Thông qua nguồn vốn vay chính sách từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, nhiều lao động đã có thêm cơ hội việc làm ngay tại nhà.
Thông qua nguồn vốn vay chính sách từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, nhiều lao động đã có thêm cơ hội việc làm ngay tại nhà.
Ông Nguyễn Văn Tích (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) làm dép tại nhà từ nguồn vốn vay chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Ảnh: V.TRUYÊN |
Điều này không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn tác động tích cực đến nhiều vấn đề an sinh xã hội khi người lao động được gần gũi với gia đình để từ đó thoát cảnh ly hương tìm việc.
* Thoát cảnh xa nhà
Năm 2010, ông Nguyễn Văn Tích cùng vợ và các con từ tỉnh Quảng Nam đến sinh sống tại P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh). Ông Tích có nghề làm dép từ khi còn là thanh niên nhưng đến nơi ở mới không có chỗ làm thích hợp nên ông phải đến TP.HCM làm thuê cho các nhà xưởng. Do đi làm xa nên mỗi tháng ông Tích về nhà thăm vợ và các con 2 ngày rồi phải lên nhà trọ ở để đi làm tiếp.
Bà MÃ THỊ THỦY (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) cho hay, giá cả thị trường ngày càng tăng; thiết bị máy móc, nguyên liệu đầu vào cũng vì vậy mà có giá cao hơn. Thêm vào đó, để tiêu thụ được hàng làm ra phải bán gối đầu cho các cửa hàng. Điều này khiến chi phí đầu vào rất cao. Do đó, từ góc độ người nhiều lần được vay vốn tín dụng chính sách, bà mong muốn số vốn vay dành cho các chương trình, nhất là cho vay giải quyết việc làm sẽ được nâng lên. |
Ông Tích kể: “Tuy thu nhập ổn định và có dư gửi về cho vợ nuôi các con ăn học nhưng khổ nhất với tôi là rất nhớ nhà. Đi làm lúc nào tôi cũng mong mình sẽ để dành được một số vốn rồi tự mua máy móc, nguyên liệu để làm dép tại nhà, bỏ mối cho các cửa hàng. Như vậy tôi sẽ không còn chịu cảnh xa nhà, có thời gian dạy dỗ 4 đứa con đang tuổi lớn”.
Mong mỏi của vợ chồng ông đã thành sự thật khi năm 2014, thông qua các hội, đoàn thể địa phương, ông được tạo điều kiện vay vốn để mua máy móc cần thiết cho nghề của mình. Từ đó đến nay, đã 4 lần ông Tích được vay với số tiền trên 130 triệu đồng. Có vốn, vợ chồng ông mua máy, nguyên liệu để làm dép bỏ mối cho các chợ ở TP.Long Khánh. “Khi có nhiều bạn hàng, tôi đánh tiếng cho anh em từng làm với mình về làm cùng để không còn bôn ba làm thuê xa nhà. Nhờ vậy mà ngoài vợ chồng tôi, còn có 6 lao động khác đã có thu nhập ổn định từ nghề này. Tôi còn cho bà con mang hàng về làm tại nhà để tận dụng thời gian rảnh trong ngày, qua đó tăng thu nhập” - ông Tích chia sẻ.
Chủ tịch Hội LHPN P.Bảo Vinh Trần Đổng Thị Tố Hoa cho hay, hiện toàn phường có 1.073 khách hàng đang vay vốn chính sách, trong đó có 307 gia đình đang vay từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm. Trường hợp gia đình ông Tích chỉ là một trong rất nhiều gia đình nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã tự tạo việc làm cho bản thân, bà con lối xóm.
Cũng có hoàn cảnh tương tự là gia đình ông Nguyễn Văn Hưng (ngụ xã Lộ 25, H.Thống Nhất). Sau nhiều năm ở trọ làm việc xa nhà, ông Hưng mong muốn trở về cùng gia đình. Thông qua chương trình cho vay vốn để giải quyết việc làm tại chỗ do ngân hàng chính sách xã hội cùng chính quyền địa phương thực hiện, gia đình ông làm hồ sơ và được vay số tiền 100 triệu đồng. “Tiền vay cùng với số tiền tích góp nhỏ của gia đình, tôi làm chuồng rồi mua bò, heo rừng giống về nuôi. Đến nay, tôi đã có 2 con bò cùng 20 con heo đang sinh sản”.
* Tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn chính sách
Trong 5 tháng đầu năm 2022, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội trong tỉnh đã cho vay từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm với số tiền gần 464 tỷ đồng đối với hơn 9,9 ngàn khách hàng.
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên, hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm là chương trình tín dụng chính sách có số vốn giải ngân và hộ vay cao nhất trong số 16 chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai với gần 41 ngàn khách hàng đang vay tổng số tiền trên 1,5 ngàn tỷ đồng.
Cũng theo ông Chuyên, qua công tác phối hợp khảo sát, nắm tình hình, nhu cầu vay vốn của người dân đối với chương trình tín dụng chính sách này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, nhất là khi cho vay hỗ trợ tạo việc làm là một trong 5 chương trình tín dụng chính sách được đẩy mạnh thực hiện thông qua Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Cụ thể, dự kiến năm 2022 và 2023, số vốn vay cần cho chương trình này là 750 tỷ đồng. Riêng năm 2021, nhu cầu của người dân đối với chương trình này là 450 tỷ đồng.
Để đáp ứng nguồn vốn theo nhu cầu của người dân, theo ông Chuyên, hiện nguồn vốn đang được hệ thống ngân hàng chính sách xã hội phối hợp tích cực cùng các đơn vị liên quan chuẩn bị nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Riêng tại Đồng Nai, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành. Song song đó, các giải pháp đề ra nhằm thu hồi gốc - lãi của các khoản nợ đến hạn cũng được thực hiện tích cực, nhằm tạo ra nguồn vốn xoay vòng cho các chương trình tín dụng chính sách, trong đó có chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm.
Tại hội nghị Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tỉnh quý II-2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng yêu cầu các đơn vị liên quan cần phối hợp tốt hơn nữa để đảm bảo nguồn vốn đúng đối tượng vay, người vay sử dụng đúng mục đích. Song song với việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn, cần quan tâm hỗ trợ người dân đầu tư tăng hiệu quả, giảm rủi ro.
Văn Truyên