Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề làm dâu trăm họ

08:04, 09/04/2022

Khi vào bệnh viện khám bệnh, một trong những người mà người bệnh tiếp xúc và được hướng dẫn tích cực là điều dưỡng. Đến khi điều trị nội trú, người mà họ thường xuyên tiếp xúc cũng là điều dưỡng.

Khi vào bệnh viện khám bệnh, một trong những người mà người bệnh tiếp xúc và được hướng dẫn tích cực là điều dưỡng. Đến khi điều trị nội trú, người mà họ thường xuyên tiếp xúc cũng là điều dưỡng.

Điều dưỡng Cao Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (đứng bên trái) hướng dẫn nghiệp vụ cho điều dưỡng trẻ.
Điều dưỡng Cao Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (đứng bên trái) hướng dẫn nghiệp vụ cho điều dưỡng trẻ.

Do vậy, ngoài chất lượng chẩn đoán, điều trị của bác sĩ, chính thái độ, cách cư xử của điều dưỡng là yếu tố quyết định mức độ hài lòng của người bệnh đối với cơ sở y tế.

* Duyên nợ với nghề điều dưỡng

Năm 1998, chị Cao Thị Hải Yến bén duyên với nghề điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Đến tháng 4-2017, chị Yến được tín nhiệm giao giữ chức Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Chia sẻ lý do chọn nghề điều dưỡng, chị Yến tâm sự, ngay từ nhỏ, chị rất yêu thích nghề y, mong muốn một ngày nào đó được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng để chăm sóc, cứu chữa người bệnh. Bởi vậy, khi vào ngưỡng cửa đại học, chị lựa chọn học ngành Điều dưỡng để thực hiện ước mơ của mình.

Điều dưỡng VŨ XUÂN QUÝ cho hay: “Mỗi bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện có các loại bệnh và nhu cầu được chăm sóc khác nhau. Có những bệnh nhân khá dễ tính nhưng cũng có những bệnh nhân rất khó tính, đòi hỏi chất lượng dịch vụ y tế cao. Do vậy, bản thân mỗi điều dưỡng phải không ngừng học hỏi, trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như thái độ ứng xử với người bệnh”.

Suốt 24 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, chị Yến nhận ra rằng phải thực sự yêu nghề, đam mê với nghề, có đủ sự kiên nhẫn, yêu thương người bệnh mới có thể chịu đựng và vượt qua được những áp lực, vất vả của nghề. Bên cạnh đó, điều dưỡng cũng cần phải thường xuyên học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao chứ không chỉ làm việc cho hết giờ rồi về.

Chị Yến tâm sự, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hiện có 586 điều dưỡng trong tổng số hơn 1,6 ngàn cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên. Số lượng điều dưỡng không thiếu nhưng do lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện đông, số bệnh nhân điều trị nội trú nhiều nên điều dưỡng gặp nhiều áp lực. Bên cạnh đó, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cộng với việc thực hiện cách ly, phong tỏa nên nhiều người dân có tâm lý e ngại đến bệnh viện. Chỉ đến khi bệnh đã nặng, người dân mới nhập viện để điều trị. Việc phải chăm sóc, điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng cùng lúc khiến điều dưỡng cũng gặp nhiều khó khăn.

Với cương vị Trưởng phòng Điều dưỡng, chị Yến đã trực tiếp cùng với lãnh đạo bệnh viện tuyển dụng những điều dưỡng đáp ứng đủ yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến hữu ích, xây dựng đội ngũ điều dưỡng trưởng khoa có năng lực, đoàn kết, biết giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Mục đích nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, cải thiện thái độ phục vụ, phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Mới đây, chị Yến vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích đã đạt được trong quá trình công tác.

* Chăm sóc bệnh nhân tận tình, chu đáo

Điều dưỡng Bùi Thị Thanh, Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng đã gắn bó với nghề điều dưỡng được 18 năm. Sau 7 năm làm việc tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, từ năm 2010 đến nay, chị Thanh làm việc tại Khoa Thận nhân tạo.

Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Hạnh Dung
Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Hạnh Dung

Chị Thanh cho hay, công việc của điều dưỡng tại Khoa luôn trong tình trạng “ngập đầu”. Nếu trực ca 1, điều dưỡng phải có mặt tại Khoa từ 6 giờ sáng để phát quả lọc, phát dây lọc, mắc quả lọc máu, rồi gọi bệnh nhân vào giường bệnh, ổn định chỗ nằm để chích kim truyền máu cho bệnh nhân. Trong khoảng thời gian từ 3,5-4 giờ bệnh nhân lọc máu, điều dưỡng thực hiện các công việc khác như: đo huyết áp, phát thuốc, chích thuốc, truyền dịch… cho bệnh nhân. Sau đó, điều dưỡng tiến hành ghi hồ sơ bệnh án, theo dõi diễn biến sức khỏe của bệnh nhân trong suốt thời gian chạy thận, trả máu về cho bệnh nhân và kết thúc cuộc lọc máu…

Trong khi đó, anh Vũ Xuân Quý, Điều dưỡng trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark tâm sự, những bệnh nhân khi vào điều trị tại Khoa Ung bướu phần lớn trong tình trạng lo lắng, tâm lý bất ổn. Nhiều người bi quan về bệnh tật nên hay buồn bã, không muốn trò chuyện, tiếp xúc với người khác. Chính bởi vậy, là người có nhiệm vụ thực hiện y lệnh của bác sĩ, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, điều dưỡng phải có thái độ, cách cư xử phù hợp, quan tâm đặc biệt đến bệnh nhân kể từ khâu tiếp nhận đến suốt quá trình điều trị. Qua đó, giúp bệnh nhân thấy được nhân viên y tế có sự đồng cảm, chia sẻ, quan tâm đến họ. Từ đó, giúp họ có tâm lý thoải mái hơn, lạc quan hơn, xoa dịu phần nào nỗi đau bệnh tật mà họ đang phải chịu đựng.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều