Báo Đồng Nai điện tử
En

Trường nghề với việc cải thiện chất lượng giảng dạy văn hóa

11:08, 24/08/2022

Việc có ngày càng nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chọn các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên học tập cho thấy công tác phân luồng sau THCS đã từng bước có hiệu quả. Nhiều bậc phụ huynh không còn cảm thấy nặng nề khi con vào học trong môi trường này mà đã thoải mái, tạo điều kiện tốt nhất để con vừa học nghề, vừa học văn hóa.

 

Việc có ngày càng nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chọn các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên học tập cho thấy công tác phân luồng sau THCS đã từng bước có hiệu quả. Nhiều bậc phụ huynh không còn cảm thấy nặng nề khi con vào học trong môi trường này mà đã thoải mái, tạo điều kiện tốt nhất để con vừa học nghề, vừa học văn hóa.

Giám đốc nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh chia sẻ rằng, mấy năm gần đây, số học sinh đăng ký vào học khá đông nên các trung tâm  không còn cảm thấy bị… lãng quên. Thay vào đó, các trung tâm tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, tuyển dụng thêm giáo viên, chú trọng nâng cao chất lượng dạy nghề và văn hóa. Vì vậy, tỷ lệ học sinh học các trung tâm này đậu tốt nghiệp THPT những năm trở lại đây đã tăng hơn trước đó. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho hệ giáo dục thường xuyên.

Tuy nhiên, công tâm mà nói, do chất lượng đầu vào của học sinh còn hạn chế, lại vừa học văn hóa, vừa học nghề nên để theo được chương trình học, nhiều học sinh khá “đuối”, dẫn đến kết quả thi cuối cấp không cao. Bên cạnh đó, công tác giảng dạy ở những trung tâm này vẫn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh cho phù hợp mới có thể nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên, bởi đây là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng giảng dạy.

Hiện nay, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có 2 nguồn giáo viên chính là cơ hữu và thỉnh giảng. Trong khi đội ngũ giáo viên cơ hữu tham gia giảng dạy văn hóa năng lực còn hạn chế thì lực lượng giáo viên thỉnh giảng lại có tâm lý đến dạy xong rồi về, không gần gũi, sâu sát với học sinh. Vì vậy, phương pháp giảng dạy của nhiều giáo viên ở những trung tâm này không có sự sáng tạo, hấp dẫn để tạo sức hút đối với học sinh. Nhiều giáo viên vẫn có tâm lý ngại đổi mới cho thích ứng với điều kiện dạy và học trong thời đại số…

Để nâng cao chất lượng giảng dạy văn hóa ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, rất cần sự rà soát, đánh giá nghiêm túc dựa trên kết quả hoạt động thực tế ở từng trung tâm. Đặc biệt, không vì thành tích mà bỏ qua những yếu tố cần được chấn chỉnh, cải thiện trong công tác giảng dạy ở hệ thống giáo dục này. Bởi kết quả thi tốt nghiệp THPT hệ giáo dục phổ thông có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi tốt nghiệp THPT hằng năm của tỉnh. Tỷ lệ tốt nghiệp của hệ giáo dục thường xuyên thấp sẽ kéo theo kết quả thi tốt nghiệp THPT toàn tỉnh thấp. Đây là một thực tế rất cần sự phối hợp nhịp nhàng, nghiêm túc giữa 2 đơn vị chính là ngành GD-ĐT và LĐ-TBXH để những năm tới, chất lượng giảng dạy văn hóa của hệ giáo dục thường xuyên sẽ khởi sắc hơn.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều