Với câu thơ: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” trong bài thơ Tây Tiến bất hủ, có lẽ Quang Dũng là người đầu tiên xây dựng thương hiệu cho vùng du lịch sinh thái quá ư là nổi tiếng này. Hơn 60 năm trước, khách quý từ các bản xa hoặc cán bộ Việt Minh, bộ đội Tây Tiến ghé vào chơi nhà, người dân Thái ở bản Lác tiếp đón nồng hậu và gọi là… “khách nhà sàn”.
Với câu thơ: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” trong bài thơ Tây Tiến bất hủ, có lẽ Quang Dũng là người đầu tiên xây dựng thương hiệu cho vùng du lịch sinh thái quá ư là nổi tiếng này. Hơn 60 năm trước, khách quý từ các bản xa hoặc cán bộ Việt Minh, bộ đội Tây Tiến ghé vào chơi nhà, người dân Thái ở bản Lác tiếp đón nồng hậu và gọi là… “khách nhà sàn”. Còn vài năm nay thì cũng tại cái bản Thái này - thuộc thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, bà con dân tộc dùng từ “homestay” một cách khá thuần thục để đón khách đến từ khắp bốn phương trời, mà đông nhất là du khách Âu, Mỹ, Nhật.
Khách du lịch tham gia đêm xòe Thái. |
Hình như khí hậu mát mẻ ở cái thung lũng Mai Châu xinh đẹp này thu hút khách cả bốn mùa. Và cũng khá là lạ, bước vào năm mới, trong khi thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc nơi nào cũng nhớp nháp vì mưa xuân rả rích thì ở Mai Châu lại khô ráo, rạng ngời dù cả cái thung lũng xanh tươi này được bao quanh bởi những dãy núi mù sương. Chẳng hiểu là mưa xuân phương Bắc giăng mắc đến đâu, nhưng khi chúng tôi đến Hòa Bình - được mệnh danh là “cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc” và chạy lên dốc Cun ngoằn ngoèo, hiểm trở, dài đến hơn 15 cây số thì mưa đã biến mất tự lúc nào. Buổi tối trên đèo Thung Nhuổi nhìn xuống thung lũng Mai Châu đẹp lạ lùng với những quầng sáng lung linh, mà tâm điểm rực rỡ nhất là bản Lác.
Xe chúng tôi chạy đến được đầu bản thì đã hơn 7 giờ tối. Được hướng dẫn vào khu đậu xe biệt lập có cổng, rào chắn hẳn hoi, tôi hơi hoảng khi nhìn thấy một dọc xe ca đã đậu sẵn. Vậy là bản Lác đang rất đông khách, không biết là mình có tìm được chỗ ngủ cho đêm nay?
Nhà sàn dành cho khách tại các “house service”. |
Mới đầu năm mà bản Lác đông khách thật, ngoài những đám khách Tây, nghe đâu đã đến bản này “ăn dầm nằm dề” từ trước giao thừa, vừa qua ba ngày Tết lại có thêm mấy trường đại học ở Hà Nội đưa sinh viên đến cắm trại mùa xuân. Sau một hồi mày mò, chúng tôi trở thành “khách nhà sàn”... của “houses service” số 7.
“Nhân viên lễ tân” là một cô gái Thái xinh tươi, duyên dáng trong trang phục dân tộc sau khi báo giá thuê phòng, nhận yêu cầu bữa ăn tối liền vội vã đưa chúng tôi đến chân cầu thang ngôi nhà sàn rồi… biến mất. Phòng ngủ là nhà sàn nhỏ làm bằng gỗ bóng láng, sạch đẹp và rất kín gió, có ban công cũng lát gỗ, nằm đối diện với ngôi nhà sàn lớn dát bằng tre theo kiến trúc truyền thống của bà con dân tộc Thái, rộng mênh mông có sức chứa cho cả trăm người cùng lúc ăn uống, nhảy múa và trải chiếu biến thành giường ngủ tập thể qua đêm.
Sau khi tắm rửa để rũ sạch bụi đường trong dãy nhà tắm xây dựng khang trang có nước nóng hẳn hoi, đám “khách nhà sàn” chúng tôi bước vào dãy bàn đặt dưới sàn ngôi nhà sàn lớn thì thấy mâm cơm cũng vừa được bày ra. Từ lâu, bà con dân tộc Thái ở Mai Châu đã được giới sành điệu ẩm thực biết đến với những món ăn ngon, trong đó nổi tiếng nhất là đặc sản: gà bản luộc, canh cá chép măng chua, thịt nướng, khô trâu gác bếp… đặc biệt là rượu cần, xôi nếp Mai Châu. Tôi đã từng thưởng thức gạo đặc sản Điện Biên, được trồng trên cánh đồng Mường Lò, ngẩn ngơ trước hương vị ngọt bùi thơm của nếp Tú Lệ (Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được xếp vào hàng “đệ nhất ngon” của cả vùng Tây Bắc; giờ ăn xôi nếp Mai Châu ngay tại bản Lác thấy… cũng ngon ngon và chợt nhớ đến câu thơ: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” của Quang Dũng quá chừng. Quả nếp nương trồng ở thung lũng Mai Châu cũng là một thương hiệu “danh bất hư truyền”.
Ngồi nhâm nhi chén trà Thái Nguyên nóng hổi, chúng tôi khá bất ngờ khi biết được nhà nghỉ số 7 là của ông Hà Công Tím, trưởng bản Lác và cũng là một trong những người đầu tiên trong bản Lác hưởng ứng chủ trương làm du lịch kiểu “homestay” theo phong cách: “ngủ nhà sàn, ăn gà bản, uống rượu cần, cùng múa xòe, nhảy sạp”. Vợ ông Tím, tuổi ngoài 50 vẫn còn giữ được nét thanh xuân gái Thái với mái tóc dài đen mượt, làn da trắng cùng nụ cười tươi tắn, khá cởi mở cho biết: “Khởi đầu có một số du khách, Tây có, ta cũng có đến chơi bản thích quá, cứ nấn ná ở lại đòi làm khách nhà sàn. Mãi đến năm 1993, UBND huyện Mai Châu mới xin phép tỉnh và được tỉnh đồng ý cho khách du lịch nghỉ lại qua đêm trong bản. Tiếng lành đồn xa, từ 1,2 nhà sàn được chọn làm thí điểm “homestay”, nay đã có đến 25 nhà sàn trong bản trở thành “houses service” cho… khách nhà sàn!”.
Vạt hoa cải trên đường lên Tây Bắc. |
Với giọng nói chậm rãi, Trưởng bản Hà Công Tím vui vẻ cho biết: “Bản Lác này ra đời đến nay đã hơn 700 năm, bà con đều là dân tộc Thái thuộc 5 dòng họ: Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc, xưa nay rất giỏi việc làm lúa nương, dệt thổ cẩm, săn bắn… thế nhưng bao đời vẫn nghèo khổ. Có những năm khó khăn quá, người trẻ trong bản kéo nhau vào TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai… làm đủ nghề để mưu sinh…”.
Ông Tím vẫn chậm rãi nói: “Từ khi bản Lác mở cửa làm du lịch đến nay, người dân mở rộng việc nuôi cá, gà đồi, dệt thổ cẩm, làm ra nhiều mặt hàng độc đáo, như: mỏ trâu, sáo trúc, ống đựng thư pháp, cung nỏ, dao đi rừng… bán cho du khách. Đặc biệt, nhiều thanh niên nam nữ của bản từ các nơi, cả những người học các ngành nghệ thuật, như: ca hát, múa… ở Hà Nội cũng lục tục kéo nhau về tham gia vào đội văn nghệ, đội múa xòe… phục vụ du khách. Người dân tham gia làm du lịch ở bản Lác hiện nay tuy không thông thạo, nhưng vẫn có thể giao tiếp với khách du lịch bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Hoa... Trước đây 10 năm, giá ngủ 1 đêm là 30 ngàn đồng, nay cũng chỉ tăng lên từ 50-70 ngàn đồng/người/ đêm trong không gian nhà sàn ấm áp, sạch sẽ, chỉ bằng 1/10, 1/20 giá của phòng khách sạn cao tầng, bê tông kín mít ở Hà Nội hoặc thành phố Hòa Bình. Đó là một lợi thế cạnh tranh đã làm cho bản Lác có nhiều lúc du khách đến đông hơn dân trong bản. Và hiện nay, thu nhập chính của người dân bản Lác là làm du lịch!”.
Đội văn nghệ bản Lác phục vụ khách. |
Bà vợ ông trưởng bản vẫn với giọng sôi nổi nói thêm: “Tôi cũng đã từng sống ở Hà Nội và cả ở Sài Gòn nữa các anh ơi, nơi nào cũng cực; giờ về lại quê, mình ngồi một chỗ, thiên hạ khắp nơi ùn ùn mang tiền đến…”. Và bà cũng cho biết cô nhân viên lễ tân khi nãy là dâu của bà. “Nó tham gia vào đội văn nghệ nên đã chạy qua bên mấy nhà sàn có khách đoàn để phục vụ rồi!” - bà cho biết.
Tôi nghĩ bản Lác không chỉ là một “điểm sáng” trong cách làm du lịch sinh thái, mà thực sự là “mô hình” phát triển nông thôn mới (đã lan rộng ra các xã khác, như: bản Pom Coọng, bản Văn, thị trấn Mai Châu và một số bản khác trong huyện Mai Châu), biết vận dụng phát huy lợi thế của mình “hút ngược” được lao động ly hương quay về làm giàu đẹp cho chính mảnh đất mà mình đã lớn lên. Riêng tôi với tư cách là người lãng du, tôi thấy Mai Châu là một trạm dừng chân lý tưởng nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc; vì từ đây du khách lại bước vào một thế giới huyền ảo lạ thường của mùa xuân phương Bắc. Tôi đã choáng ngợp với màu hồng rực rỡ của những thung lũng hoa Đào, ngất ngây trước một màu trắng muốt mênh mông của rừng hoa Mận, say đắm trước những con đường ngập tràn lá Bàng đỏ, ngọn Tre vàng nhuộm sắc thu phong… Bức tranh hoành tráng, rực rỡ sắc màu này chỉ có thể nhìn thấy được ở vùng trời Tây Bắc. Lẽ nào mùa xuân ta không thử một lần đặt chân đến Mai Châu và lần bước lên Tây Bắc!
Bùi Thuận