Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 với nhiều điểm mới thuận lợi và công bằng cho thí sinh. Các thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học năm nay cần lưu ý một số điểm mới để tăng thêm cơ hội trúng tuyển đại học.
Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 với nhiều điểm mới thuận lợi và công bằng cho thí sinh. Các thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học năm nay cần lưu ý một số điểm mới để tăng thêm cơ hội trúng tuyển đại học.
Học sinh Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp của Bộ GD-ĐT và các trường đại học lớn tại TP.HCM. Ảnh: Công Nghĩa |
Tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh mới đây, chia sẻ về dự hướng tuyển sinh năm 2022, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Công tác tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021 nhằm tạo thuận lợi cho cả thí sinh và đơn vị đào tạo. Bộ GD-ĐT chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi hơn so với năm trước”.
* Đảm bảo tính ổn định
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến các trường đại học và các chuyên gia, quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 tuy giữ ổn định như các năm trước đây nhưng vẫn có nhiều điểm mới, bước đầu được đánh giá khá cao.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra từ ngày 6 đến 8-7 Bộ GD-ĐT vừa lấy ý kiến các Sở GD-ĐT để thống nhất thời điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo tiến độ học tập của thí sinh. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 6 đến 8-7 và chỉ có 1 đợt thay vì 2 đợt như năm 2021. |
Chẳng hạn, những năm trước đây thí sinh phải thực hiện đăng ký xét tuyển vào đại học cùng lúc với thời điểm thi tốt nghiệp THPT thì năm 2022, dự kiến thí sinh có thể đăng ký sau khi đã thi tốt nghiệp THPT hoặc ngay cả khi đã biết điểm thi, thí sinh vẫn có thể đăng ký bình thường.
Đây được coi là thông tin rất có lợi cho thí sinh, giúp thí sinh có đầy đủ thông số của cá nhân phục vụ việc đăng ký xét tuyển và đạt được kết quả cao hơn. Khi thí sinh đã biết được điểm thi, với “vốn liếng” trong tay, thí sinh sẽ cân nhắc trường nào vừa tầm, nhiều cơ hội trúng tuyển.
Em Phạm Quốc Phong, học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) cho rằng: “Nếu đăng ký trước khi thi sẽ có nhiều rủi ro hơn, chẳng hạn khi thi xong mới thấy kết quả thi không như kỳ vọng, lúc đó lại mất thời gian và chi phí điều chỉnh. Còn với quy định mới, thí sinh có thể thư thả, thi xong đạt kết quả rồi cân nhắc tiếp”.
Theo dự thảo quy chế mới, quá trình đăng ký xét tuyển đại học sẽ được số hóa gần như hoàn toàn. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển với 2 phương thức chính gồm: đăng ký qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và qua Cổng dịch vụ công quốc gia theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, thí sinh còn được đăng ký nhiều ngành, nhiều nguyện vọng không giới hạn số lượng.
Tuy không bị hạn chế số lượng các nguyện vọng khi đăng ký nhưng thí sinh cần đặc biệt lưu ý, các nguyện vọng sẽ phải đăng ký theo thứ tự từ thấp đến cao. Khi các nguyện vọng đều đủ điều kiện trúng tuyển thì nguyện vọng ưu tiên 1 sẽ được xét.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM đưa ra lời khuyên với thí sinh Đồng Nai trong chương trình Đưa trường học đến thí sinh do Báo Người lao động tổ chức tại Trường đại học Đồng Nai mới đây: “Thí sinh cần “tỉnh”, dù số nguyện vọng không giới hạn nhưng phải cân nhắc ưu tiên nguyện vọng nào là quan trọng nhất, nguyện vọng nào là thứ hai và đăng ký cho đúng để đảm bảo quyền lợi cho mình. Tuyệt đối không được cho rằng, nhiều nguyện vọng thì đăng ký thoải mái nhưng không xác định được đâu là ưu tiên 1, đâu là ưu tiên 2, khi không trúng tuyển lại tiếc nuối”.
* Không nên vội vàng
Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2022 cho phép thí sinh có nhiều quỹ thời gian hơn, vì vậy nhiều chuyên gia tuyển sinh đưa ra lời khuyên hữu ích cho thí sinh là “không nên vội vàng” để không bị mất đi những “cơ hội vàng” trúng tuyển.
Những năm trước, quy định tuyển sinh khá “cứng”. Thí sinh thường được biết đủ điều kiện trúng tuyển trước khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, thí sinh có thể xác nhận nhập học, tiến hành nhập học và nhập trường khi có đủ giấy tờ cần thiết. Còn năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định các trường đại học không được xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình chung của Bộ GD-ĐT.
Dự thảo mới ghi rõ, các trường chỉ được phép công bố thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT và sẽ được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất. TS Phạm Như Nghệ, Vụ phó Vụ Giáo dục đại học cho rằng: “Dự thảo quy chế tuyển sinh mới dự kiến áp dụng cho năm 2022 sẽ hạn chế tối đa thí sinh “ảo”, trúng tuyển “ảo”. Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT sẽ lọc “ảo” bằng thao tác tự động loại bỏ các nguyện vọng của thí sinh khi thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao nhất”.
Điểm cộng ưu tiên tính theo khu vực là một trong những nội dung khá quan trọng, góp phần quyết định trúng tuyển. Cách tính điểm ưu tiên năm 2022 dự kiến vẫn được giữ nguyên như các năm trước.
Theo đó, thí sinh ở khu vực (KV) 1 được cộng 0,75 điểm, KV2 nông thôn được cộng 0,5 điểm, KV2 được cộng 0,25 điểm, KV3 không được cộng. Thí sinh cần lưu ý, điểm cộng ưu tiên chỉ được áp dụng vào năm thí sinh tốt nghiệp THPT. Những thí sinh đã tốt nghiệp THPT những năm trước, năm nay dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học sẽ không được cộng điểm ưu tiên. Đây là một trong những nội dung mới của quy chế xét tuyển đại học năm 2022. Riêng với thí sinh thuộc diện chính sách thì vẫn được cộng điểm ưu tiên dù đã tốt nghiệp THPT từ năm 2021 trở về trước.
TS PHẠM NHƯ NGHỆ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT): 90% thí sinh trúng tuyển bằng học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT Những năm trước và có thể cả năm 2022 này, dù có nhiều phương thức xét tuyển đại học khác nhau nhưng thí sinh cần lưu ý, có tới 90% thí sinh trúng tuyển bằng học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Chỉ có khoảng 10% thí sinh trúng tuyển bằng phương thức thi đánh giá năng lực do 2 đại học quốc gia tổ chức là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM. Việc tham gia kỳ thi đánh giá năng lực sẽ giúp cho thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển bên cạnh 2 hình thức xét tuyển chính là điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ. |
Công Nghĩa