Ngay trước thềm năm học mới, Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường. Điều này cho thấy, công tác xây dựng văn hóa học đường đang rất được quan tâm nhằm tạo ra một môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thực sự giúp học sinh "mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui".
Ngay trước thềm năm học mới, Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường. Điều này cho thấy, công tác xây dựng văn hóa học đường đang rất được quan tâm nhằm tạo ra một môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thực sự giúp học sinh “mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui”.
Thực tế thời gian qua cho thấy, môi trường học đường còn bộc lộ khá nhiều điểm mất an toàn, khiến cả nhà trường, phụ huynh và xã hội lo lắng. Không ít vụ bạo lực học đường xảy ra trong môi trường này mà thủ phạm chính là thầy cô hay học trò làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo lý tôn sư trọng đạo, tình thầy - trò. Thầy đánh, nhục mạ học sinh; học sinh quay lén các clip tung lên mạng bêu rếu thầy cô, thậm chí lập nhóm để “xử” nhau ngay trong trường học. Tình trạng nói bậy, chửi thề… vẫn còn xảy ra khá phổ biến.
Trước thực trạng trên, ngày 1-6-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường với mục tiêu để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; tăng đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa học đường tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tin, khát vọng, tự hào dân tộc với học sinh, sinh viên.
Chỉ thị cũng đã thẳng thắn nhìn nhận có một bộ phận nhà giáo, học sinh, sinh viên có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường. Trong khi đó, việc xây dựng môi trường văn hóa học đường còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều quy định, giải pháp triển khai còn bất cập, cứng nhắc hoặc mang tính hình thức. Mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả trong việc giáo dục học sinh…
Chính vì vậy, nhiều đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường khá đồng tình với một trong các giải pháp được Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đưa ra tại hội nghị, đó là phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử. Tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng.
Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện. Lấy con người làm trung tâm, ưu tiên bồi dưỡng phẩm chất yêu nước, tính trung thực và tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực tự học, ý thức tự chủ, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh, tư duy phản biện, phong cách làm việc khoa học.
Minh Ngọc