Dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng trở lại, đã có nhiều ca bệnh nặng phải thở máy, thở oxy. Số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng liên tục tăng khiến các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.
Dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng trở lại, đã có nhiều ca bệnh nặng phải thở máy, thở oxy. Số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng liên tục tăng khiến các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.
Người dân dọn dẹp rác thải ở khu vực sinh sống phòng bệnh sốt xuất huyết sau khi được đoàn kiểm tra của tỉnh nhắc nhở (ảnh lớn). Những vật dụng chứa nước đọng là điều kiện tốt để muỗi đẻ trứng, phát triển. Ảnh: H.Dung |
Một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh gia tăng là sự chủ quan, lơ là của người dân trong phòng bệnh.
* Lăng quăng sinh sôi trong vườn nhà
Mới đây, Phó chủ tịch UBDN tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cùng lãnh đạo Sở Y tế đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, Covid-19 trên địa bàn các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, lãnh đạo các địa phương cho hay, mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền như: treo băng-rôn, phát trên loa phát thanh, đến tận nhà để tuyên truyền, phát tờ rơi hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh SXH, Covid-19 nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa tích cực phối hợp với ngành Y tế.
Tại vườn nhà anh N.H.D. (TT.Định Quán, H.Định Quán), Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình phát hiện một số vật dụng như: ly nhựa đựng cháo dinh dưỡng, can nhựa chứa nước đọng, bên trong có nhiều lăng quăng đang phát triển.
Để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm nói chung, lãnh đạo trung tâm y tế các địa phương kiến nghị cần có chế độ hỗ trợ cho lực lượng cộng tác viên khu phố, ấp. Bởi đây là lực lượng bám sát địa bàn, có khả năng đi sâu, đi sát đến từng hộ dân, hiểu rõ nếp sống và sinh hoạt của người dân trên địa bàn quản lý. Từ đó có những cách tuyên truyền phù hợp, cụ thể, hiệu quả. |
Anh N.H.D. cho biết, cách đây 10 năm, anh bị SXH lần đầu. Hồi tháng 6 vừa qua, anh tiếp tục bị SXH lần 2. So với lần đầu tiên, lần SXH sau nặng hơn nhiều, thậm chí rơi vào trạng thái sốc SXH, phải điều trị tích cực tại bệnh viện. Đáng lưu ý, con của anh D. cũng bị SXH sau cha ít ngày.
Sau khi khỏi bệnh về nhà, anh D. đã dọn dẹp nhà cửa, phát quang bụi rậm quanh nhà, vứt bỏ những dụng cụ chứa nước không cần thiết trong vườn nhà, song trên thực tế vẫn còn một số vật dụng chưa được dọn sạch.
Theo anh D., do tâm lý chủ quan đã từng mắc SXH một lần rồi thì không mắc thêm nữa nên vợ chồng anh không mấy lưu tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Mãi đến khi bị bệnh, anh mới ý thức được tầm quan trọng của việc tìm diệt muỗi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, chống muỗi đốt. Anh D. cho hay, từ nay về sau sẽ không chủ quan nữa vì anh được bác sĩ cho biết, một người có thể bị mắc SXH đến 4 lần trong đời, lần sau thường nặng hơn lần trước. Trường hợp bệnh nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Tương tự, tại khu vực sinh sống của một hộ dân ở TT.Tân Phú (H.Tân Phú), tình trạng vứt rác, đồ dùng vật dụng bừa bãi tạo điều kiện cho muỗi, lăng quăng sinh sôi vẫn xảy ra. Đoàn kiểm tra ghi nhận, hộ gia đình này đang nuôi giữ nhiều trẻ nhỏ nhưng chưa quan tâm đến công tác vệ sinh. Khu vực giáp ranh giữa khoảnh đất trống và sân nhà có nhiều rác, chai lọ vứt lộn xộn. Chỉ đến khi nhân viên y tế địa phương và đoàn kiểm tra nhắc nhở, người dân mới ra dọn dẹp, bỏ rác vào thùng xốp.
* Cái giá phải trả là mạng sống
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình cho biết, thời điểm này chưa phải là đỉnh dịch SXH nhưng đã có tình trạng quá tải ở một số cơ sở điều trị. Tỉnh đã ghi nhận 14 ca tử vong do SXH, chiếm 32,5% tổng số ca tử vong của cả nước. Nếu số ca mắc tiếp tục tăng nhanh như hiện nay thì số ca nặng, ca tử vong sẽ có nguy cơ tiếp tục tăng cao.
Bệnh SXH hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, sự chủ động phòng bệnh của người dân có vai trò quan trọng nhằm giảm số ca mắc và số ca tử vong. Người dân cần thực hiện vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đổ bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết, diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ mùng, đề phòng bị muỗi đốt. Nếu chủ quan, lơ là phòng bệnh, cái giá phải trả có thể là mạng sống.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 cũng đang tăng trở lại, đã ghi nhận một số bệnh nhân Covid-19 trong các khoa nội trú của bệnh viện. Số ca bệnh nặng phải thở máy cũng tăng so với trước đây. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay vẫn là tiêm đủ các liều vaccine theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Từ cuối tháng 4-2021 đến nay, Đồng Nai đã tiêm hơn 8,2 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho hơn 3,2 triệu người dân từ 5 tuổi trở lên trong tỉnh. Tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 1, mũi 2 xấp xỉ đạt 100% nhưng tỷ lệ bao phủ mũi 3, mũi 4 chưa đạt so với mục tiêu đề ra.
Thời điểm cách đây 1 năm, khi chưa có đủ vaccine để tiêm cho tất cả mọi người trong độ tuổi, số ca mắc và tử vong do Covid-19 liên tục tăng, gây đau thương, mất mát cho biết bao gia đình và toàn xã hội. Do vậy, không có lý do gì mà người dân không đi tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính bản thân và những người xung quanh.
“Hiện chưa có những bằng chứng khoa học cụ thể về tác dụng phụ của tiêm vaccine, song lợi ích của việc bao phủ vaccine đã thấy rõ. Từ khi bao phủ được vaccine, số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 đã giảm rõ rệt” - Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình nói.
Hạnh Dung