Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm

06:07, 16/07/2022

Từ khi được bầu làm người uy tín của cộng đồng người Chăm ở xã Bình Sơn (H.Long Thành), ông Đô Hô Sên đã tìm cách bảo tồn và gìn giữ chữ viết của dân tộc bằng cách mở lớp dạy chữ Chăm cho các em nhỏ.

Từ khi được bầu làm người uy tín của cộng đồng người Chăm ở xã Bình Sơn (H.Long Thành), ông Đô Hô Sên đã tìm cách bảo tồn và gìn giữ chữ viết của dân tộc bằng cách mở lớp dạy chữ Chăm cho các em nhỏ.

Ông Đô Hô Sên hướng dẫn học sinh học chữ của đồng bào Chăm. Ảnh: M.Ny
Ông Đô Hô Sên hướng dẫn học sinh học chữ của đồng bào Chăm. Ảnh: M.Ny

Hơn 10 năm gắn bó với công việc “bao đồng”, ông Sên không nhận đồng thù lao nào. Phần thưởng và cũng là tâm nguyện của ông là chữ viết, bản sắc văn hóa của người Chăm không bị mai một.

* Giữ gìn văn hóa người Chăm

Lớp dạy chữ của ông Đô Hô Sên nằm bên trong giáo đường của người Chăm. Bên trong có bảng đen, bàn ghế, hệ thống đèn điện và một tủ sách. Phần lớn giáo trình dạy chữ viết cho con em đồng bào đều do ông sưu tầm dựa theo tài liệu dạy chữ của người Chăm ở các tỉnh: An Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận và chia sẻ của những người có uy tín trong cộng đồng. Từ 26 chữ cái Chăm, ông Sên biên soạn cách ghép âm, ghép vần, tạo câu sao cho người học dễ nhớ. Ngoài dạy chữ và những kiến thức liên quan đến đời sống hằng ngày, ông Sên cùng một số người khác còn dịch một truyện ngắn tiêu biểu, gương đạo đức từ tiếng Ả-rập, tiếng Việt sang tiếng Chăm để dạy cho con em trong làng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan lớp học, ông Sên chia sẻ, Đồng Nai chỉ có 2 làng Chăm, 1 làng ở xã Bình Sơn (H.Long Thành) có nguồn gốc từ tỉnh An Giang và 1 làng ở xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh. Sau ngày đất nước được thống nhất, ông theo gia đình lên Đồng Nai định cư. Thời điểm đó, địa phương chưa có giáo đường, chưa có nhà văn hóa, không có dạy chữ; người Chăm sinh hoạt giáo lý và tiếng nói mẹ đẻ cho nhau tại nhà. Thấy nhiều người bao gồm cả người già, trẻ nhỏ chỉ nói được tiếng Chăm mà không biết đọc, biết viết, ông Sên có ý tưởng mở lớp dạy chữ.

Em MOHAMAD KARIM cho biết: “Trước khi đến lớp, em chỉ nghe và nói tiếng Chăm chứ không biết viết chữ. Bây giờ em đã thuộc lòng bảng chữ cái và có thể dạy chữ cho em của mình. Em còn đọc được 5 điều Bác Hồ dạy bằng cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt”.

“Những người biết đọc và viết chữ Chăm ngày càng ít. Tôi sợ mình không mở lớp dạy chữ thì không lâu sau tiếng nói, chữ viết và cả bản sắc văn hóa riêng của dân tộc cũng sẽ biến mất” - ông Sên nói.

Lúc trở thành người uy tín của cộng đồng Chăm, ông Sên báo cáo với chính quyền xã về ý tưởng thành lập lớp học và xin hỗ trợ sách, bút, bàn ghế, điện chiếu sáng. Rồi ông đến từng nhà vận động các bậc phụ huynh cho con đến lớp học chữ. Ban đầu lớp chỉ mở buổi tối, chưa đến 10 em tham gia, nhưng ông vẫn kiên trì dạy chữ Chăm và tiếng Việt cho những em không có điều kiện đến trường. Thấy con em mình đọc thông viết thạo, nhiều bậc cha mẹ, rồi cả ông bà 50 tuổi cũng xin tham gia lớp học. Số lượng học trò ngày một đông, ông Sên phải chia lớp, chia ca và mời thêm 2 thầy dạy phụ.

Hiện tại, ở thánh đường người Chăm có 2 lớp học với khoảng 60 người, trong đó có lớp dạy chữ cơ bản cho các em nhỏ. Tiền sách vở, bút mực, giáo trình đều do ông Sên đi vận động mạnh thường quân hỗ trợ. Lớp học được giao lại cho 2 “thầy giáo” trẻ phụ trách, ông Sên quán xuyến mọi hoạt động của thánh đường.

* Nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào

Niềm vui của ông Sên là giúp con em đồng bào Chăm thông thạo tiếng nói, chữ viết Chăm ngày càng nhiều, tự tay viết hồ sơ, ký tên đi làm công ty. Điều ông luôn trăn trở là hiện tại chỉ có 2 người dạy chữ, không “trụ” nổi với lớp học. Các thầy dạy học miễn phí, hằng tháng Ban vận động của giáo đường có đi vận động tiền từ các hộ gia đình để trả công nhưng không được bao nhiêu so với sinh hoạt phí.

Ông Mohamad Amin, thầy dạy tiếng Chăm ở đây được hơn 2 năm, cho biết ông từng đi học ở nước ngoài về, sau đó dạy chữ cho người Chăm ở TP.HCM. Hơn 3 năm trước, ông chuyển về Bình Sơn sinh sống và tiếp tục công việc này, “Tôi muốn góp phần lưu giữ chữ viết của người Chăm cho thế hệ sau. Tôi dạy chữ và những kiến thức, đạo đức làm người, kinh nghiệm cuộc sống tôi biết. Mong rằng các con lớn lên, ra đời thích ứng được với xã hội” - ông Amin nói.

Về phần mình, ông Amin mong Nhà nước quan tâm đến các “thầy giáo làng” để họ có điều kiện cải thiện cuộc sống.

Theo UBND xã Bình Sơn, việc làm của ông Sên và những người tham gia dạy chữ rất ý nghĩa. Không chỉ góp phần duy trì, bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào Chăm ở Bình Sơn mà còn giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã nâng cao hiểu biết. Ông Sên là người có uy tín, nhiều lần được chính quyền các cấp tặng giấy khen, bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, tôn giáo và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Mới đây nhất, lực lượng vũ trang huyện và Huyện ủy Long Thành đã hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng công trình văn hóa gồm 2 phòng học, 1 phòng đọc sách ngay trong thánh đường Chăm. Công trình dự kiến khánh thành và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 7 này để giúp con em đồng bào Chăm thuận lợi hơn trong việc dạy - học chữ Chăm. Ngoài ra, H.Long Thành cũng thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện để người Chăm cải thiện cuộc sống như: hỗ trợ sách vở, học bổng, xe đạp cho học sinh; mở lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm; xây dựng nhà văn hóa và duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống...

Có thể nói, việc mở lớp dạy chữ viết cho con em đồng bào Chăm tại xã Bình Sơn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của văn hóa dân tộc Chăm nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung.

My Ny

Tin xem nhiều