Những ngày gần đây, thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 gia tăng số ca mắc nặng, tình trạng sốt xuất huyết (SXH) đáng báo động với 14 trường hợp đã tử vong trên địa bàn tỉnh khiến nhiều người dân lo lắng.
Những ngày gần đây, thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 gia tăng số ca mắc nặng, tình trạng sốt xuất huyết (SXH) đáng báo động với 14 trường hợp đã tử vong trên địa bàn tỉnh khiến nhiều người dân lo lắng. Từ chỗ chủ quan cho rằng không cần thiết phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi nhắc lại, hiện nhiều người đã chủ động đến các cơ sở y tế tổ chức tiêm chủng, tiêm mũi 3, mũi 4; ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, ngủ mùng phòng ngừa muỗi đốt tránh SXH cũng được nâng cao hơn trước.
Người dân lo lắng về tình trạng dịch chồng dịch là hoàn toàn có cơ sở. Bởi đến thời điểm này, SXH vẫn là loại dịch bệnh chưa có vaccine phòng ngừa, bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao kể cả ở những người khỏe mạnh. Đáng chú ý, tại Đồng Nai, phần lớn số ca tử vong thời gian qua đều là người lớn. Có người mới 28-30 tuổi, độ tuổi sung sức nhất của đời người nhưng vẫn không chống lại được với dịch bệnh.
Trong khi đó, sau một thời gian lắng xuống, Covid-19 lại đang bùng phát trở lại ở một số quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, số ca mắc tăng cao trở lại, đặc biệt số ca trở nặng nhiều hơn trước khiến một số địa phương phải chuẩn bị kích hoạt lại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19. Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch bệnh Covid-19 vẫn có nguy cơ cao bùng phát trở lại tại Việt Nam nếu người dân còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch, nhất là không tiêm vaccine theo khuyến cáo.
Như vậy, rõ ràng khả năng bùng phát trở lại đại dịch Covid-19 vẫn rất cao. Riêng SXH, đỉnh dịch được dự báo sẽ rơi vào những tháng sắp tới, nếu người dân không nâng cao ý thức phòng dịch sẽ rất khó kiểm soát được tình hình. Mặc dù ngành Y tế đã rất cố gắng trong việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh; tiến hành phun xịt hóa chất khử khuẩn diện rộng ở một số địa phương trong tỉnh, nhưng đây chỉ là những giải pháp tình thế. Gốc rễ của công tác phòng dịch vẫn là sự tham gia chủ động của người dân, nhất là việc không chủ quan, lơ là, kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Minh Ngọc