Bên cạnh sự tham gia của các trường nghề tư thục, hệ thống trường nghề còn đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp (DN) và các tổ chức quốc tế trong đào tạo nghề. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
[links()]Bên cạnh sự tham gia của các trường nghề tư thục, hệ thống trường nghề còn đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp (DN) và các tổ chức quốc tế trong đào tạo nghề. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (TP.Biên Hòa) có thế mạnh về ngành Công nghệ giày da. Ảnh: H.Yến |
Những hợp tác này đồng thời cũng mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
* Xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp
Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở Đồng Nai phát triển rộng khắp với 60 trường, trung tâm. Bên cạnh các cơ sở GDNN công lập, hệ thống các trường, trung tâm đào tạo nghề ngoài công lập phát triển đã góp phần đáp ứng nhu cầu của người học.
Trong đó, Trường cao đẳng (CĐ) Hòa Bình Xuân Lộc (H.Trảng Bom) là trường học thuộc Tòa giám mục Xuân Lộc do Ban Bác ái xã hội (Caritas) của giáo phận điều hành, quản lý. Đây là trường CĐ nghề trực thuộc tổ chức tôn giáo đầu tiên của cả nước.
Hằng năm, trường tuyển sinh trên 1 ngàn học sinh hệ trung cấp (sau phân luồng THCS) và 300 sinh viên hệ CĐ. Học sinh hệ trung cấp đến học tại Trường CĐ Hòa Bình Xuân Lộc đến từ khắp nơi trong cả nước.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai có 60 cơ sở GDNN gồm: 10 trường CĐ, 5 trường trung cấp, 24 trung tâm GDNN (trong đó có 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện) và 21 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. UBND tỉnh đang triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh theo Quyết định số 897/QĐ-TTg, ngày 26-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Với mục tiêu góp phần chủ trương xóa đói giảm nghèo, trường tiếp nhận và hỗ trợ nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tham gia học tập. Cũng với mục tiêu đó, trường có mức thu học phí khá thấp (6 triệu đồng/năm đối với hệ CĐ và 5 triệu đồng/năm đối với hệ trung cấp - học sinh trung cấp sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo chủ trương phân luồng học sinh sau THCS).
Cùng với đó, Trường CĐ Hòa Bình Xuân Lộc còn có ký túc xá ngay trong khuôn viên trường để đáp ứng nhu cầu chỗ ở và tạo thuận lợi cho học sinh ở xa trọ học.
Trường CĐ Công nghệ và quản trị Sonadezi (TP.Biên Hòa) là trường công lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện cổ phần hóa. Hiện nay, 60% cổ phần của trường do DN sở hữu. Cùng với sự tham gia của DN, nhà trường đã có nhiều đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề và các thiết chế phục vụ sinh viên.
Ngoài đào tạo hệ CĐ, từ năm học 2019-2020, nhà trường đã thực hiện đào tạo hệ 9+4, góp phần đáp ứng nhu cầu học nghề sau phân luồng THCS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, học sinh học hệ này sẽ vừa học CĐ nghề, vừa học văn hóa chương trình Giáo dục thường xuyên. Hiện nay, trung bình mỗi năm trường tuyển sinh 500 chỉ tiêu hệ 9+4.
Ngoài 2 trường kể trên, Đồng Nai còn nhiều trường nghề tư thục khác như: Trường phổ thông CĐ FPT Polytechnic (cơ sở Đồng Nai), Trường trung cấp Mai Linh (TP.Biên Hòa)… Sự tham gia của các trường nghề tư thục với nhiều ngành nghề đào tạo đã góp phần đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn tỉnh.
* Bắt tay với DN, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề thì phải có sự tham gia của DN. Vì vậy, hiện nay các trường nghề đều có mối liên hệ chặt chẽ với các DN trong quá trình đào tạo. Trong đó, mô hình đào tạo kép (đào tạo song hành) đang ngày càng được mở rộng tại các trường nghề.
Theo đó, DN không chỉ hỗ trợ về nơi thực tập cho học sinh, sinh viên mà còn tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng, điều chỉnh khung chương trình đào tạo; cử nhân viên có tay nghề cao tham gia giảng dạy một số module trong chương trình đào tạo; hỗ trợ chấm thi nghề…
Sự tham gia của DN trong đào tạo nghề góp phần giảm bớt áp lực về đầu tư trang thiết bị thực hành cho nhà trường, đưa chương trình đào tạo sát với thực tế, nâng cao tay nghề của người học… Đồng thời, DN cũng được hưởng lợi là có thể tiếp nhận nhân lực tại trường nghề mà không cần tốn thêm chi phí để đào tạo lại. Hiện nay, tùy theo ngành học, sinh viên sẽ được trải nghiệm học kỳ DN ngay từ năm nhất, giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc môi trường làm việc chuyên nghiệp sớm nhất.
So với bậc đại học, mức học phí đào tạo nghề hiện ở mức khá thấp. Theo khảo sát của phóng viên, mức thu học phí hệ CĐ của các trường nghề trên địa bàn Đồng Nai dao động từ 3-6 triệu đồng/học kỳ; các chương trình đào tạo nghề quốc tế có mức thu học phí cao hơn nhưng người học có cơ hội đi lao động tại nước ngoài sau khi kết thúc khóa học. Riêng năm học 2022-2023, các trường chưa đưa ra được mức thu học phí chính xác do Sở LĐ-TBXH chưa công bố định mức kinh tế - kỹ thuật (là căn cứ để các trường xây dựng mức học phí). |
Trường CĐ Kỹ thuật Đồng Nai (TP.Biên Hòa) đang đào tạo 5 nghề trọng điểm gồm: 2 nghề tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, 2 nghề tiếp cận tiêu chuẩn khu vực ASEAN và 1 nghề theo chuẩn quốc gia. Để đào tạo theo chuẩn chất lượng cao, nhà trường phải đảm bảo có ít nhất 40% nội dung đào tạo được thực hiện tại DN, bao gồm cả thời gian thực tập. Theo đó, sinh viên sẽ có khoảng 1.200 giờ học tập, thực hành tại DN (những nghề khác có thời gian làm việc tối thiểu tại DN là 650 giờ).
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) cho biết, khoảng 2-3 năm là nhà trường lại tiến hành điều chỉnh chương trình đào tạo. Trong quá trình điều chỉnh, nhà trường đều mời cán bộ cao cấp của DN tham gia góp ý. Nhờ đó, chương trình đào tạo sát với yêu cầu thực tế của DN hơn…
Việc kết nối chặt chẽ với DN cũng mang lại cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên các trường nghề. Trường CĐ Công nghệ và quản trị Sonadezi có bộ phận quan hệ đối ngoại để thường xuyên tiếp nhận các nhu cầu tuyển dụng của DN và phổ biến cho sinh viên. Đồng thời, hằng năm, nhà trường tổ chức Ngày hội Việc làm để tạo cầu nối giữa DN có nhu cầu tuyển dụng và sinh viên tốt nghiệp. Trung bình mỗi đợt tổ chức, ngày hội thu hút hơn 40 DN tham gia và giới thiệu được hơn 200 đầu việc cho sinh viên.
Cũng giống như hình thức Ngày hội Việc làm, hằng năm, Trường CĐ Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) đều tổ chức hoặc tham gia Ngày hội Giao lưu nguồn nhân lực nhằm kết nối DN Nhật Bản và sinh viên.
ThS Lê Đình Thâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 20-25 DN Nhật Bản và 100 sinh viên của trường tham gia sự kiện này. Qua phỏng vấn trực tiếp tại ngày hội, có khoảng 70% sinh viên được DN đồng ý tuyển dụng. “Tuy nhiên, không phải tất cả sinh viên được tuyển dụng đều đồng ý với cơ hội việc làm này mà có thể chọn những cơ hội khác phù hợp hơn” - ThS Thâm chia sẻ.
Trước đó, Trường CĐ Công nghệ cao Đồng Nai là một trong 2 trường đầu tiên ở Đồng Nai được tham gia chương trình Hợp tác phát triển nguồn nhân lực do vùng Kansai và Tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ.
Theo đó, trường được đào tạo 5S - An toàn nhằm nâng cao chất lượng trong giảng dạy cũng như trong sản xuất. Hiện nay chương trình tài trợ này đã kết thúc, Trường CĐ Công nghệ cao Đồng Nai tiếp tục lan tỏa chương trình bằng cách hỗ trợ các trường khác thực hành 5S - An toàn. Việc thực hành 5S - An toàn cũng là một tiêu chí giúp người học tăng cơ hội có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Hải Yến
Bài 3: Tự tin gia nhập thị trường lao động quốc tế