Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất lượng dạy học các môn văn hóa trong trường nghề

03:12, 21/12/2022

Toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang giảng dạy trung cấp nghề kết hợp chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT với tổng số hơn 17,6 ngàn học sinh.

Toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang giảng dạy trung cấp nghề kết hợp chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT với tổng số hơn 17,6 ngàn học sinh. Các cơ sở GDNN đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học các môn văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018.

Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đảm bảo cho việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT
Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đảm bảo cho việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Ảnh: H.YẾN

Tuy nhiên, một số đơn vị còn gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Đây cũng là những điều mà các cơ sở GDNN cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới.

Còn khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ

10 đơn vị GDNN có giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT gồm 2 trường trung cấp và 8 trường nghề. Tất cả các học viên của các cơ sở GDNN này đều tham gia học chương trình GDTX. Theo quy định hiện hành, các cơ sở GDTX phải phối hợp với các trung tâm GDTX-GDNN để thực hiện giảng dạy chương trình GDTX. Trong đó, trung tâm GDTX phụ trách quản lý công tác giảng dạy, hoạt động kiểm tra - đánh giá, hồ sơ, biểu mẫu…, còn các cơ sở GDNN trực tiếp phụ trách công tác giảng dạy.

Cần trang bị phòng học bộ môn, thư viện

Sở GD-ĐT đã kiểm tra công tác tổ chức dạy học GDTX chương trình THPT tại các cơ sở GDNN và đã chỉ ra một số hạn chế như: một số đơn vị hiện chưa có đầy đủ phòng học bộ môn; một số đơn vị có các phòng bộ môn nhưng các trang thiết bị trong phòng học chưa có hoặc có nhưng không phù hợp theo quy định; một số trường chưa có thư viện, một số trường có thư viện nhưng các đầu sách, tài liệu tham khảo chủ yếu phục vụ cho công tác dạy nghề, chưa đáp ứng đầy đủ cho việc giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT.

Đầu năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT đã tổ chức đoàn kiểm tra việc phối hợp dạy chương trình GDTX trong các trường nghề. Đoàn kiểm tra đánh giá, công tác phối hợp giữa các bên thực hiện tốt.

Về cơ bản, cơ sở vật chất của các cơ sở GDNN đáp ứng được việc dạy chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề. Tuy nhiên, một số trường vẫn chưa có đầy đủ phòng học bộ môn như: Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi, Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật số 2, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai. Một số đơn vị có các phòng bộ môn nhưng trang thiết bị chưa có hoặc có nhưng không phù hợp theo quy định…

Khó khăn chung của nhiều trường nghề là đội ngũ giáo viên dạy các môn văn hóa còn thiếu nên phải mời nhiều giáo viên thỉnh giảng. Thậm chí có trường không đủ giáo viên cơ hữu theo quy định và mời cả giáo viên bậc THCS tham gia thỉnh giảng. Việc hợp đồng với các giáo viên chủ yếu do trường nghề thực hiện, chưa có sự tham gia của các trung tâm GDTX trong tổ chức thực hiện, quản lý, phụ trách về công tác chuyên môn.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng

Năm học này, Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc (H.Trảng Bom) có hơn 2,6 ngàn học sinh hệ trung cấp đang học chương trình GDTX. Khác với Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom), đội ngũ giáo viên của Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc đa số là thỉnh giảng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên cơ hữu của trường gặp khó khăn do vị trí của trường nằm xa khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn.

Tăng cường sinh hoạt chuyên môn giữa trường nghề và trường THPT

Qua thực tế kiểm tra công tác dạy và học các môn văn hóa tại trường nghề, Sở GD-ĐT đề nghị các trường cần tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn giữa các giáo viên cơ hữu, giáo viên hợp đồng và liên kết công tác chuyên môn với các trường THPT, giáo viên cốt cán trong khu vực để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đây cũng là biện pháp nhằm đáp ứng chương trình GDTX cấp THPT mới và góp phần tăng tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tất cả các đơn vị.

Để nâng cao chất lượng dạy học các môn văn hóa, trường phân công đội ngũ giáo viên cơ hữu (bao gồm cả giáo viên nghề) làm công tác chủ nhiệm và theo dõi sát sao học sinh. Đối với lớp 12, những học sinh yếu đều được nhà trường dạy phụ đạo. Ngay từ đầu năm học lớp 12, trường chia lớp theo tổ hợp tự nhiên hoặc xã hội để thuận lợi cho công tác ôn thi tốt nghiệp THPT.

Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi là đơn vị được đánh giá cao về công tác tổ chức dạy học các môn văn hóa. Theo đó, trường có Khoa Khoa học cơ bản với 49 giáo viên cơ hữu, phụ trách dạy 77 lớp học. Với số lượng giáo viên này, trung bình mỗi tuần 1 giáo viên dạy từ 20-25 tiết. Trường hầu như không phải mời giáo viên thỉnh giảng.

Các lớp học văn hóa được xếp theo biên chế của lớp học nghề để tạo thuận lợi trong công tác sắp xếp lịch học. Trung bình mỗi lớp có 35-42 học sinh. Trường trang bị 3 phòng thí nghiệm, nhiều phòng học được trang bị máy chiếu. Nhà trường ưu tiên các phòng học có máy chiếu cho lớp 10 học nhằm hỗ trợ tốt cho thực hiện tốt chương trình mới.

Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu, Khoa Khoa học cơ bản còn phân công giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phối hợp với cha mẹ học sinh để nhắc nhở, động viên các em trong học tập. Với học sinh khối 12, trường sắp xếp giáo viên chủ nhiệm là giáo viên dạy các môn văn hóa để có điều kiện quan tâm sát sao hơn đối với học sinh.

“Hoạt động học tập của học sinh lớp 12 được tổ chức tương tự như các trường THPT, giáo viên bám sát để nhắc nhở các em thường xuyên. Nhờ những cách làm đó mà hằng năm tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT của trường đều ở mức cao. Năm vừa rồi, chúng tôi đạt tỷ lệ 97,45%, cao hơn tỷ lệ tốt nghiệp trung bình của toàn tỉnh (96,84%)” - ThS Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Trưởng khoa Khoa học cơ bản Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi cho hay.

Hải Yến

Tin xem nhiều