Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất lượng dạy văn hóa trong trường nghề

07:08, 25/08/2022

Ngày càng có nhiều học sinh sau khi học hết lớp 9 đã quyết định chọn con đường vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có chất lượng đầu vào thấp, quá trình quản lý và giảng dạy còn bất cập nên tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp của hệ GDTX thấp, kéo theo tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung của tỉnh giảm.

Ngày càng có nhiều học sinh sau khi học hết lớp 9 đã quyết định chọn con đường vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có chất lượng đầu vào thấp, quá trình quản lý và giảng dạy còn bất cập nên tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp của hệ GDTX thấp, kéo theo tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung của tỉnh giảm.

Học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Cẩm Mỹ vừa học văn hóa, vừa học nghề. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Cẩm Mỹ vừa học văn hóa, vừa học nghề. Ảnh: C.Nghĩa

Năm 2022, tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT đạt 99,13% nhưng hệ GDTX chỉ đạt 86,94%, dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp THPT trung bình của tỉnh giảm xuống còn 96,84%.

* Băn khoăn dạy văn hóa trong trường nghề

Năm 2022, Trung tâm GDNN-GDTX H.Cẩm Mỹ có 45 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có 26 thí sinh đậu (chiếm gần 58%). Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp thấp, ông Nguyễn Doãn Thức, Giám đốc trung tâm cho biết: “H.Cẩm Mỹ có 3 trường THPT, các trường này đều xét tuyển học sinh lớp 9 chứ không thi tuyển. Những em nào không đậu vào các trường THPT mới đăng ký vào trung tâm để vừa học văn hóa, vừa học nghề, để sau 3 năm vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề. Những em vào trung tâm phần lớn có học lực hạn chế nên quá trình học văn hóa gặp nhiều khó khăn. Để có được tỷ lệ tốt nghiệp THPT gần 58% cũng đã là sự cố gắng lớn”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Kiến nghị sửa đổi những bất cập

Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TBXH phải cùng phối hợp để tăng cường kiểm tra, đồng thời tìm các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học văn hóa THPT trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Những bất cập cần được phân tích kỹ, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với 2 bộ GD-ĐT và LĐ-TBXH để kịp thời tháo gỡ, không để ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục THPT của tỉnh.

Ông Nguyễn Doãn Thức cho biết thêm, năm học 2022-2023, số học sinh đăng ký vừa học nghề, vừa học văn hóa ở Trung tâm GDNN-GDTX H.Cẩm Mỹ tăng đáng kể so với các năm trước, lên tới 130 em. Đây là tín hiệu đáng mừng khi nhận thức về vừa học nghề, vừa học văn hóa có biến chuyển. Tuy trung tâm chỉ có giáo viên cơ hữu để triển khai dạy 4 môn văn hóa là: Toán, Lý, Hóa và Sử, các môn học còn lại phải hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng ở các trường THPT trên địa bàn, hoặc giáo viên đã về hưu. Do không có đủ giáo viên nên 1/3 số buổi học văn hóa của học sinh được dạy vào cuối tuần.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Trung tâm GDNN-GDTX H.Nhơn Trạch có 43 thí sinh dự thi, chỉ có 28 thí sinh đậu, đạt 65%, thấp hơn tỷ lệ tốt nghiệp trung bình hệ GDTX của tỉnh là 86,94%. Một trong những nguyên nhân tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp thấp chính là do chất lượng đầu vào thấp, không ít thí sinh cảm thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT là một “ngọn núi” quá cao, khó có thể vượt qua để có thể đạt được “mục tiêu kép” vừa có được tấm bằng tốt nghiệp THPT, vừa có tấm bằng nghề sau 3 năm học. L.N.L., học viên của Trung tâm GDTN-GDTX H.Nhơn Trạch cho biết: “Kiến thức các môn văn hóa của tôi bị hổng từ bậc THCS, khi học lên hệ GDTX, dù số môn học có ít hơn hệ THPT nhưng tôi vẫn cảm thấy “bất lực” với chuyện có thể tiếp thu thêm kiến thức mới”.

* Không thể buông lỏng

Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT liên quan đến hoạt động của ngành và công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023. Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, toàn tỉnh có 24 ngàn thí sinh, trong đó có 6 ngàn thí sinh hệ GDTX. Điểm trung bình một số môn của thí sinh hệ GDTX so với hệ THPT có khoảng cách khá lớn, từ 1-2 điểm. Khoảng cách này đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tốt nghiệp THPT trung bình của tỉnh.

Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ, hệ GDTX có đặc thù riêng về chất lượng đầu vào, phần lớn học sinh có học lực hạn chế nên phương pháp quản lý và giảng dạy phải chặt chẽ. Tuy nhiên, việc dạy học văn hóa ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp hiện nay do Sở LĐ-TBXH quản lý lại tồn tại nhiều bất cập. Có trường nghề hiện nay số học sinh theo học văn hóa quy mô lên tới 3 ngàn học sinh, lớn hơn cả một trường THPT. Khi học lực hạn chế mà sáng học nghề, chiều học văn hóa sẽ rất khó đảm bảo chất lượng cả hai. Vì vậy, việc dạy văn hóa đại trà ở các cơ sở dạy nghề phải có đánh giá và đề xuất cụ thể. Trước mắt, năm học 2022-2023 này, Sở GD-ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, quyết liệt siết chặt dạy văn hóa ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để không ảnh hưởng tới chất lượng tốt nghiệp THPT chung của tỉnh.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu cho biết, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TBXH đã tiến hành kiểm tra công tác dạy văn hóa tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp do đơn vị mình quản lý. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, từ đó nâng cao chất lượng dạy văn hóa, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh có những giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại trong quản lý và dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều