Tòa soạn và là Bí thư Chi bộ của cơ quan Báo Đồng Nai) ổng cự tao nhoi trời. Ổng nói tao là lãnh đạo mà còn theo đuôi quần chúng, học đòi tác phong tiểu tư sản…”.
Đám cưới thứ hai mà tôi ấn tượng nữa, nó diễn ra đến hai mươi mấy năm sau; không ngờ cũng... “dính líu” đến đám cưới trước. Đó là đám cưới của Phong Vũ và Bảo Quyên (con gái của Phan Dẫu - Xuân Thu). Cùng công tác chung trong Ban Pháp luật - đời sống của Báo Đồng Nai, nên tôi hết sức quan tâm đến ngày vui của đồng nghiệp trẻ này. Trước đó tôi cũng đã nhậu mấy chập với cha của Phong Vũ. Nhưng đến ngày cưới, tôi dính vào một số công việc cấp bách: thi hết môn của lớp cử nhân luật, giao trang… và bất ngờ bị cụp lưng. Do vậy từ sáng sớm mọi người đã lục tục kéo nhau đi hết xuống nhà Phong Vũ ở Bạc Liêu, tôi phải buổi chiều hết giờ làm việc mới thắt đai định vị khớp xương sống ngồi lên chiếc xe ô tô cũ (mà anh em hay gọi đùa là xe… hư, chứ không phải xe hơi) nhờ Đức Bình (nay là Thượng tá Hồ Đức Bình, Phó trưởng phòng PX 15 Công an Đồng Nai) cầm lái chở xuống nhà chú rể. Đây cũng là chuyến xe… bão táp; vì khi chạy trên quốc lộ thì không sao, nhưng từ Bạc Liêu rẽ vào con đường đất nhỏ băng qua một cánh đồng chẳng biết là đưng hay lát gì đó, thì trời sụp tối, nhìn hai bên chẳng thấy gì, chỉ thấy trước mắt là con đường sâu thăm thẳm, chỉ vừa đủ cho chiếc xe hơi chạy với ánh đèn xe yếu ớt. Ngồi trên xe mà cả tôi và Đức Bình cứ thon thót lo là lỡ có một chiếc xe chạy ngược chiều, dù là xe gắn máy thì cũng không biết làm sao mà tránh. Nhưng rất may là mới 7-8 giờ tối mà trên cánh đồng hoang vu này đã vắng lặng, không một bóng người, một ánh đèn nên chúng tôi đã “ nuốt” con đường dài khoảng 20 cây số này trót lọt. Và thở phào bỏ xe trên bờ lung xuống xuồng do người nhà Phong Vũ đón chở qua.
Tận mắt nhìn thấy nơi Phong Vũ mở mắt chào đời và biết được công lao nhọc nhằn của gia đình nông dân xứ đất mặn này phải lo toan gánh vác để cho con trai mình vượt qua 20 năm đèn sách, trở thành một phóng viên; tôi mới biết rõ hơn vì sao nhà báo trẻ Đặng Vũ Phong lúc nào cũng hùng hục lao vào công việc. Ai bước chân vào nghề báo cũng đều cho rằng mình yêu thích, đam mê. Phong Vũ không hề nói với tôi như vậy; nhưng chàng phóng viên trẻ này “cày” trên trang giấy rồi sau đó là trên máy tính còn hơn cả một lực điền thứ thiệt. Cũng đã có những phóng viên khi được giao đề tài phức tạp, thấy… “khó ăn” thường tìm cách từ chối một cách hợp lệ; nhưng Phong Vũ chưa bao giờ tránh né mà luôn sẵn sàng nhận với một tâm thế hăm hở và hoàn thành công việc rất chu đáo. Hình như những vụ việc mới lạ và nhiều rắc rối càng làm cho phóng viên Phong Vũ hứng thú, thích lao vào hơn. Và quả thật có nhiều vụ, Phong Vũ đã lên tiếng, đạt được hiệu quả tích cực. Qua đó, có không ít người ở vùng sâu, vùng xa tìm đến xin được gặp trực tiếp… “ông nhà báo Trường Quân” để gởi gắm cả một xấp hồ sơ dày cộp. Bạn bè, đồng nghiệp lại thấy chàng trai này hì hục nghiên cứu hồ sơ, lặn lội xuống cơ sở.
Tôi còn nhớ: Lần đưa phóng viên Lã Xuân Phú (nay là Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai) đi cơ sở chuyến đầu tiên là ngồi xe than xuống Bà Rịa; xe chạy cà rịch cà tang đến “Pa ri” ( Bà Rịa, nhưng nói cho sang) là đã gần 11 giờ trưa. Xuống bến xe thì gặp ngay quán thịt chó của ông bạn cộng tác viên Hồng Lam vừa mới mở. Thời đó, làm báo chứ đói thê thảm lắm, cả tháng trời không nhìn thấy hột gạo. Ông Xuân Phú đụng trận nhậu mở màn đã nằm luôn tại chỗ. Chuyến đi công tác đầu tiên bị… trắng tay. Còn Phong Vũ có khá hơn. Chuyến đi đầu tiên là xuống địa bàn huyện Định Quán, có tôi và một số anh em trong Ban Pháp luật - Đời sống được xe cơ quan đưa đi. Kỳ này khôn hơn, vừa đến nơi ai cũng lo khai thác tư liệu rồi sau đó mới… “giao ly” với “đội chủ nhà” là Công an huyện. Phong Vũ cho biết là mình không quen uống rượu, nhưng bị ép quá thấy không thể để mất mặt.. “ban pháp luật” cũng bèn dzô! dzô. Mới mấy ly Phong Vũ đã mò ra xe nằm, mặc cho anh em chở đi tăng 2, tăng 3... Về đến Biên Hòa, Phong Vũ lồm cồm xuống xe vẫn chưa tỉnh rượu. Vậy mà sau đó, bài vở vẫn đầy đủ theo kế hoạch.
Đồng Nai là địa bàn công tác còn rất mới với nhà báo gốc Bạc Liêu, nên Vũ Phong rất thích đi cơ sở và làm quen với cán bộ, dân địa phương. Đặc biệt, chàng phóng viên trẻ này rất phấn khởi với những chuyến đi xa. Trong một lần cùng Phạm Mai (nay là Trưởng ban Pháp luật - đời sống Báo Đồng Nai) cùng với gia đình tôi xuống Tiền Giang kết hợp vừa công tác vừa tham quan du lịch vùng sông nước miền Tây, “đụng” trận nhậu thịt chó rất ác liệt, Phong Vũ vẫn chụp được ảnh vợ chồng ông Giám đốc Công an “Việt Minh” đầu tiên tỉnh Biên Hòa; trong đó có ảnh chân dung bà Trương Thị Quyên (vợ đồng chí Ngô Hà Thành; bà vừa qua đời vào cuối tháng 6-2015). Tấm ảnh này của bà Quyên có thể xem là... độc nhất vô nhị ở Đồng Nai, dù bà gốc người Dĩ An, tỉnh Biên Hòa cũ
Ban chi ủy Báo Đồng Nai nhiệm kỳ 2010-2015 ra mắt (nhà báo Vũ Phong ở bìa phải). |
Làm việc cật lực, tránh né chuyện ăn nhậu; Đặng Vũ Phong giành thời gian để nghiên cứu, tự học rất chuyên cần. Phong Vũ đọc khá nhiều sách, tài liệu liên quan đến lĩnh vực pháp luật và nghề nghiệp; trao đổi và đấu tranh thẳng thắn với những hiện tượng tiêu cực trong nghề. Và cũng không ít lần, nhà báo có cái tâm trong sáng này băn khoăn, ray rứt, thậm chí là rất đau khổ khi lên tiếng về một vụ việc trái khoáy với đầy đủ cứ liệu mà bài viết bị gát lại.
Ngoài thú vui đọc sách, Phong Vũ còn thích đi bơi và khiêu vũ. Chuyện vui là tôi và Phong Vũ cùng đi học nhảy ở một thầy; nhưng cả hai nhảy đẹp quá đến mức vô vũ trường đều không dám bước ra sàn nhảy. Một chuyện rất được Phong Vũ ưa thích là đi du lịch. Lần nào thấy tôi đi xa về, Phong Vũ cũng hỏi han và bày tỏ ước muốn được đi chỗ này chỗ nọ; trước mắt là cùng với gia đình đặt chân ra thủ đô Hà Nội và tiếp đó là đến Sapa một lần cho biết... Sau ngày cưới, tôi nói với Phong Vũ là nên nghỉ phép đưa cả nhà ra miền Bắc làm một chuyến du lịch. Nhưng hình như do hoàn cảnh gia đình, Đặng Vũ Phong chưa làm được điều này và sau đó thì đã mãi mãi không thực hiện được ước mơ nữa rồi!
Bùi Thuận