Đồng Nai hiện đã ghi nhận 14 ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết (SXH), đứng thứ 2 cả nước, sau TP.HCM.
Đồng Nai hiện đã ghi nhận 14 ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết (SXH), đứng thứ 2 cả nước, sau TP.HCM.
Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung |
Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG nhấn mạnh, thời điểm này, mặc dù chưa phải là đỉnh dịch nhưng số ca mắc và tử vong do SXH trên địa bàn tỉnh đang rất đáng lo ngại.
* Số ca tử vong đứng thứ 2 cả nước
* Tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này ra sao, thưa ông?
- Dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp. Số ca mắc bệnh vẫn đang tiếp tục gia tăng dù chưa tới đỉnh dịch, vẫn tiếp tục ghi nhận ca tử vong do SXH. Hiện tỉnh đã ghi nhận hơn 14,8 ngàn ca bệnh SXH, chưa tính đến số bệnh nhân tự điều trị tại nhà hoặc khám, điều trị tại các phòng khám mà không được báo cáo đầy đủ. Số ca tử vong hiện là 14, đứng thứ 2 cả nước, sau TP.HCM.
* Hiện có sự chênh lệch về số liệu ca tử vong do bệnh SXH giữa Bộ Y tế và các địa phương. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Theo quy trình, hằng tuần Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ báo cáo số liệu ca mắc và ca tử vong do SXH tại Đồng Nai cho Viện Pasteur TP.HCM. Viện Pasteur TP.HCM sau đó sẽ tổng hợp để gửi cho Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sẽ tổng hợp để báo cáo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số ca tử vong mới nhất mà trung tâm đã gửi cho Viện Pasteur TP.HCM vào thứ 5 tuần trước là 13 ca. Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra sáng 2-8, Bộ Y tế cho biết số ca tử vong do SXH trên cả nước là 45 ca, trong đó Đồng Nai có 5 ca, thấp hơn số liệu mà tỉnh báo cáo. Nguyên nhân có thể do hệ thống chưa cập nhật kịp thời hoặc do cách thống kê theo từng mốc thời gian cụ thể của Bộ Y tế.
Bệnh SXH hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, phương châm chủ yếu là “phòng hơn chữa”. Bên cạnh những hoạt động của ngành Y tế, đề nghị người dân cần hết sức cảnh giác, không được chủ quan với dịch bệnh này. Người dân cần chủ động dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát. Lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, thả cá để diệt lăng quăng, không vứt rác bừa bãi. Ngoài ra, cần diệt muỗi bằng vợt điện, nhang muỗi, bôi kem chống muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… Khi có triệu chứng sốt cao liên tục cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa để điều trị kịp thời, không tự ý truyền nước, dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. |
* Số ca tử vong do SXH của tỉnh đến thời điểm này tăng 13 ca so với cùng kỳ năm 2021. Theo ông đâu là nguyên nhân?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca tử vong do SXH năm nay cao hơn các năm trước, thậm chí là so với chu kỳ dịch năm 2019. Nguyên nhân là do chủng virus dengue năm nay xen kẽ 2 tuýp virus D1 và D2 khiến số ca mắc bệnh nhiều. Số ca mắc bệnh cao kéo theo số ca bệnh nặng cũng tăng cao. Theo phân tích số ca tử vong vừa qua cho thấy, đa số bệnh nhân có diễn tiến bệnh rất nhanh, có trường hợp mới nhập viện hoặc nhập viện được 3-4 ngày đã rơi vào tình trạng sốc nặng, suy đa cơ quan. Dù các y, bác sĩ đã dốc sức cứu chữa hoặc chuyển lên tuyến trên nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Mặt khác, có nhiều bệnh nhân bị một số bệnh nền nặng, đến khi mắc SXH dễ bị trở nặng và tử vong hơn những người không có bệnh nền.
* Tại sao Đồng Nai luôn là một trong số những “điểm nóng” của dịch bệnh SXH nói riêng và các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác nói chung, thưa ông?
- Điều này rất dễ hiểu. Đồng Nai là tỉnh có dân số đông với hơn 3,2 triệu dân, là trung tâm giao thương lớn của cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam, miền Trung, thường xuyên xảy ra sự di biến động dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước dẫn đến nguy cơ dịch bệnh gia tăng. Mặt khác, tỉnh Đồng Nai tập trung nhiều khu công nghiệp, có rất nhiều khu nhà trọ công nhân nhưng cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh hoạt của người dân trong các khu nhà trọ chưa bảo đảm, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường. Nhiều khu nhà trọ xây dựng đã lâu, xuống cấp trầm trọng, nhiều người cùng ở trong một phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp; nhiều khu trọ không được vệ sinh sạch sẽ, cống nước không thoát được ra ngoài gây ứ đọng, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, tình trạng ngập nước mỗi khi trời mưa tại một số địa bàn trong tỉnh cũng là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển.
* Nguy cơ dịch chồng dịch hiện hữu
* Song song với số ca bệnh SXH tăng, số ca mắc Covid-19 cũng đang tăng. Ngành Y tế đã có phương án gì để ứng phó, thưa ông?
- Nguy cơ dịch chồng dịch đang hiện hữu tại Đồng Nai khi số ca bệnh SXH và Covid-19 liên tục gia tăng trong những ngày gần đây. Đầu tháng 7 vừa qua, tỉnh thực hiện xét nghiệm gen ngẫu nhiên của 5 ca bệnh Covid-19 thì đã phát hiện 4 ca nhiễm biến thể phụ BA.5 của biến chủng Omicron. Biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn so với những biến thể cũ nên các đối tượng chưa tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19, chưa tiêm mũi 3, mũi 4, có bệnh nền thuộc diện nguy cơ mắc Covid-19 cao.
Phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa. Ảnh: CTV |
Thực tế hiện nay đang có 32 bệnh nhân Covid-19 đang phải điều trị tại tầng 3 của tháp điều trị. Trong đó, 23 ca bệnh nặng phải thở oxy không xâm lấn, 1 ca thở máy xâm lấn; 219 ca F0 khác đang theo dõi tại nhà. Nếu xảy ra dịch chồng dịch sẽ dẫn đến quá tải cho ngành Y tế, rất khó để khắc phục trong điều kiện hiện nay khi cơ sở hạ tầng có những nơi chưa đảm bảo; nhân lực thiếu nhiều do bác sĩ, điều dưỡng liên tục nghỉ việc; tâm lý làm việc của nhân viên y tế bị sụt giảm.
* Hiện một số địa phương đang xảy ra tình trạng thiếu thuốc phun diệt muỗi, diệt lăng quăng, Sở có hướng giải quyết như thế nào?
- Có một thực tế đang diễn ra là nhiều đơn vị rất ngại và sợ phải mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư hóa chất trong thời điểm này. Chỉ riêng vấn đề đấu thầu, mua hóa chất để phun diệt muỗi và lăng quăng nhưng không địa phương nào dám mua. Sở Y tế đang tiến hành đấu thầu mua sắm thuốc để cung cấp cho các địa phương triển khai các biện pháp phòng dịch.
* Xin cảm ơn ông!
Hạnh Dung (thực hiện)