Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

08:05, 06/05/2023

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã liên tục triển khai ứng dụng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, thành tựu công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã liên tục triển khai ứng dụng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, thành tựu công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông dân (trái) ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị cao từ vỏ bưởi, cây bưởi. Ảnh: H.Dung
Nông dân (trái) ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị cao từ vỏ bưởi, cây bưởi. Ảnh: H.Dung

Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng, thương hiệu nông sản, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, nghề liên quan.

* Đẩy mạnh quy trình sản xuất nông nghiệp tốt

Trưởng phòng Kinh tế TP.Long Khánh Nguyễn Bích Hạnh cho biết, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất được UBND thành phố quan tâm, nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi.

Trong trồng trọt, TP.Long Khánh đã sử dụng các biện pháp thích hợp để xử lý cây chôm chôm ra hoa sớm; kỹ thuật thâm canh cây lúa, bắp, rau kết hợp với sử dụng giống mới, chất lượng tốt, chọn lọc lai ghép một số loại cây trồng, vật nuôi có ưu điểm tại địa phương để nâng cao năng suất, sản lượng. Thành phố đã ứng dụng quy trình công nghệ sinh học cao để tự phân lập, áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, lai giống trên cây lan, nấm mèo, bắp lai, chuối cấy mô. Đồng thời, sử dụng nhóm nấm đối kháng, chất lượng dẫn dụ để phòng và trị một số loại sâu, bệnh hại trên cây trồng.

Trong tháng 4-2023, Sở KH-CN phối hợp với các viện, trường đại học trong và ngoài tỉnh làm việc với 11 địa phương trong tỉnh về hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo. Lãnh đạo Sở KH-CN đề nghị các phòng, ban trực thuộc Sở, các viện, trường tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh tháo gỡ những khó khăn, triển khai các đề tài, giải pháp, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, đời sống… đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

Đến nay, 100% cây hàng năm trên địa bàn TP.Long Khánh sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao và có khả năng kháng bệnh tốt. Các cây lâu năm phổ biến như sầu riêng đã sử dụng 95% giống mới, cây điều 60%, cây tiêu 100%, cây chôm chôm 90%, cây cà phê chủ yếu dùng giống Robusta chọn lọc.

TP.Long Khánh đã hình thành và phát triển 17 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực với tổng diện tích 408,4ha. Các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) được đẩy mạnh áp dụng. Thành phố đã cấp 24 mã vùng trồng trên các loại cây chôm chôm, sầu riêng, mít, chuối, thanh long và 7 cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện hồ sơ cấp 9 mã vùng trồng sầu riêng cho 176/283 hộ dân.

Trong chăn nuôi, theo bà Bích Hạnh, có nhiều cơ sở đã ứng dụng công nghệ cao như: mô hình chăn nuôi trong chuồng lạnh, mô hình làm mát trong chăn nuôi heo sinh sản, mô hình sử dụng đệm lót sinh học, xử lý nước thải, chất thải bằng biogas hoặc các hệ thống xử lý đảm bảo môi trường.

Việc áp dụng các giống vật nuôi mới, tốt đạt trên 90%. Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) được áp dụng rộng rãi. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã trang bị hệ thống dây chuyền giết mổ treo gia súc, gia cầm hiện đại để đảm bảo kiểm soát an toàn thực phẩm trong quá trình giết mổ. TP.Long Khánh hiện có 36 trang trại được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, 32 trang trại được chứng nhận VietGAHP…

* Áp dụng nhiều mô hình, dự án KH-CN

Thời gian qua, H.Tân Phú đã ứng dụng nhiều mô hình, dự án KH-CN vào sản xuất nông nghiệp cho kết quả khả quan. Phải kể đến như dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh hồ tiêu theo hướng GlobalGAP nhằm phòng bệnh chết nhanh, chết chậm, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững và xây dựng nhãn hiệu hồ tiêu tại H.Tân Phú. Kết quả, huyện đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu hồ tiêu Lộc Thịnh. Dự án sau đó đã bàn giao cho các xã Phú Xuân, Phú Lộc quản lý, hướng dẫn bà con nông dân tiếp tục nhân rộng.

Hay dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây bưởi, sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP cũng đã được H.Tân Phú nghiệm thu vào năm 2022. Dự án đã đào tạo các kỹ thuật viên, hoàn thành sổ tay quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi, cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân các xã Phú An, Phú Thịnh.

Ngoài ra, huyện đã xây dựng 2 mô hình Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây bưởi, sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP tại xã Phú Sơn (20ha), xã Phú Lập (20ha). Mô hình này đã hoàn thành và được cấp giấy chứng nhận VietGAP, đã nghiệm thu bàn giao cho các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện.

Trong năm 2023, H.Tân Phú phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam đề xuất 3 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh gồm: Dự án Phục tráng, cải tiến giống và xây dựng mô hình sản xuất giống lúa đặc sản Ba Xe theo tiêu chuẩn hữu cơ và chuỗi giá trị tại H.Tân Phú; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất bưởi da xanh theo hướng an toàn gắn với thị trường tiêu thụ tại tỉnh Đồng Nai; dự án Nâng cao giá trị và chất lượng các sản phẩm từ cây dó bầu (Aquilaria crassna).

Thời gian tới, H.Tân Phú dự kiến phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu phương án nuôi tôm càng xanh 2 vụ tại xã Trà Cổ; xây dựng mô hình cánh đồng thông minh, sản xuất lúa hữu cơ, hỗ trợ nông dân áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm; xử lý rơm rạ phục vụ trồng nấm.

Còn tại H.Thống Nhất, dự án Ứng dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót trong chăn nuôi heo đã được nhân rộng cho 15 trang trại chăn nuôi ở xã Hưng Lộc và xã Lộ 25. Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình tiên tiến sản xuất chôm chôm đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đã nhân rộng được 25ha.

Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Nguyễn Đình Cương chia sẻ, định hướng của huyện giai đoạn 2025-2030 là phát triển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Huyện kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan hỗ trợ mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn huyện, đặc biệt là đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến nông sản chủ lực cho vùng huyện, liên huyện. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích