Người khuyết tật (NKT) vẫn đang gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày trong chính ngôi nhà của mình. Bởi nhiều ngôi nhà được xây dựng cho gia đình có thành viên là NKT trong thời gian qua ít chú trọng đến việc trang bị thêm những dụng cụ, thiết bị hỗ trợ dành cho họ.
Người khuyết tật (NKT) vẫn đang gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày trong chính ngôi nhà của mình. Bởi nhiều ngôi nhà được xây dựng cho gia đình có thành viên là NKT trong thời gian qua ít chú trọng đến việc trang bị thêm những dụng cụ, thiết bị hỗ trợ dành cho họ.
Chị Nguyễn Thị Hồng Tâm (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) có thể tự mình di chuyển bằng hệ thống tay vịn được lắp đặt theo chiều dài căn nhà. Ảnh: S.Thao |
Từ thực tế đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng Hội trợ giúp NKT Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, hệ thống tay vịn dành cho NKT.
* Giúp chủ động trong sinh hoạt
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hồng Tâm (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) sau thời gian sử dụng thiết bị tay vịn giúp di chuyển được lắp đặt theo chiều dài căn nhà và phù hợp với khả năng vận động của bản thân. Chị Tâm nói: “Tôi bị khuyết tật 2 chân. Mỗi lần muốn di chuyển phải có mẹ ở kế bên làm điểm tựa. Trong sinh hoạt, vệ sinh cá nhân hằng ngày càng cần có người giúp đỡ. Nhờ được lắp thêm tay vịn chạy dài khắp nhà, giờ tôi chủ động di chuyển theo ý mình vì đã có điểm tựa”.
Bà Phùng Khanh Chúc, mẹ chị Hồng Tâm cho biết thêm: “Trước đây phải có người ở nhà để giúp Hồng Tâm ra vào nhà vệ sinh. Nay thì em nó có thể tự di chuyển đến nơi mình cần thông qua việc dùng sức đôi tay bám vào hệ thống tay vịn. Thêm vào đó, nhà vệ sinh được cải tạo lại với việc hạ chiều cao bồn cầu, hệ thống ống nước vừa tầm tay, tay vịn được lắp ở nhiều vị trí khác nhau nên Hồng Tâm có thể làm gần như mọi việc một mình mà không cần tôi phải kèm như trước”.
Đồng Nai hiện có hơn 150 ngàn NKT, chiếm 5% dân số toàn tỉnh. Mỗi người đều mang trong mình những dị tật, sức khỏe yếu không thể lao động, phải phụ thuộc vào gia đình, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn nên cần được đặc biệt quan tâm, trợ giúp. |
Tương tự, gần 3 tuần nay, anh Hồ Quang Thái (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa, bị liệt 2 chân) trở nên vui vẻ hơn vì anh vừa có được cho mình nhà vệ sinh mới với chức năng sử dụng dành riêng cho bản thân.
Anh Thái cho hay, trước đây nhà vệ sinh dùng chung của cả nhà anh không sử dụng được vì chiều cao không phù hợp. “Mình lớn rồi nên cũng rất ngại nếu mỗi khi vệ sinh cá nhân phải nhờ mẹ hay người thân hỗ trợ” - anh Thái chia sẻ.
Từ hoàn cảnh của anh, nhà vệ sinh mới đã được xây dựng cạnh nhà vệ sinh cũ để anh Thái có thể tự mình sinh hoạt cá nhân. Anh Thái bộc bạch: “Tôi vui vô cùng. Nhà vệ sinh mới giúp tôi có thể tự làm mọi thứ, ngay cả gương soi, bồn rửa tay cũng ngang tầm tay của mình”.
* Hướng đến sự thuận tiện cho NKT
Niềm vui của chị Hồng Tâm, anh Quang Thái cũng là sự phấn khởi chung của NKT và người thân khi được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tay vịn giúp di chuyển, cải tạo hoặc xây mới nhà vệ sinh.
Anh Hồ Quang Thái (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) trở nên vui vẻ hơn vì có nhà vệ sinh mới với chức năng dành riêng cho người khuyết tật |
Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, phần lớn trong số hơn 8 ngàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều là NKT. Ngoài những trường hợp nằm liệt một chỗ thì những cá nhân bị khiếm khuyết tay, chân hay cả tay chân đều cố gắng vươn lên trong cuộc sống bằng nhiều nghề khác nhau. Tuy nhiên, việc có những công trình sinh hoạt trong gia đình phù hợp còn ít, vì vậy họ thường gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.
Từ thực tế đó, Hội cùng với Hội trợ giúp NKT Việt Nam tiến hành sửa chữa, xây mới nhà vệ sinh dành cho NKT. Cụ thể, trong năm 2022, các đơn vị phối hợp để hỗ trợ sửa chữa và xây dựng mới công trình vệ sinh cho 45 hộ tại TP.Biên Hòa và 2 huyện Định Quán, Tân Phú. Mỗi công trình sau khi hoàn thành và bàn giao cho gia đình NKT có giá trị từ 40-50 triệu đồng. Riêng năm 2023, sẽ có thêm 100 hộ có thành viên là NKT tại các huyện được nhận sự hỗ trợ này nhằm giúp NKT có cơ hội hòa nhập, chủ động trong sinh hoạt trong chính ngôi nhà của mình.
Sông Thao