Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, nhưng thời gian qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ (trung tâm) đã đoàn kết, nỗ lực, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, nhưng thời gian qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ (trung tâm) đã đoàn kết, nỗ lực, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Các bác sĩ Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ thực hiện thành công một ca mổ lấy thai. Ảnh: H.DUNG |
Qua đó, tạo dựng được niềm tin nơi người dân, tạo động lực để nhân viên y tế ngày càng phát triển, nâng cao tay nghề.
Người dân vui mừng vì được chạy thận gần nhà
Tháng 6-2022, trung tâm đưa vào hoạt động Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức cấp cứu. Đây là kỹ thuật cao được chuyển giao từ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
BS Lê Văn Duyệt, phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo cho biết, đơn nguyên có 3 bác sĩ, 3 điều dưỡng, phụ trách 8 giường bệnh. Mỗi tuần, đơn vị triển khai chạy thận vào các ngày thứ hai, tư, sáu; mỗi ngày chạy 2 ca, mỗi ca có 8 bệnh nhân. Đến nay, có 16 bệnh nhân đang được chạy thận thường xuyên tại trung tâm. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 36 tuổi, lớn nhất là 88 tuổi. Hầu hết các bệnh nhân có nhiều bệnh nền mạn tính, mức độ từ trung bình trở lên. Ngoài ra, cũng có những bệnh nhân ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Cẩm Mỹ khoảng 30km cũng đang chạy thận tại đây.
Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ tiếp nhận khoảng 600 lượt khám, chữa bệnh ngoại trú; điều trị cho 120 bệnh nhân nội trú. 10 năm qua, trung tâm đã phối hợp với Bệnh viện Mắt TP.HCM triển khai chương trình phẫu thuật mắt miễn phí, chữa bệnh đục thủy tinh thể cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo. |
Ông Lềnh Văn Sung (50 tuổi, ngụ xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) cho biết, cách đây 2 năm, ông thấy chóng mặt, không ăn uống được, người xanh xao nên đi khám bệnh thì được chẩn đoán bị suy thận mức độ nặng. Để duy trì sự sống, ông Sung phải thuê một phòng trọ ở TP.Biên Hòa, gần Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để chạy thận mỗi tuần 3 lần.
Ở TP.Biên Hòa, ông Sung phải tốn rất nhiều khoản tiền như: viện phí, thuê trọ, ăn uống, xe cộ… khiến gia đình vốn đã khó khăn càng khó khăn gấp bội. Đến tháng 6-2022, khi biết trung tâm triển khai chạy thận nhân tạo, ông Sung đã xin chuyển về trung tâm. Từ đó đến nay, mỗi tuần 3 lần, ông được con chở đến trung tâm để chạy thận, tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian, công sức.
Cũng rất vui mừng vì được chạy thận gần nhà, bà Phạm Thị Liên (79 tuổi, ngụ xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) chia sẻ, ngoài bị bệnh thận, bà còn bị nhiều bệnh nền như: tim mạch, tiểu đường, từng nhiều lần phải thực hiện phẫu thuật. Trước kia, khi trung tâm chưa triển khai chạy thận, bà Liên phải thuê trọ ở gần Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để thuận tiện cho việc chạy thận vì chi phí đi lại từ Cẩm Mỹ lên Biên Hòa rất tốn kém. Không những thế, con trai bà cũng phải nghỉ làm để túc trực, hỗ trợ bà di chuyển đến bệnh viện.
Theo BS Lê Văn Duyệt, hiện có khoảng 40 bệnh nhân khác có nhu cầu được chạy thận tại đơn vị. Thời gian tới, khi 2 bác sĩ được cử đi học về, đơn vị sẽ triển khai chạy thận 6 ngày trong tuần nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.
Tiếp tục thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
BS CKII Lưu Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ cho biết, toàn huyện có khoảng 160 ngàn dân. Bên cạnh quốc lộ 56, hương lộ 10, trong tương lai, H.Cẩm Mỹ sẽ là địa bàn nằm sát sân bay Long Thành và các tuyến đường vành đai, đường cao tốc nối liền với nhiều trung tâm đô thị lớn của quốc gia. Điều này thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, kéo theo đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Trung tâm y tế H.Cẩm Mỹ. Ảnh: H.DUNG |
Do vậy, ngành Y tế H.Cẩm Mỹ xác định, nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực y tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại địa phương.
Trong năm vừa qua, trung tâm đã thu hút được một số bác sĩ có trình độ chuyên môn, trách nhiệm, tâm huyết với nghề. Trung tâm có 1 bác sĩ đang học CKI về ngoại, chấn thương chỉnh hình; 1 bác sĩ đang học CKI về nhi khoa, nhiều bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề, khắc phục được tình trạng thiếu chứng chỉ hành nghề của bác sĩ những năm trước. Cả 13 trạm y tế trong huyện đều có bác sĩ công tác. Đến nay, ngành Y tế H.Cẩm Mỹ có 331 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 79 bác sĩ.
Công tác đào tạo nhân lực tại chỗ được lãnh đạo trung tâm rất quan tâm. Việc tham gia hội chẩn từ xa với các bác sĩ, chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y khoa Hà Nội, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của trung tâm có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách, thái độ phục vụ người bệnh.
“Nhiều trường hợp trước đây phải chuyển lên tuyến trên nay được giữ lại trung tâm và được điều trị thành công. Khoa Hồi sức cấp cứu đã kịp thời cứu sống nhiều ca bệnh khó, hiểm nghèo. Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản đã thực hiện phẫu thuật nội soi và nhiều trường hợp mổ lấy thai phức tạp, tạo niềm tin cho người bệnh. Khoa Ngoại đã làm chủ được một số phẫu thuật nội soi ổ bụng. Khoa Y học cổ truyền, phục hồi chức năng đã triển khai nhiều kỹ thuật mới không dùng thuốc, chữa lành cho nhiều trường hợp bệnh mạn tính…” - BS Lưu Văn Tường nói.
Thời gian tới, trung tâm tiếp tục lấy người bệnh làm trung tâm để triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, giúp bệnh nhân không cần phải đi xa lên các bệnh viện tuyến trên mà vẫn được chăm sóc, điều trị hiệu quả. Qua đó, giúp người dân huyện nhà giảm được chi phí, thời gian, công sức đi lại.
Hạnh Dung