Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà báo Lê Tân: Vị tổng biên tập mà tôi kính trọng

10:06, 13/06/2016

Ông là Tổng biên tập Báo Thanh Hóa chuyển về Báo Đồng Nai sau tôi mấy tháng, khi ấy tôi còn là một nhân viên phòng hành chính - trị sự, hết phụ phát hành thì đi xếp hàng đưa sổ mua nhu yếu phẩm cho cơ quan, rồi đi làm rẫy. Và làm thủ kho được 6 tháng thì tôi được Ban biên tập cho về Tổ Nông nghiệp để tập viết về lĩnh vực này.

Untitled-7.jpg
 

Ông là Tổng biên tập Báo Thanh Hóa chuyển về Báo Đồng Nai sau tôi mấy tháng, khi ấy tôi còn là một nhân viên phòng hành chính - trị sự, hết phụ phát hành thì đi xếp hàng đưa sổ mua nhu yếu phẩm cho cơ quan, rồi đi làm rẫy. Và làm thủ kho được 6 tháng thì tôi được Ban biên tập cho về Tổ Nông nghiệp để tập viết về lĩnh vực này.

Bảo vệ cái đúng, lên án cái sai, tiêu cực

Thời bấy giờ đi làm tin tiến độ sản xuất nông nghiệp đã là vất vả, kế đến là cải tạo nông nghiệp miền Nam nên tôi phải chạy theo sự kiện ở các xã, huyện nông nghiệp trong tỉnh còn vất vả khó khăn hơn gấp nhiều lần. Tôi chỉ có chút vốn liếng tự thân là hồi nhỏ thường đi mua báo về cho cha tôi đọc và được “điểm báo” từ quầy bán báo ở chợ về đến nhà. Thời đó, những thông tin trên báo chí Sài Gòn chủ yếu là chiến sự; đấu tranh của những người yêu nước, sinh viên - học sinh; tiểu thuyết dài kỳ, scadal… Nhưng Ban biên tập đã tin tưởng gợi ý đề tài, được các đàn anh như  Bùi Thuận, Xuân Phú trợ giúp, động viên, tôi đã say mê nghề từ lúc nào chẳng rõ.

Nhà báo Lê Tân. Sinh năm 1922. Quê quán: Hưng Yên. Nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Hóa, Tổng biên tập Báo Đồng Nai. Hiện sống tại tỉnh Thanh Hóa.

Tôi nhớ có lần về Hợp tác xã Đất Mới ở Long Phước, Long Thành viết bài về sản xuất, trong bài có ý tứ về cách giao khoán cho hộ xã viên để tránh nạn “dong công, phóng điểm”, gian dối như đã xảy ra ở miền Bắc. Tổng biên tập Lê Tân đã gọi tôi lên và nói phải về lại Đất Mới viết kỹ hơn về vấn đề khoán này vì đây là cái rất mới. Bài Cái mới ở Đất Mới đã ra đời như vậy dù xét kỹ về năng lực, tôi chưa đủ hiểu biết để có thể có một góc nhìn mang dấu ấn cá nhân cho một vấn đề đòi hỏi tư duy quá tầm “cày đường nhựa” của mình. Nhưng cũng qua những lần như vậy tôi đã có những bài viết nâng tầm, có quan điểm cá nhân trong bài viết về vấn đề cải tạo nông nghiệp gồm cả máy kéo, ngư nghiệp, nghề muối… Những vấn đề về huy động lương thực, cung cấp vật tư nông nghiệp cho sản xuất, khoán sản phẩm đến người lao động...

Lại nhớ có lần tôi viết một sổ tay đụng đến một đơn vị của ngành thủy sản Đồng Nai (ngành này lúc đó rất được coi trọng vì xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước), lãnh đạo Sở đã tức tốc có công văn gởi về báo phản bác lại nội dung thông tin mà tôi đưa ra. Tôi rất lo lắng và sợ bị Ban biên tập kỷ luật. Nhưng trái với băn khoăn của tôi, Tổng biên tập Lê Tân đã gọi hỏi rõ tình hình. Sau khi nghe tôi trình bày những thông tin có được, ông đã viết một công văn trả lời Ban giám đốc Sở Thủy sản và cử Trưởng phòng tuyên truyền Kinh tế - đời sống  lúc bấy giờ là anh Trương Bá Tuấn cùng đi với tôi về Xí nghiệp đánh bắt hải sản (Sở Thủy sản Đồng Nai) có văn phòng tại Bà Rịa để làm rõ vụ việc. Kết quả là với những chứng cứ mà bài viết nêu ra, vị đại diện Ban giám đốc Sở phụ trách Xí nghiệp đánh bắt hải sản đã “giảng hòa” và mời anh em chúng tôi bữa cơm thịnh soạn.

Chẳng riêng tôi mà những phóng viên khác khi viết bài điều tra bị kiện cáo, khiếu nại, Tổng biên tập Lê Tân luôn tỏ thái độ bình tĩnh tìm hiểu đúng, sai thế nào. Khi biết là phóng viên đã viết đúng sự thật, có các bằng chứng, ông không ngại đương đầu với các thế lực bao che khác để bảo vệ phóng viên, bảo vệ uy tín tờ báo và hơn hết là bảo vệ cái đúng, lên án cái sai, tiêu cực. Ông cũng là người chỉ đạo viết và nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong cuộc sống. Chính nhờ ông mà những nhà báo trẻ sinh ra và lớn lên tại miền Nam, chẳng biết nhiều về làm báo cách mạng vừa được làm vừa học và trưởng thành lên từng ngày. Với Tổng biên tập Lê Tân chỉ có sự thật khách quan, vì lợi ích của nhân dân, lợi ích đất nước là tối thượng.

Người thầy truyền lửa

Ông luôn tự nhận mình là người học ít nhưng sự hiểu của ông mới là điều mà chúng tôi nể phục, học cả đời vẫn không hết. Ông truyền đạt cho chúng tôi sự say nghề, yêu cái mới, cái đẹp, cái hay nảy sinh từ cuộc sống. Ông không phải là tuýp tổng biên tập ba hoa, lấy mồm mép hay nịnh nọt cấp trên, răn đe cấp dưới để che lấp sự yếu nghề hay tham vọng bản thân. Cuộc sống riêng của ông và gia đình cũng rất giản dị, khiêm tốn, mẫu mực mà tất thảy mọi người trong cơ quan phải nể trọng. Ông làm Tổng biên tập Báo Đồng Nai khoảng hơn một nhiệm kỳ nhưng đã gầy dựng nên một lớp phóng viên trẻ, nhiệt huyết, dám dấn thân, sống trong sáng, lành mạnh. Có thể nói dấu ấn của ông đã được đội ngũ nhà báo trẻ sau 30-4-1975 tiếp nối ngay cả khi ông đã rời Báo Đồng Nai để trở về Thanh Hóa.

Nhà báo Lê Tân và nhà báo Đoàn Ngọc Giao mừng vui ngày gặp lại.
Nhà báo Lê Tân và nhà báo Đoàn Ngọc Giao mừng vui ngày gặp lại.

Chúng tôi có thể tự hào mà nói rằng mình đã trưởng thành, lớn lên từ cái nôi Báo Đồng Nai. Từ những đàn anh làm cách mạng giải phóng dân tộc, từ chiến khu ra nhưng không định kiến chính trị, nâng đỡ lớp trẻ sống ở đô thị miền Nam như chúng tôi như các anh Đoàn Ngọc Giao, Nguyễn Thiện Nhựt; còn người đã truyền lửa nghề, dạy chúng tôi làm báo với sự nhắc nhở: Lý thuyết màu xám, còn cây đời mãi xanh tươi, và người cầm bút luôn phải nghĩ trước khi viết là viết cho ai, viết vì cái gì, không chạy theo vụ lợi cá nhân, đồng tiền để dễ dàng bị mua chuộc, viết vì lợi ích của cá nhân hay nhóm lợi ích nào. Đó là nhà báo Lê Tân hay chú Hai Tân, người thầy tuyệt vời của chúng tôi.

Kim Loan

 

 

Tin xem nhiều