Tôi còn nhớ như in cuộc chuyện trò với cố Giám đốc Sở TDTT Nguyễn Xuân Thảo trên chuyến xe xuyên đêm từ Bình Định về Biên Hòa trong một ngày cuối tháng 8-2004. Chiều hôm ấy, tại vòng chung kết giải hạng nhì toàn quốc trên sân Quy Nhơn, đội Strata Đồng Nai (cũng dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Bình Sự) đã chiến thắng thuyết phục trước Hà Tĩnh để sớm đoạt vé thăng hạng nhất, bất chấp kết quả trận cuối cùng với Khánh Hòa (sau đó Strata Đồng Nai đã thua 0-1 - Đặng Đạo ghi bàn duy nhất cho Khánh Hòa ở phút 29 - để mất cúp vô địch trong một trận đấu mà đến giờ vẫn được coi là “nghi án”).
Tôi còn nhớ như in cuộc chuyện trò với cố Giám đốc Sở TDTT Nguyễn Xuân Thảo trên chuyến xe xuyên đêm từ Bình Định về Biên Hòa trong một ngày cuối tháng 8-2004. Chiều hôm ấy, tại vòng chung kết giải hạng nhì toàn quốc trên sân Quy Nhơn, đội Strata Đồng Nai (cũng dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Bình Sự) đã chiến thắng thuyết phục trước Hà Tĩnh để sớm đoạt vé thăng hạng nhất, bất chấp kết quả trận cuối cùng với Khánh Hòa (sau đó Strata Đồng Nai đã thua 0-1 - Đặng Đạo ghi bàn duy nhất cho Khánh Hòa ở phút 29 - để mất cúp vô địch trong một trận đấu mà đến giờ vẫn được coi là “nghi án”).
Lãnh đạo tỉnh chia vui cùng lãnh đạo và huấn luyện viên trưởng đội bóng đá Đồng Nai. |
Đêm ấy, ông Thảo trong tâm trạng như trút được gánh nặng ngàn cân đã tâm sự rất nhiều về những áp lực thành tích bóng đá đối với ngành thể thao và cá nhân ông. Ít ai biết ở VCK Giải hạng Nhì toàn quốc 1998 tại Đồng Tháp, ông Thảo phải mượn xe ô tô của một đồng nghiệp tỉnh bạn để đi xem đội nhà đá vì… sợ xe của Sở TDTT màu đỏ xui(!) Thôi thì “có kiêng có lành” ! Năm 2004 ấy quả là năm “lộc phát” của bóng đá Đồng Nai, khi ngay trước thời điểm đội lớn lên hạng, đội U.14 cũng đăng quang chức vô địch quốc gia đầu tiên trong lịch sử tại VCK giải U.14 toàn quốc ở Nam Định. Và năm ấy, ông Thảo cũng được cắt “q” trước chức danh Giám đốc Sở !
Đó chỉ mới là thăng hạng nhất, còn giấc mơ có mặt ở giải đấu cao nhất trên bản đồ bóng đá quốc gia là áp lực canh cánh xuyên suốt các đời lãnh đạo ngành TDTT, từ các Giám đốc Tư Hảo, Hai Dũng, Hai Quân…Nó vắt qua nhiều thế hệ cầu thủ, người hâm mộ và độ dài thời gian không chỉ đo đếm bằng 37 năm kể từ ngày đất nước thống nhất mà còn nhiều thập kỷ trước đó.
***
Biên Hòa, Đồng Nai là vùng đất giàu truyền thống, hâm mộ bóng đá. Ngay từ năm 1929, môn túc cầu đã xuất hiện ở xứ này và trước năm 1945, nó phát triển gắn liền với các phong trào yêu nước. Trước 1975, Biên Hòa có đến 4 đội bóng chuyên nghiệp chơi ở giải hạng Nhất và hạng Nhì (khi ấy giải cao nhất có tên là hạng Danh dự chủ yếu đều là các đội bóng Sài Gòn - Gia Định) là: Sư đoàn 3 không quân, Tiểu khu Biên Hòa, Không đoàn Kỹ thuật - Tiếp vận và Thanh niên Hiệp Hòa (các cầu thủ đá bóng để khỏi phải đi quân dịch).
Ngay sau ngày giải phóng, đội tuyển tỉnh Đồng Nai đã được thành lập với lực lượng tập hợp từ các cầu thủ xuất sắc nhất của Biên Hòa, Bà Rịa, Vũng Tàu như: thủ môn Lôi Ngươn Bình, tiền đạo Hồ Văn Sỹ, hậu vệ Lương… Đồng Nai là 1 trong 9 đội bóng đầu tiên của cả miền Nam có mặt tham gia giải đấu đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất mang tên Cửu Long vào năm 1976 và đứng hạng 8/9 (khi ấy miền Bắc có giải Hồng Hà, miền Trung có giải Trường Sơn). Đồng Nai cũng là địa phương đầu tiên có đội huyện lên hạng A1 toàn quốc (như hạng Nhất bây giờ - đội Xuân Lộc) và lực lượng cầu thủ dồi dào đến mức có đến 3 đội A1 (đội tuyển tỉnh, Xuân Lộc và Công ty cao su Đồng Nai). Đồng Nai cũng là tỉnh duy nhất có đội xã đẳng cấp A2 toàn quốc (hạng Nhì bây giờ - đội xã Hiệp Hòa).
HLV Trần Bình Sự đang chỉ đạo chiến thuật cho các học trò. |
Vùng đất địa linh nhân kiệt này đã sản sinh nhiều thế hệ tài năng bóng đá. Danh thủ Phạm Văn Rạng từng lưu dấu giày tập luyện trên sân Biên Hòa; cầu thủ Chín Lùn ở Nhà máy cưa BIF từng là thành viên đội tuyển Nam kỳ; Nguyễn Văn Giao từng tham dự cúp C1 châu Á; Trần Cẩm Phúc, Lôi Ngươn Bình cùng đội tuyển Sài Gòn dự Giải thanh niên Á châu... Trần Triết Anh, Đinh Công Hoàng (Hoàng “Lato”) nhiều năm được chọn vào đội tuyển quốc gia; Bùi Văn Thương, trụ cột của Cảng Sài Gòn. Đặc biệt không thể không kể đến gia đình bóng đá họ Hồ của bà Sáu “mì” ở chợ Biên Hòa (nay là trụ sở UBND phường Thanh Bình) với 4 anh em: Sỹ, Hiệp, Thành, Công cống hiến liên tục qua nhiều triều đại của đội tuyển Đồng Nai. Rồi cặp trung vệ Viết Cường - Như Hoàng; tiền vệ Hà “lùn”; tiền đạo Dũng “mù”, Bùi Hữu Thái Sơn, thủ môn Quách Hùng Bảo. Lứa sau này có Nguyễn Đức Mạnh từng được gọi vào đội tuyển Olympic, dự tuyển Việt Nam, Đức Nhân (Sâm)... và gần nhất là thế hệ cầu thủ đã mang về cú “hat trick” vô địch quốc gia cho bóng đá Đồng Nai, từ U.14 đến U.19, U.21…
Thế nhưng dưới sự dẫn dắt của tổng cộng 21 đời HLV nội, ngoại, trong, ngoài tỉnh, một vị trí trên bản đồ bóng đá đỉnh cao quốc gia vẫn lẩn tránh Đồng Nai, thậm chí cứ mỗi lần tách hạng lại tụt xa hơn. 3 lần mon men đến đích khi vào vòng chung kết thăng hạng đội mạnh vào các năm 90, 94, 98 của thế kỷ trước thì đều thất bại, chỉ khiến nỗi thất vọng càng thêm sâu. Nhưng “lắm lúc không mong mà lại được”, đúng vào lúc mà người hâm mộ không còn dám nghĩ đến, kỳ vọng nữa thì thời cơ lại đến. Cứ như sau gần 40 mùa xuân chờ đợi, bỗng một sáng thức dậy thấy mai nở trước sân…
Đội bóng Đồng Nai có mùa giải 2012 thành công. Ảnh: H.ANH |
Có thời gian từng lưu truyền câu chuyện ngành văn xã Đồng Nai có 3 “món nợ” với người dân, đó là: đài truyền hình, bệnh viện tỉnh và đội tuyển bóng đá. Xem ra mùa xuân này cả 3 “món nợ” ấy đều đã được “trang trải”. Giấc mơ xuất hiện ở giải đấu cao nhất nước của bóng đá Đồng Nai đã thành hiện thực. Tất nhiên, cũng như sự phát triển của vạn vật, phía trước là những gian nan, thử thách mới, cao hơn để trụ lại sân chơi khắc nghiệt này. Nhưng hãy cứ tận hưởng, cờ trong tay cứ phất! Thử một lần cho biết mùi V-League với bè bạn gần xa. Với lợi thế và những điều kiện thuận lợi hơn, không lý gì Đồng Nai không làm được như Thanh Hóa, Kiên Giang, những địa phương không giàu nhưng vẫn là tên tuổi của làng túc cầu Việt Nam.
Minh Chung