Báo Đồng Nai điện tử
En

Viên chức ngành Giáo dục chờ được hỗ trợ

08:02, 21/02/2023

Sau nhân viên ngành Y tế, viên chức ngành Giáo dục của tỉnh Đồng Nai cũng đang mong chờ được hỗ trợ chính sách tương tự để nâng cao đời sống, từ đó yên tâm gắn bó với nghề.

Sau nhân viên ngành Y tế, viên chức ngành Giáo dục của tỉnh Đồng Nai cũng đang mong chờ được hỗ trợ chính sách tương tự để nâng cao đời sống, từ đó yên tâm gắn bó với nghề.

Giáo viên Trường TH-THCS Xuân Mỹ (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) trong giờ dạy học trên lớp. Ảnh: C.NGHĨA
Giáo viên Trường TH-THCS Xuân Mỹ (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) trong giờ dạy học trên lớp. Ảnh: C.NGHĨA

Việc sớm có chính sách hỗ trợ với viên chức giáo dục còn góp phần thu hút đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục lâu dài và bền vững.

* Chưa sống được bằng lương

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở H.Thống Nhất cho biết, trừ những giáo viên có thâm niên lâu năm có mức lương hàng tháng “tạm ổn”, nhưng nếu gọi là sống được bằng lương thì chưa thể; còn với những giáo viên mới vào nghề thì rất chật vật vì lương cũng chỉ trên 5 triệu đồng/tháng. Vì mức lương thấp nên việc tuyển dụng giáo viên mới khá khó khăn.

Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ: Kỳ vọng viên chức ngành Giáo dục sớm có đời sống tốt hơn

Sở GD-ĐT đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức toàn ngành và đã kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục công lập. Sở GD-ĐT cũng khẩn trương xây dựng đề án hỗ trợ giáo viên trình cấp có thẩm quyền xem xét. Chúng tôi tin rằng, sau những tín hiệu tích cực đối với viên chức ngành Y tế, tới đây viên chức ngành GD-ĐT sẽ có đời sống tốt hơn hiện nay để cống hiến nhiều hơn cho ngành và sự phát triển của tỉnh.

Trong buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng với đại diện ban giám hiệu một số trường công lập trong tỉnh cách đây chưa lâu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai, TP.Biên Hoà) Hoàng Thị Ngọc cho biết, có những nhân viên của trường đã gắn bó với công việc nhiều năm nhưng vẫn chưa thể sống được bằng lương nên đã xin nghỉ việc. Nhà trường rất muốn giữ những nhân viên này nhưng không thể, vì không biết lấy gì để hỗ trợ.

Chị Lê Nguyễn Bảo Khuyên tốt nghiệp lớp K7, Khoa Sư phạm mầm non - tiểu học Trường đại học Đồng Nai vào giữa năm 2022. Sau khi tốt nghiệp, chị từ chối cơ hội về H.Định Quán công tác do mức lương khởi điểm chưa tới 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, một trường tư thục tại TP.Biên Hòa đã ngỏ lời nhận chị về làm việc với mức lương khởi điểm gần 10 triệu đồng/tháng.

Cô giáo Phạm Thị Hải, một giáo viên tiểu học mới được thuyên chuyển  công tác từ H.Định Quán về TP.Biên Hòa cho biết, mức lương nhận được mỗi tháng hiện hơn 8 triệu đồng, trong khi cô đã có 16 năm công tác.

Cô giáo Hải chia sẻ: “Vì yêu nghề nên tôi không dám so sánh thu nhập của nghề giáo với các ngành nghề khác. Nhưng tôi vẫn mong mỏi một ngày nào đó lương của giáo viên sẽ đủ sống và giáo viên thực sự sống được với nghề”.

* Thách thức với nguồn nhân lực giáo dục

Theo Sở GD-ĐT, hiện Đồng Nai có 734 ngàn học sinh, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành. Bình quân mỗi năm học, tỉnh tăng thêm 2-3 trường và khoảng 20 ngàn học sinh. Điều này đồng nghĩa sẽ phải có thêm giáo viên bổ sung cho lượng học sinh tăng thêm.

Biên chế ngành GD-ĐT Đồng Nai được giao năm học 2022-2023 là 31.410 viên chức nhưng mới chỉ tuyển được 29.457 người, vẫn còn thiếu 1.953 giáo viên. Số lượng viên chức còn thiếu chủ yếu vị trí giáo viên các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học, Thể dục và nhân viên trường học.

Ngành Giáo dục không chỉ thiếu biên chế, khó tuyển viên chức mà còn phải đối diện với “làn sóng” viên chức xin nghỉ việc ở các trường công lập và xin ra khỏi ngành.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, 3 năm gần đây, có tổng cộng 1.576 viên chức xin nghỉ việc; trong đó, năm 2020 là 512 người, năm 2021 là 350 người và năm 2022 có đến 714 người xin nghỉ việc (tăng hơn gấp đôi so với năm 2021).

Trong số này, có những viên chức xin nghỉ để chuyển sang các trường tư thục có mức thu nhập hấp dẫn hơn nhưng cũng có những người xin ra khỏi ngành. Chẳng hạn năm 2022, trong số 714 giáo viên xin nghỉ việc, có đến 625 người xin ra khỏi ngành. Tình trạng giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục xin ra khỏi ngành dự báo sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng hơn khi không có những chính sách hỗ trợ kịp thời.

Dự kiến đến năm học 2024-2025, khi từ lớp 1 đến lớp 12 đều học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhu cầu biên chế viên chức ngành Giáo dục sẽ lên gần 40 ngàn người, tăng thêm 8.581 người. Tuy nhiên, với thực trạng chế độ thu hút kém hấp dẫn hiện nay, việc tuyển đủ biên chế là vô cùng khó khăn.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán Ngô Đăng Thành cho hay: “Mỗi lần nhận được đơn xin nghỉ việc hay xin chuyển công tác ra khỏi địa bàn huyện là chúng tôi vừa trăn trở, vừa lo lắng. Trăn trở vì giáo viên chưa thể sống được bằng lương nên mới xin nghỉ, lo lắng là huyện sẽ phải lo tuyển dụng giáo viên bổ sung, trong khi việc tuyển giáo viên về huyện không hề dễ dàng”.    

Công Nghĩa

Tin xem nhiều